> Lê Minh Khuê trình làng 'Nhiệt đới gió mùa'
>Bí mật căn hầm dưới trụ sở báo Tiền Phong thời B.52
Cuối năm 1999, một năm trước khi Minh Thái từ Sài Gòn hồi hương Hà Nội, có Liên hoan Sân khấu toàn quốc, đánh dấu bằng thắng lợi của vở Rừng trúc, đúng lĩnh vực hành nghề của nhà phê bình sân khấu Nguyễn Thị Minh Thái. Tôi nghe nói về Minh Thái đã nhiều nhưng hôm ấy mới rủ nhau cùng đi xem. Ấn tượng thật đặc sắc.
Tôi cũng như Minh Thái, là người thoải mái trong xưng hô với bạn bè. Mạnh Cường ngày trước ở báo Lao Động bảo: Đại từ nhân xưng của anh phải nói là kinh dị. Lê Dung hơn tôi gần chục tuổi, tôi gọi là cô, xưng tôi, cứ như Lê Dung là em mình. Thực ra xưng tôi vì là bạn bè, còn gọi cô là tôi gọi thay cho mấy đứa cháu cũng quen Lê Dung. Đám bạn bè đàn em, tôi tự xưng là ta, gọi họ là ngươi, thoải mái hơn tí thì gọi là đồng chí, thoải mái nữa thì gọi là y hay thị, một đại từ nhân xưng ngôi thứ ba, cứ như người đối diện mình đã trở nên xa lắc xa lơ. Với một người, cách xưng hô cũng có thể bị đổi đến vài ba lần chỉ trong một lần gặp. Với Minh Thái, hơn tôi chục tuổi, đàn chị, nhưng vẫn được gọi là ngươi là mụ, xưng là ta.
Năm 2000 Minh Thái hồi hương về Hà Nội, sau mười lăm năm vừa du học Liên Xô, lại vừa định cư ở Sài Gòn. Đại hội nhà văn toàn quốc, Minh Thái trong tâm trạng nóng sốt muốn đổi mới lắm rồi. Chị cho rằng phải thay đổi nhân sự ban lãnh đạo hội, phải đưa được người trẻ vào ban chấp hành.
Hừng hực khí thế như nữ chiến sĩ phong trào giải phóng dân tộc, Minh Thái lao lên diễn đàn, trước khi bắt đầu bài phát biểu, chị quay sang phía ban chấp hành đầu râu tóc bạc đang ngồi trên chủ tịch đoàn: Thưa các vị, phải nói thẳng rằng các vị già quá rồi đấy các vị ạ. Phê bình văn học không hề là thứ ăn theo nói leo. Và nữ nhà văn thì không cần đồng nghiệp rủ lòng thương "em như cây quế giữa rừng/ Thơm tho ai biết, ngát lừng ai hay". Thơm tho ở chỗ sáng tạo tác phẩm mới và chính tác phẩm sẽ xác định sự bình đẳng với nam nhà văn dưới ánh sáng mặt trời. Đấy là cách nói đúng kiểu Nguyễn Thị Minh Thái. Nói thẳng nói vỗ nói phũ, hết được cái ý mình muốn thì đi xuống diễn đàn như không. Ở hội nghị các nhà phê bình văn chương lần đầu họp ở Tam Đảo năm 2003, chị cũng lên diễn đàn nói vo thẳng thừng như thế, mặc dù có viết tham luận hẳn hoi. Nhiều người hả hê nhưng cũng nhiều người bầm gan tím ruột. Trong phê bình sân khấu cũng vậy. Chị nói dăm ba câu là điểm trúng huyệt nhược điểm của vở này, hoặc khen đích đáng cái hay của vở khác. Vai diễn cũng thế, không ai diễn vai kịch qua mặt được chị. Mấy chục năm xem sân khấu đã giúp chị đọc vị vai diễn đúng huyệt. Đấy là lý do tôi hay đi xem kịch với Minh Thái. Chúng tôi thường kịp thời bình luận ngay trong từng cảnh từng lớp lang vở diễn trên sân khấu. Tất nhiên bình luận vào tai đủ nghe, không ảnh hưởng đến người khác. Chúng tôi gần như là láng giềng, từ nhà tôi đi bộ sang nhà chị khoảng năm trăm mét.
