Trước đó, ông Cang bị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - C46) ra quyết định khởi tố bị can về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng vào ngày 18/9/2012.
Tuổi Trẻ cho biết, đến ngày 20/9/2012, C46 có văn bản đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh (A72) Bộ Công an thực hiện lệnh cấm xuất cảnh đối với ông Cang. Tới ngày 7/10/2013, lệnh cấm xuất cảnh đối với ông Cang được gỡ bỏ và ngày 24/12/2013, ông Cang rời khỏi Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Tp.HCM).
Tháng 9/2012, ngoài ông Cang, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) cũng đã có quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB và 2 nguyên phó chủ tịch khác là Lê Vũ Kỳ và Trịnh Kim Quang, liên quan đến vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tp.HCM và Hà Nội.
Vào giai đoạn đó, nguồn tin từ Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cho biết trong quá trình điều tra vụ án, đã xác định Huỳnh Thị Huyền Như đã có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của ACB, bắt nguồn từ việc một số cá nhân nguyên là lãnh đạo ACB đã ra chủ trương ủy thác cho một số nhân viên gửi VND và USD vào một số ngân hàng để hưởng lãi suất cao hơn trần lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định. Trong đó, việc gửi tiền vào Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh Tp.HCM để hưởng lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng, đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 718,908 tỷ đồng.
Những việc làm của các cá nhân nguyên là thành viên Hội đồng Quản trị ACB đã sai quy định tại điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng và Thông tư số 02/2011/TT-NHNN ngày 3/3/2011 của Ngân hàng Nhà nước.
Các bị can này bị xem là đồng phạm với Nguyễn Đức Kiên (nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Sáng lập Ngân hàng ACB) và Lý Xuân Hải (nguyên Tổng giám đốc ACB) về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, do các ông Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang có nhân thân tốt, có thái độ khai báo thành khẩn, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, có nơi cư trú rõ ràng, xét tính chất và mức độ hành vi vi phạm pháp luật, cơ quan điều tra đã thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, cho tại ngoại.
Cũng theo nguồn tin từ Tuổi Trẻ, mới đây, trong quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm bị Viện Kiểm sát nhân Tối cao truy tố về tội “kinh doanh trái phép, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trốn thuế”, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã kiến nghị Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội làm rõ vai trò đồng phạm của ông Phạm Trung Cang và bốn người khác về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội, hành vi của ông Phạm Trung Cang có dấu hiệu đồng phạm về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên ngày 12/12/2013, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã có quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Phạm Trung Cang.
Ngoài ra, theo Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội, thường trực Hội đồng Quản trị ACB đã họp ra chủ trương cấp tín dụng cho Công ty Chứng khoán ABC để mua cổ phiếu của ACB. Chủ trương nêu trên của Hội đồng Quản trị về đầu tư cổ phiếu dẫn đến ACB bị thiệt hại hơn 687,723 tỉ đồng. Tuy nhiên, kết luận tại bản cáo trạng ngày 12/12/2013 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao chỉ truy tố Lê Vũ Kỳ, Nguyễn Đức Kiên là bỏ lọt hành vi có dấu hiệu phạm tội của bị can Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải và Phạm Trung Cang.
Sinh ngày 24/10/1954, ông Phạm Trung Cang từng giữ các chức vụ Phó chủ tịch ACB, Phó chủ tịch Eximbank, Chủ tịch Công ty Cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng...
Theo Nhật Nam