Người VN tự có kháng thể trước virus H5N1?

Viện Nghiên cứu các bệnh dị ứng và truyền nhiễm (Viện Sức khoẻ quốc gia Mỹ) cho biết: Từ tháng 10 tới, sẽ tiến hành nghiên cứu rộng rãi ở VN, nhằm ước tính số kháng thể của người dân sau khi phơi nhiễm virus cúm H5N1 trong cộng đồng.
Tiêm phòng cúm - Ảnh minh họa

Điều này thực hiện thông qua việc lấy mẫu máu ở người, ở gia cầm, mẫu nước... và điều tra xã hội về hiểu biết và mức độ tiếp cận của người dân với gia cầm.

Theo TS Polly R.Sager - thuộc khoa Vi trùng và Bệnh truyền nhiễm, Viện Sức khoẻ quốc gia Mỹ - thì: "Giả thiết được đặt ra là có chăng sự xuất hiện kháng thể ở người tiếp xúc với những dòng virus H5N1 ít độc tính. Nếu điều này được xác nhận, những người dân đã có kháng thể có thể được bảo vệ một phần nào đó chống lại dòng H5N1 có độc tính mạnh hơn.

Nghiên cứu thực hiện ở 3 tỉnh Hà Tây, TT - Huế, Tiền Giang đại diện cho 3 miền, trên 850 hộ gia đình với ước tính khoảng 12.000 người đã phơi nhiễm hoặc có khả năng phơi nhiễm với cúm".

Theo bà Sager, đặc điểm dịch tễ về cúm gia cầm ở VN rất khác biệt so với nhiều quốc gia, bởi ở đây các gia đình nuôi chung cả gia cầm (gà, vịt, ngan) và gia súc (lợn, bò) trong cùng một khu. Mỗi vật nuôi đều mang những chủng virus riêng của mình. Do đó, việc tổ hợp của virus cúm "cộng đồng" vật nuôi này có nguy cơ xảy ra lớn.

Cty Vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech - thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư) là một trong 3 nơi đang thực hiện nghiên cứu phát triển vaccine H5N1 ở VN. Điểm khác biệt của Vabiotech với 2 đơn vị còn lại là ở đây sử dụng tế bào thận khỉ.

Theo ý kiến các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm và dị ứng Mỹ, Tổ chức Y tế thế giới lo ngại về sự an toàn của vaccine thành phẩm mà trong quá trình sản xuất sử dụng tế bào sống như tế bào thận khỉ, tế bào thận chó...

Bởi trong các tế bào sống này có thể chứa những virus mà con người chưa nhận biết được và trong đó chứa các mầm bệnh có thể lây sang cho người. Để chắc chắn là các tế bào sống này phù hợp để sản xuất vaccine, cần có sự thử nghiệm chặt chẽ, bởi vậy giá thành vaccine sẽ cao. Do đó, khi đã ở giai đoạn thử nghiệm vaccine H5N1 trên người như hiện nay, VN cần làm từng bước thận trọng và có những đánh giá liên tục về mức độ an toàn của vaccine.

Cũng như nhiều quốc gia, hiện tại các nhà khoa học Mỹ vẫn đang sử dụng phôi trứng gà để nghiên cứu sản xuất vaccine, đây cũng là một công nghệ truyền thống có từ 50 năm qua. Tuy nhiên, từ vài năm nay, Chính phủ Mỹ đã đổ ra rất nhiều tiền của để nghiên cứu sản xuất vaccine bằng công nghệ tế bào gốc.

Đại sứ John E.Lange của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, các bác sĩ cũng như các nhà khoa học VN và Bộ Y tế đã hợp tác rất chặt chẽ với WHO và các nhà khoa học Mỹ trong nghiên cứu về cúm H5N1. Trong đó, có việc thường xuyên gửi các mẫu virus H5N1 của các bệnh nhân mới để cập nhật về sự thay đổi của chủng virus và dự báo khả năng biến đổi của chúng. Trường hợp xảy ra đại dịch cúm, VN sẽ là quốc gia được ưu tiên để cung cấp vaccine phòng bệnh. 

Năm cơ sở y tế và nghiên cứu khoa học ở VN là Viện các Bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, BV Nhi Đồng 1 và 2, BV Nhiệt đới TPHCM, BV Nhi T.Ư đã tham gia mạng lưới nghiên cứu lâm sàng về cúm Đông Nam Á. Mạng lưới này gồm 18 thành viên ở Thái Lan, Indonesia, VN, Mỹ, Anh và WHO, thành lập nhằm nâng cao kiến thức khoa học và kiểm soát cúm ở người. Việt Nam đã tham gia nhiều công trình nghiên cứu với mạng lưới này.

Theo Nguyễn Hằng
Lao động