Ngôi nhà nhỏ nằm giữa thôn Kim Đông, phía trước là bạt ngàn lúa non xanh mơn mởn. Trước, đây là nơi ở của gia đình liệt sỹ Nguyễn Chưng, nay thành nhà thờ gia tộc. Ông Nguyễn Văn Sơn - cháu nội liệt sỹ Nguyễn Chưng, thắp nén nhang vái tiên tổ, rồi đưa khách thăm tấm Bia tưởng niệm gia tộc.
Tấm bia khắc đầy đủ tên của 12 liệt sỹ gồm Nguyễn Chưng, Nguyễn Học, Nguyễn Tuân, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Văn Sanh, Nguyễn Thị Năm, Nguyễn Mậu, Nguyễn Xuân Đãi, Nguyễn Văn Thái, Nguyễn Đăng Khoa, Nguyễn Văn Năm. Ba mẹ VNAH là mẹ Lê Thị Mười - vợ liệt sỹ Nguyễn Chưng, cùng hai con dâu là mẹ Huỳnh Thị Thử và Trần Thị Lưỡng (vừa là Mẹ VNAH vừa là liệt sỹ).
Tấm bia được xây dựng năm 2001 do con, dâu, cháu, chắt đóng góp cùng phụng lập. Ông Sơn phụ trách việc trông coi, nhang khói. Những ngày lễ, tết, ngày giỗ con cháu khắp nơi kéo về ngồi ôn lại truyền thống anh hùng của gia tộc, báo cáo những thành tích, những việc làm được cho các bậc lão niên nghe. Nhiều suất học bổng khuyến học khuyến tài cho trẻ em làng cũng được trao tại đây nên dân làng kéo tới sum tụ.
Cầu ông Tường do con cháu, chắt tộc họ Nguyễn Chưng đóng góp, xây dựng tại thôn Kim Đông, xã Phước Hòa.
Uy danh của một lão nông
Ông Nguyễn Văn Huyến, 84 tuổi, con trai út liệt sỹ Nguyễn Chưng, lật giở từng trang Sổ vàng truyền thống của gia tộc. Đó là cái nôi để con cháu sau này soi vào để biết phấn đấu và cống hiến.
Ông Nguyễn Chưng sinh năm 1889, ở thôn Kim Đông, Phước Hòa (huyện Tuy Phước, Bình Định) trong một gia đình bần nông. Vốn chỉ là một nông dân nhưng sớm giác ngộ cách mạng và bộc lộ khí chất của một trượng phu. Người dân quê lam lũ luôn bị bọn địa chủ, cường hào chèn ép.
Chúng lấy cớ đắp đê để chiếm 60 mẫu ruộng của dân làm của riêng đẩy người dân vào bần cùng, đói khổ. Không chịu được cảnh bất công, ông Nguyễn Chưng đứng ra tập hợp quần chúng nhân dân thôn Kim Đông đấu tranh chống bọn cường hào, địa chủ để đòi lại đất. Cuộc đấu tranh không cân sức nên sớm bị dập tắt. Ông cùng người anh trai bị chúng bắt, kết án 6 tháng tù giam, hai người con trai của ông cũng bị kết án 3 tháng tù giam.
Đến thời kỳ cướp chính quyền, ông đứng ra thành lập công đoàn, tổ chức hội nông dân đi vào canh tác tập thể, và phụ trách công trình thủy lợi của thôn, xây dựng đê điều, đập dâng đưa nước về cung cấp cho thôn, xóm. Thời kỳ chống Mỹ, ông bí mật bám trụ ở thôn hoạt động bí mật như treo cờ, rải truyền đơn, liên lạc, cung cấp thực phẩm, thuốc men và nuôi giấu cán bộ.
Ngày 28/3/1966, ông hy sinh trong cuộc đấu tranh trực diện với kẻ địch cùng nhân dân thôn Kim Đông chống cuộc càn quét. Năm 2001, ông Nguyễn Chưng được Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sỹ. Ông mất, nhưng sớm truyền cho các con tinh thần yêu nước, đấu tranh vì Cách mạng, vì lẽ phải.