Vốn là dân Tổng hợp văn Hà Nội, ra trường năm 1973, Minh Thái có mấy năm làm biên tập viên nhà xuất bản Văn Học, sau đó sang Trường Viết văn Nguyễn Du của ông Hoàng Ngọc Hiến hai năm, định làm giảng viên, rồi thấy thích làm báo, lại sang tạp chí Sân Khấu làm ký giả kịch trường, điếu đóm cho những cây đa cây đề ngành sân khấu, học nghề từ các vị. Sau đó chị được cử đi học lý luận phê bình sân khấu ở Leningrad, Liên Xô, giờ là Saint Petersburg. Được trang bị lý luận, được sống mấy năm trường trong bầu không khí sân khấu đặc Nga, kết hợp với tính cách nói thẳng nói thật, không ngán gì ai, chị trở thành một cây phê bình sân khấu bài bản, thẳng thắn và hiếm hoi ở ta bây giờ. Nói cho công bằng, lĩnh vực phê bình sân khấu vắng vẻ và thiếu chuyên nghiệp ít ra còn có một cây phê bình đáng giá, không vắng hoe như một số ngành nghệ thuật khác.
Trong đám bạn bè chúng tôi, chắc Minh Thái là người để lại nhiều giai thoại dân gian hơn cả. Cứ xưng hô bình dân, cứ tiếu lâm tếu táo, cứ "ný nuận" có đầu có cuối con tằm nhả tơ… mà ra giai thoại. Sau khi du học ở Nga, chị bay thẳng về định cư ở Sài Gòn tám chín năm trời, chỉ vì một mối tình. Và khi mối tình đi đến hồi kết rất nhanh, chị đã cố tạo lập một sự nghiệp ở Sài Gòn để trả nợ Sài thành, rồi mới hồi hương Hà Nội. Được một năm thì phát hiện bệnh tiểu đường đã đến mức trầm trọng. Từ hơn năm chục cân sụt xuống còn ba mươi tám cân. Lúc ấy ai cũng tưởng Minh Thái khó lòng qua khỏi. Khi chị trở dậy, chỉ còn gần bốn chục cân, thân hình teo tóp, da dẻ nhăn nheo, dắt cái xe máy ra còn bị xe lôi ngã. Đến nửa năm trời không động nổi vào cái xe máy. Ấy thế mà hăng hái uống thuốc, hăng hái đi bơi, hăng hái tập yoga, dần dần hồi phục. Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức đi biển Sầm Sơn, Minh Thái và một nhà thơ nữ thi bơi ra chỗ xa nhất, nơi cọc tiêu giới hạn, mọi người gọi mãi mới chịu quay vào.
Bệnh tật khiến Minh Thái phải tiêm thuốc hàng ngày. Tự tiêm, trước giờ ăn ba mươi phút. Cả bọn đi du lịch, dừng lại quán bên đường ăn trưa ăn tối. Tiến sĩ nhà ta đàng hoàng lôi hộp kim tiêm ra, ngang nhiên cắm phập mũi kim vào tay mình trước bàn dân thiên hạ tròn xoe mắt. Chúng tôi nghịch, bảo với chủ quán đấy là kẻ nghiện hút, thách thức pháp luật. Có khách ăn trong quán lần đầu nhìn thấy cảnh lạ mà hoảng hồn. Trước một cái Tết âm lịch, nhóm chúng tôi kéo nhau lên Mộc Châu, ở chơi một đêm, sáng sớm hôm sau đi tìm mua cành đào phai trong vườn bên núi, mang về chơi Tết. Đêm, cả bọn kéo nhau đi dạo phố núi trong cái se se lạnh và sương mù. Đến hàng cháo đêm, phó giáo sư tiến sĩ lại giở bài cũ, lôi kim tiêm ra. Hai họa sĩ trẻ Đặng Hồng Quân, Kim Duẩn và nhà tản văn Nguyễn Trương Quý phá lên cười. Tôi bảo chủ quán, chị thông cảm, cứ coi như chị không nhìn thấy con nghiện nào. Chị chủ quán tủm tỉm ra vẻ hiểu biết, gì chứ cái ấy ở đây là chuyện thường. Sao lại là chuyện thường? Em nói thật đấy, ở đây có khi cả làng chơi cái này bác ạ.
