- Nhạc sĩ Văn Cao được coi là tự học nhạc. Ông có thể nói rõ hơn về quá trình học của vị nhạc sĩ được đánh giá là hàng đầu trong nền âm nhạc Việt Nam?
- Văn Cao có học nhạc ở trường dòng Saint Joseph sau khi học hết tiểu học ở Bonnal (Hải Phòng). Chắc cũng được khoảng 3 năm, ở đấy ông học chơi cả violon, guitar. Thời gian đó rất quan trọng. Bài Buồn tàn thu ông viết năm 16 tuổi mang âm hưởng violon rất đẹp.
Ông thầy của Văn Cao phải nói cũng giỏi đấy... Văn Cao luôn có ý thức thể hiện tính dân tộc trong tác phẩm, qua việc sử dụng chất liệu dân ca hoặc đưa hồn dân tộc vào. Những bài Buồn tàn thu, Thiên thai hay Trương Chi đều sử dụng ca trù rất khéo. Bài Bến xuân đưa nét nhạc của dân ca Chàm vào.
Có những bài viết rất Tây nhưng đưa hồn dân tộc vào. Ví dụ Trương Chi có nhịp chèo thuyền “nhát gừng” (barcarolle), còn Sông Lô đưa tiếng gõ thuyền của dân đánh cá trên sông Lô, chỗ: “Vui hát ca hòa vui hát ca…”. Những sáng tạo của Văn Cao tương đối độc đáo, ít người làm được.
Ông kiệm lời, ít nói về sự học hành của mình. Nhưng ông học rất thấu đáo và sau đấy cũng tự học rất nhiều. Ông có ba tiểu phẩm cho piano Sông Tuyến, Biển đêm và Hàng dừa xa rất hay. Đồng thời ông viết tổ khúc giao hưởng Anh bộ đội Cụ Hồ cho xưởng phim Quân đội. Nói chung Văn Cao tự phối khí được.
Ông học dự thính ở Trường Mỹ thuật Đông Dương, mọi người nghe chữ “dự thính” cứ tưởng có gì kém. Thực ra chỉ là giờ nào anh thích anh học, không phải kém hơn chính khóa. Vì ông còn phải đi làm nuôi gia đình. Chính vì thế ông mới vẽ minh họa, thiết kế bìa rất đẹp.
- Nếu Văn Cao dành nhiều thời gian cho âm nhạc và nghệ thuật nói chung có lẽ tốt hơn?
- Trong Văn Cao có hai con người luôn luôn chung sống là con người hiệp sĩ và con người nghệ sĩ. Đến khi được ông Vũ Quý giác ngộ, Văn Cao thấy lý tưởng đẹp quá, đi theo và làm đầy đủ. Cái mốc chuyển đổi chính là Tiến quân ca, tất nhiên có phần hành khúc yêu nước trước rồi. Thêm nữa Đàn chim Việt đổi lời ca từ lãng mạn sang cách mạng vẫn hợp.
Không chỉ học võ từ nhỏ, từng lên đài biểu diễn và thi đấu, Văn Cao còn phi dao rất giỏi. Em của ông ấy là bà Diệp kể với tôi: “Ngày xưa tôi sợ lắm anh Kha ạ. Ông ấy bắt tôi đứng tựa vào tường gỗ cho ông ấy phi dao xung quanh...”. Ông ấy bơi cũng rất giỏi. Ông ấy bắn súng hai tay như một luôn. Ông này là trời cho, tức là cái gì ông cũng biết.
Ông Trần Khánh (tức NSND Trần Khánh) là đàn em được giao nhiệm vụ liên lạc. Ông Nguyễn Đình Thi và Văn Cao đều hoạt động trong đội Danh dự Việt Minh. Lúc đấy ông Thi tham gia Văn hóa Cứu quốc rồi nhưng hoạt động bí mật không ai nói với ai cả. Ông Văn Cao nghiêng về đi ám sát… Những việc này tôi đều viết trong cuốn Văn Cao - Người đi dọc biển. Cuốn sách viết xong năm 1991 và xuất bản năm sau đó. Văn Cao đã đọc và bảo: “Không phải sửa chữa gì cả, Kha quá hiểu tôi”.
