TS Đỗ Mạnh Cường, Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, hậu quả của vệ sinh môi trường kém khiến 1,5 triệu trẻ em thấp còi, đặc biệt nghiêm trọng ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn. Theo đó, những trẻ 5 tuổi sống ở các cộng đồng sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh so với những trẻ sống tại cộng đồng sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh thấp hơn 3,7cm, trí thông minh (IQ) giảm đi 5-11 điểm.
Ths. Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Môi trường và cộng đồng cho biết, 80% nước thải từ các hoạt động của con người là thải thẳng vào hệ thống sông ngòi và biển mà không qua xử lý. Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng, mỗi năm ở Việt Nam có 1 triệu ca tiêu chảy, tuy nhiên đây mới là con số thống kê tại các bệnh viện, còn con số thực tế chắc chắn sẽ rất cao. Đáng nói, gần một nửa trong số 26 bệnh truyền nhiễm có nguyên nhân liên quan đến nguồn nước bị ô nhiễm. Nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 9.000 người Việt Nam mỗi năm.