Ấn tượng đầu tiên về Nguyễn Thị Minh Thái: một nữ chiến sĩ băm bổ không coi thiên hạ ra gì, xưng hô thì đặc biệt bình dân. Ngồi chuyện trò giữa đám đạo diễn diễn viên nhà báo, chị gọi một cô phóng viên trẻ, con kia con kia. Như mẹ gọi con, như chị gọi em.
Minh Thái được đạo diễn mời làm cố vấn văn học kịch cho nhà hát Tuổi Trẻ, và Nhà hát Kịch Việt Nam, chuyên phân tích kịch kinh điển của nước ngoài. Chị giúp nghệ sĩ nâng cao kỹ năng phân tích kịch bản, nhân vật mình sắm vai, phải hiểu đúng hiểu sâu văn học kịch thì mới diễn xuất sao cho có chiều sâu nội tâm. Nhưng thế mà cũng có lời ra tiếng vào. Một bà đạo diễn bảo: Người ta bảo em được nhà hát quà cáp nên em viết bênh vực họ. Minh Thái trợn mắt: Nếu chị là bạn tôi, nghe nói về tôi như thế thì chị phải nhét cức vào mồm nó chứ, hay là chính chị nói thế? Không, không, người ta nói chứ chị không nói. Chị không nói, nhưng chị nhắc lại, chứng tỏ chị thích.
Đối đáp cứ chan chát. Ra đường, đang đi xe máy, bị cảnh sát giao thông chặn lại. Sờ lên đầu thì không thấy mũ bảo hiểm đâu. Cảnh sát hỏi: Chị có biết chị cần làm gì khi đi xe máy không? Biết chứ, tôi lại còn biết cảnh sát phải làm gì trong trường hợp này nữa cơ, việc của cảnh sát là tìm bắt cái đứa ăn cắp mũ bảo hiểm của tôi để trả lại cho tôi. Nghe trình bày một lúc, anh cảnh sát tỏ ra thông cảm với người hóa ra là giảng viên khoa Báo chí đồng thời là nhà báo. Chị cười cười, nửa đùa nửa thật, bảo: Đồng chí thật tốt, không phạt tôi vì lý do chính đáng, tôi sẽ khen đồng chí trên báo, nếu thích, tùy chọn nhé. Và chị kể tên vài tờ báo công an. Anh cảnh sát bảo: Không thích lên báo đâu. Chị bảo: Lên báo hay chứ, đã có chú công an cư xử tốt với dân, tôi viết bài lên báo ca ngợi, sau được đề bạt đấy.
Lần chúng tôi rủ nhau đi biển Hải Thịnh, trên chiếc xe thuê, chị liên tục kể chuyện vui làm chàng lái xe cười tít mắt. Mải cười, bốc lên, anh ta phóng xe quá tốc độ lúc nào không hay, đến khi bị cảnh sát bên đường bắt dừng mới nhớ ra. Chết cháu rồi cô ơi, anh ta kêu lên. Minh Thái bảo: Cháu cứ xuống xem sao. Chàng lái xe xuống thì Minh Thái, Dư Thị Hoàn, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Triều Hải cũng ào xuống theo. Minh Thái tiến đến trước mặt anh cảnh sát, véo von đọc tên anh chàng trên tấm phù hiệu đeo trước ngực: Xin chào đồng chí cảnh sát Nguyễn Văn Đại đẹp trai thân mến. Cứ thế tuôn một tràng những lời có cánh. Anh cảnh sát quả là đẹp trai, quả là thân mến, nghe giáo sư mồm năm miệng mười mà lại khoái chí, cuối cùng phẩy tay cho đi. Tha. Chú lái xe sau đấy cứ xuýt xoa: Nhờ cô mà cháu không bị phạt, ít nhất là năm trăm nghìn. Mấy hôm sau cả đoàn đã quay về Hà Nội, cậu chàng lái xe mang đến tặng Minh Thái một con mèo tam thể cực đẹp, vẫn nuôi cho đến bây giờ, béo hú. Con gái Minh Thái, Diệu Cầm, đặt tên cho mèo là Mèo Béo. Chẳng là trên xe, chàng tài xế thấy nữ giáo sư có vẻ quan tâm đến mèo.
