Nhà nghiên cứu 104 tuổi ra mắt tập 2 bộ sách về Sài Gòn - Gia Định - TPHCM

TPO - Nhà nghiên cứu lão thành Nguyễn Đình Tư vừa cho ra mắt tập 2 của bộ sách Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: dặm dài lịch sử (1698-2020). Đây là công trình nghiên cứu và sưu tầm tư liệu được ra mắt nhân dịp kỷ niệm 325 năm Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM (1698-2023).

Bộ sách Gia Định - Sài Gòn - TPHCM: dặm dài lịch sử (1698-2020) gồm hai tập (do NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành), nội dung tương ứng với hai giai đoạn lịch sử: Từ 1698 đến 1945 (tập 1) và từ 1945 đến 2020 (tập 2).

Ở tập 1 (ra mắt đầu năm 2022), tác giả cuốn sách đã đi sâu tìm hiểu, giới thiệu về các đời Chúa Nguyễn và Vua nhà Nguyễn, quá trình hình thành vùng đất Bình Thuận - Đồng Nai - Gia Định trước khi Nguyễn Hữu Cảnh được cử vào kinh lý miền Nam, việc đặt nền móng, các đơn vị hành chính, việc mở mang bờ cõi. Từ đó, tác giả đã đề cập tới Sài Gòn - Gia Định thời Pháp thuộc, những chính sách cai trị Nam Kỳ và tinh thần đấu tranh giành độc lập của nhân dân miền Nam.

Ngoài ra sách còn có phần dẫn nhập trình bày đại cương về địa lý tự nhiên của thành phố, về thời đại tiền sử, về thời kỳ phù Nam, về thời kỳ Thủy Chân Lạp và lưu dân người Việt.

Bộ sách Gia Định - Sài Gòn - TPHCM: dặm dài lịch sử (1698-2020).

Với tập 2, tác giả tiếp tục trình bày giai đoạn từ ngày Nhật đảo chính Pháp cho đến Hiệp định Genève 1954, về cuộc đảo chánh của Nhật và cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta nổi dậy giành chính quyền tại Sài Gòn và quân Pháp tái chiếm Sài Gòn - Gia Định và cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm (1945-1954). Tiếp theo đó là giai đoạn chính quyền Việt Nam Cộng hòa với việc chính quyền Ngô Đình Diệm âm mưu chia cắt lâu dài đất nước dưới sự can thiệp của Chính phủ Mỹ. Cùng với đó là các hoạt động đấu tranh của quân dân miền Nam dẫn đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975 thống nhất đất nước.

Tập 2 bộ sách Gia Định - Sài Gòn - TPHCM: dặm dài lịch sử (1645-2020).

Cũng tại tập 2, tác giả giới thiệu giai đoạn xây dựng TPHCM trở thành thành phố hòa bình, văn minh, hiện đại, hội nhập từ 1975-2020; về công cuộc phát triển kinh tế- xã hội và con người, đưa TPHCM là một trong những đầu tàu kinh tế- xã hội của cả nước, đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế của cả nước.

Nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư sinh năm 1920 tại Nghệ An nhưng ông sống và làm việc tại TPHCM đã từ lâu. Với công việc nghiên cứu và viết sách khảo cứu, tính tới nay ông đã có hơn 60 đầu sách được xuất bản, trong đó có nhiều cuốn sách được đánh giá cao, có nhiều giá trị trong nghiên cứu như Non nước Phú Yên (1964), Địa chí Khánh Hòa (1972), Non nước Ninh Thuận (1974), và các công trình về sau như: Đường phố nội thành TPHCM, Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, Non nước Quảng Trị, Tiểu sử và hành trạng các nhà khoa bảng Hán học Nam Bộ, Sổ tay tên đường ở thành phố Hồ Chí Minh, Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ, Loạn 12 sứ quân...

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cũng là người đề xuất với Hội đồng đặt và đổi tên đường TPHCM đặt tên hai con đường Hoàng Sa và Trường Sa tại TPHCM.