Cả gia đình cầm súng
Nhà có 8 người con (7 trai, 1 gái) ông Chưng đều động viên tham gia kháng chiến, trong đó có 6 người là bộ đội trực tiếp cầm súng đánh giặc. Như ông Nguyễn Nghị -con trai cả, gia nhập quân đội ở Quy Nhơn. Ông Nguyễn Bính - con thứ 3 là Bí thư Đảng ủy xã Phước Hòa, thường vụ Huyện ủy Tuy Phước. Sau khi tập kết ra Bắc, lại đi B (vào Nam) làm Phó ban Binh vận tỉnh Gia Lai.
Ông Nguyễn Nam - con thứ 7 là Bí thư Đảng ủy xã Phước Hòa, thường vụ Huyện ủy Tuy Phước, Chủ tịch Nông hội Tuy Phước, chuyên viên cao cấp Ủy ban MTTQ VN. Ông Nguyễn Học (liệt sỹ), xã đội trưởng Phước Hòa, cán bộ nằm vùng thời chống Mỹ. Ông Nguyễn Tuân (liệt sỹ), Phó ban Binh vận tỉnh Gia Lai, Bí thư huyện ủy, tỉnh ủy viên bám trụ hoạt động Tây Nguyên, có tên gọi Bá Bổ (có nghĩa là Già Làng) được hưởng Huân chương Độc lập hạng 2…
Gia tộc Nguyễn Chưng còn được biết đến là gia đình hiếu học. Ngay từ thời cụ Nguyễn Chưng còn sống, dẫu đói khổ nhưng vợ chồng dù lam lũ, ráng cho con học đến nơi đến chốn, đặc biệt đề cao giáo dục về tinh thần yêu nước.
Ngày nay, hầu hết các con, cháu, chắt noi gương ham học thành tài, đặc biệt là người chắt Nguyễn Duy Minh với bằng Tiến sỹ năng lượng tại Pháp, hiện đang là giảng viên của một trường đại học tại Hà Nội.
Con cháu trong tộc, nhiều người giữ trọng trách trong các cơ quan Đảng, nhà nước, doanh nghiệp…
Xây cầu cho dân, học bổng cho trẻ em làng
Chủ tịch xã Phước Hòa Nguyễn Văn Nhâm cho biết, gia tộc Nguyễn Chưng không chỉ có truyền thống cách mạng, dòng họ hiếu học, mà còn đóng góp nhiều công trình phúc lợi cho địa phương.
Năm 2006, anh em, cháu chắt trong gia tộc Nguyễn Chưng đóng góp xây 200m đường liên thôn và khánh thành cây cầu ông Tường (tên thường gọi của dân làng chỉ cụ Nguyễn Chưng) ở thôn Kim Đông giúp người dân trong thôn thuận đường đi lại.
Người con trai út của ông Nguyễn Chưng là ông Nguyễn Văn Huyến trích tiền thưởng 60 năm tuổi Đảng của mình để tặng cho Hội khuyến học xã, trao 5 chiếc xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong thôn. Hằng năm, gia tộc duy trì học bổng cho con cháu trong dòng họ và học sinh nghèo học giỏi ở thôn Kim Đông.
“Tri thức mới tạo dựng nên thành công được, và các cháu học sinh ham học, vượt khó chính là nhân tố cần nuôi dưỡng. Chúng tôi không làm được nhiều, chỉ trong điều kiện của mình nhưng muốn khuyến khích những hạt giống ấy vươn lên nảy mầm cống hiến trong tương lai” - ông Nguyễn Văn Huyến chia sẻ.
Hầu hết con cháu của liệt sỹ Nguyễn Chưng đều là Đảng viên Đảng cộng sản, trong đó nhiều người được truy tặng danh hiệu 50 năm tuổi Đảng. Cứ đến dịp lễ trọng đại của đất nước như Quốc khánh 2/9, Ngày thương binh liệt sỹ 27/7 hay ngày giỗ tế hiệp gia tộc 19/1 âm lịch, con cháu lại sum tụ về ôn lại truyền thống ông cha và giáo dục lễ nghĩa, lòng yêu nước…