Người trong nghề vẫn thường đùa nhau, ai cũng có méo mó nghề nghiệp. Nhà thơ nữ làm thơ dạy con nhưng là để dạy đời. Giáo sư thì tưởng thiên hạ ai cũng là học trò mình. Không cho ai hơn, không cho ai nói chen. Một tràng dài trên điện thoại, mà người đối thoại không thể chen vào. Đấy là quen giảng nóng cho sinh viên ngay trên điện thoại. Nhiều sinh viên đã dùng thủ thuật ghi âm cú điện thoại ấy của cô, sau gỡ băng chép lại. Nửa đêm sinh viên gọi đến, không nề hà, cô giảng luôn trên điện thoại. Sáng sớm sinh viên đến bấm chuông, cũng không nề hà, mắng mỏ mấy câu làm phép, rồi lại giảng. Sinh viên ra trường, là phóng viên rồi, tìm đến cô cứu em, em cần bài phỏng vấn cấp tốc cho số này. Thế là cô chấp nhận làm vật hy sinh trên cái đàn tế thần là tờ báo của em. Sinh viên ra trường mà cô vẫn chưa thoát, chưa hết trách nhiệm. Câu chưa thành cú, bố cục bài lộn xộn, lại chính cô phải thò bút vào để sửa bài báo cho em.
Giảng nhiều thì cũng có lúc đi xa chủ đề, ra bên lề. Chị đến nói chuyện với chị em ở Bộ Ngoại giao nhân ngày 8 tháng 3. Cô đồng nghiệp tôi kể: cô giới thiệu tiến sĩ Nguyễn Minh Thái, chị lên ngay, sửa lại ngay, tên tôi là Nguyễn Thị Minh Thái, chữ thị trong tên phụ nữ Việt Nam là văn hóa Việt, là bản sắc Việt. Cứ thế tiến sĩ nhà ta nói đến ba mươi phút về chữ thị. Chúng tôi đùa chị: nhận thù lao một triệu đồng, chỉ để nói về một chữ thị, lần sau sẽ nói về hai chữ nào đó, để lấy thù lao gấp đôi. Chúng tôi gọi đấy là lạc đề, được cái lạc đề nhưng mà hấp dẫn, nên người ta vẫn thích nghe, sinh viên vẫn ngồi yên thú vị nghe.
Thành ra người quen nói, thích lên giảng đường và đi lại tung tăng giữa các lớp học, hơn là ngồi yên vị để viết. Thích xuất hiện trước đám đông, ở nơi đèn đuốc sáng chói như nhà hát, thích lên các chương trình truyền hình, thích thú được người ta nhận ra ở nơi công cộng. Có người bảo, Minh Thái chương trình nào cũng thấy mặt, đến trả lời phỏng vấn về an toàn giao thông cũng lôi ý nghĩa triết học vào. Tôi có lần dọa, người ta quay tivi toàn để thiếu ánh sáng, mặt đen, dễ hóa thành phù thủy. Chị tiếp thu, bảo sẽ từ chối lên hình, sẽ nói không với người này người kia. Nhưng mà chối một thì vẫn nhận lời năm bảy.
Một nhà phê bình cần dành thời gian ngồi yên, để chuyên tâm viết. Những cuốn sách đúng ra mới là sản phẩm chính của nhà phê bình. Đã có những cuốn dày dặn: Sân khấu và tôi, Đối thoại mới với văn chương, Con mắt xanh, Phê bình tác phẩm văn học nghệ thuật trên báo chí, Đánh đường tìm hoa, rồi Mặt người mặt hoa… Đáng lẽ nếu chịu ngồi thì còn còn ra được những cuốn cần thiết. Biết vậy, nhưng mà khó ngồi yên. Nhoằng một cái có sinh viên gọi. Đùng một cái có đồng nghiệp gọi, nhờ đi giảng hộ lớp này lớp khác. Rồi đi nói chuyện chuyên đề, dạy ngắn hạn tỉnh này tỉnh kia. Đi ngay. Dắt xe ra thì xịt lốp. Chạy ra đầu ngõ thì xe ôm bảo nhau đi đâu hết. Ông bố chị bảo: Mày lên xe tao chở đi. Ông bố tám lăm chở bà con gái sáu mươi, cứ như ngày nào chở con đi nhà trẻ.