- Trong một đoạn hồi ký viết về quá trình ra đời của Tiến quân ca, Văn Cao viết: “Sau triển lãm Duy nhất 1944 (Salion unique), tôi về một căn gác hẹp đầu phố Nguyễn Thượng Hiền. Ba bức tranh sơn dầu của tôi, tuy được trưng bày vào chỗ tốt nhất của phòng tranh - Nhà Khai Trí Tiến Ðức - và được các báo khen ngợi nhưng cũng không bán nổi. Hy vọng về cuộc sống hội họa, tại Hà Nội không thể thực hiện được”. Về số phận các bức tranh của Văn Cao, ông có biết gì thêm?
- Tranh ông về sau đều bán hết. Có điều giờ lưu lạc lung tung không biết đích xác được. Chỉ biết các nhà sưu tập như Lâm "Toét" (chủ cà phê Lâm), rồi ông Bổng, ông Ninh đều mua tranh của Văn Cao. Nhưng tiền bán tranh hay vẽ minh họa cũng chỉ đủ để Văn Cao trang trải cho gia đình thôi, không khá giả được. Cái chính là âm nhạc bị cấm hoàn toàn do một lệnh miệng.
- Văn Cao cũng kể rằng khi nào phải mượn được giá vẽ ông mới có thể ra ngoài vẽ phố phường?
- Người thỉnh thoảng giúp đỡ Văn Cao trong chuyện vẽ có hai ông là Nguyễn Đình Phúc và Lưu Văn Sìn đều học Mỹ thuật Đông Dương. Ông không có tiền để mua toan, màu, nên chỉ vẽ minh họa, vẽ bìa kiếm tiền vặt. Thỉnh thoảng cũng có một cái toan để vẽ bán được ngay. Bức Leo cột mỡ vẽ kiểu tối giản ông ấy bán cho Lâm "Toét" đấy. Người thổi sáo vẽ lập thể ông giữ mãi để treo rồi mới bán. Cây đàn đỏ ông vẽ hồi ở Khu 3 thất lạc rồi.
- Những năm cuối đời Văn Cao đã có thể ung dung tự tại?
- Đổi mới ông được đánh giá lại là thời kỳ rực rỡ nhất. Chính như thế tôi mới khui ra được Mùa xuân đầu tiên, ông ấy để trong tủ bụi bám đầy ai để ý đâu. Bên Nga dịch ra và in nhưng cũng để đấy thôi. Mãi đến khi ông mất, Mùa xuân đầu tiên mới được hát một cách cẩn thận.
Số phận của bài hát kỳ lạ, viết từ 1976 (dù năm 1993, trong một chương trình có Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến dự tôi đã cho Minh Hoa hát rồi) nhưng đến 1996 mới nổi tiếng, bắt đầu từ phần thể hiện của Tam ca Áo Trắng trên truyền hình…
"Chính vì những đau đớn phải trải qua Văn Cao mới có những câu thơ ấn tượng đến thế. “Bây giờ không còn những tiếng nổ to/ Nhưng còn những tiếng rạn vỡ” hay “Người anh dẹt như một con dao/ Gây nhiều vết thương cho bạn hữu”… Tôi cũng may mắn được ông để ý đến rồi cuối cùng lại hợp nhau. Tôi biên tập tập thơ Lá của ông cả một năm mới xong. Trong đó chỉ có bài về cải cách ruộng đất (Đồng chí của tôi) là không in được, nhưng năm 2016 tôi đã đưa được vào trong một tuyển tập của các nhà thơ gốc Hải Phòng. Như vậy các bài thơ của Văn Cao đều đã được công bố. Ông ít làm nhưng thơ của ông hay", nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Kha.
- Vậy lần đầu tiên ông gặp nhạc sĩ diễn ra như thế nào?
- Mùa thu 1982, tôi được giải thơ báo Văn nghệ, chính Văn Cao chủ động bảo ông Đặng Đình Hưng là “Cho tao gặp thằng Kha”. Chứ mình sợ ông ấy lắm, làm gì dám mon men. Đấy là một hạnh ngộ. Ông ấy đọc bài thơ được giải Những giọt mưa đồng hành của tôi, ông ấy thích.
Cuộc gặp đầu tiên diễn ra ở một quán rượu nhỏ, vì ở phố Nguyễn Du nên chúng tôi gọi vui là “Tiên Điền”.