Chị thích giảng bài hơn, thích tung tăng đi lại hơn, thì cứ để chị làm cái việc chị yêu thích.Việc giảng dạy gần với sự giúp đỡ. Bản tính Minh Thái là thích giúp người. Người tình cũ nhờ hiệu đính bản dịch tiếng Việt dày cả nghìn trang, giúp ngay. Chính là cái người tình mà chị viết lại trong truyện ngắn Ngồi đợi ở bậc thềm, người mà chị đã yêu đến mức bỏ cả Hà Nội để vào Sài Gòn, rồi tan vỡ ảo tưởng đến mức lại bỏ Sài Gòn về Hà Nội. Thế nhưng, chị coi là chuyện đã qua. Ai cũng bảo giúp làm gì, khi chị ốm gần chết chẳng biết có được câu nào hỏi han hay không. Chưa hết, đến cả con gái người ấy quay lại nhờ cô giúp việc này việc kia, cũng không biết từ chối. Rất nhiều giai thoại của chị, tôi đã mượn đưa vào tiểu thuyết. Thoải mái, xởi lởi, chẳng đòi bản quyền, cũng chẳng lấy thế làm điều. Nguyễn Thị Minh Thái đấy. Vì chị trùng tên với tôi, nhóm bạn bè gọi một câu thì cả hai người thưa, tôi bèn đặt biệt danh cho chị là Tươi. Chọn cái tên cho có vẻ hơi quê một chút, mà lại vui đáo để. Tươi. Ra vẻ một cô gái quê lên thành phố, đặt thêm tên đệm cho kêu, chúng tôi gọi: Minh Tươi.
Hòa giải nhờ... tiểu đường
Chuyện tiểu đường chưa hết. Minh Thái làm cố vấn văn học kịch cho Nhà hát Tuổi Trẻ dựng vở Nhà búp bê của Ibsen. Chị phải đến gặp anh cán bộ cấp vụ của một bộ để phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế về vấn đề nữ quyền, gợi ý từ vở kịch. Anh này là cán bộ tỉnh mới được đề bạt lên cấp vụ của bộ, còn đang ra oai trong môi trường mới. Minh Thái thì quen nói vỗ mặt như mọi lần. Méo mó nghề nghiệp của giáo sư, đang bàn việc, chị dừng lại sửa câu nói ngọng cho anh chàng kia. Nhân vật chính trong kịch là Nôra, không phải Lôra, rõ chưa? Anh cấp vụ mới đã nóng mắt lắm. Được vài câu nữa thì phó giáo sư tiến sĩ nói toạc ra: Cậu chẳng hiểu gì về sân khấu cả, lại còn huyên thuyên, man rợ. Minh Thái dùng từ man rợ trong mọi trường hợp, cũng như tôi thường dùng từ mọi rợ với bạn bè. Anh cấp vụ điên lên: Chị thôi đi, tôi sẽ làm việc với người khác. Minh Thái rút phắt điện thoại di động chìa cho anh ta: Cậu gọi đi, gọi ngay cho người khác đi, xem có ai ngoài Nguyễn Thị Minh Thái có thể làm được việc này? Vị vụ trưởng sau cơn oai hùng thì thấy hoảng: Sao chị cứ bắt bẻ tôi, chị không biết là tôi đang bức xúc hay sao, tôi đang bị tiểu đường...?
Thế là chạm đúng chuyên môn của Minh Thái. Chị hất hàm: Chị cũng tiểu đường, bị mấy năm rồi? Em bị hai năm rồi. Chị đây bị mười năm cơ, cậu chữa ở bệnh viện nào? Em ở bệnh viện X. Nghe chị bảo đây, cậu bỏ ngay X, về Nội tiết cho tôi. Rồi làm thế này, thế này...
Cuộc hòa giải trở nên dễ dàng vì hóa ra hai con bệnh gặp nhau, đồng bệnh tương lân. Và ngay trong lĩnh vực bệnh tiểu đường thôi, thì nữ giáo sư nhà ta vẫn tỏ rõ tính cách hiếu thắng. Đến cả bệnh tật thì chị đây cũng vẫn là tay trên, trên tài thiên hạ, chứ không kém miếng khó chịu.