Tôi tình cờ được gặp bác sĩ Bùi Duy Tâm, người Việt Nam đầu tiên đến Bắc Cực, trong một cuộc chơi Xuân tại Huế.
Nguyên do, Bùi Duy Tâm vừa từ Mỹ về, nhờ nhà nghiên cứu Phan Thuận An và bác sĩ Dương Đình Châu tổ chức chơi Thả thơ trên thuyền rồng dọc sông Hương; tôi may mắn được mời tham dự.
Trước lúc xuống thuyền, du khách tụ họp dưới hàng tre dày tít bên hồ nước trước nhà anh Phan Thuận An - nguyên là phủ công chúa Ngọc Sơn.
Có nhiều tên tuổi từng biết đến nhiều phương trời (như nhà phê bình Đặng Tiến, tiến sĩ Thái Kim Lan từ Pháp và Đức về, rồi dịch giả Bửu Ý, nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân, tiến sĩ Bửu Nam... và nhất là võ sư Nguyễn Văn Dũng, những năm qua đã thăm thú hầu khắp các châu lục) nên râm ran đủ thứ chuyện Đông - Tây, trên trời dưới biển.
Đúng lúc ấy, bác sĩ Dương Đình Châu dẫn tới một ông già to cao, bụng gần phệ, đầu hói, hai máy ảnh kè kè bên hông. Bác sĩ Dương Đình Châu nói nhỏ với tôi: “Bùi Duy Tâm là người Việt Nam đầu tiên lên Bắc Cực đó!”.
Từ giây phút ấy, tôi nhìn Bùi Duy Tâm như trẻ em nhìn một siêu nhân. Mà Bùi Duy Tâm cũng xứng với danh hiệu đó. Hơn tám chục... xuân xanh rồi mà không mệt mỏi tìm kiếm những chân trời xa.
Đầu tháng 4/2006, Bùi Duy Tâm đã gửi cho bạn bè một “thông báo đặc biệt” kèm hình ảnh tấm bảng có hai dòng chữ “VIỆT NAM – BÙI DUY TÂM”. Đoạn cuối “thông báo”, Bùi Duy Tâm viết:
“Các bạn ơi! Bùi Duy Tâm của các bạn sẽ là người Việt Nam đầu tiên dẵm chân lên Bắc Cực. Tôi sẽ đeo cái bảng này trước ngực để đóng dấu ấn Việt Nam với cái kiêu hùng của Quang Trung, cái uyên bác của Nguyễn Trãi, cái văn vẻ của Nguyễn Du, ngay vào cái THÓP của quả địa cầu...”.
Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến những vùng đất xa xôi mà ông đã đặt chân tới, nhưng sau này, khi được hiểu biết thêm về ông, tôi “ngộ” ra rằng: hình như ông thích tìm đến những vùng đất lạ chủ yếu vì việc gì ông cũng muốn đi đến tận cùng, tìm kiếm những điều mới mẻ, độc đáo; và có lẽ ông cũng không muốn dẫm lại vết chân mình. Phải, nhân cách một nhà khoa học cần phải như thế.
Ngay trong chuyện Thả thơ, một “kiểu đánh bạc tao nhã của giới trí thức trong phạm vi thơ phú” đã có từ thời nhà Nguyễn, thường được tổ chức tại tư gia các nhà khoa bảng; mấy năm trước, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đã “phục dựng và cải biên” đưa thành một trò chơi trong các Đêm Hoàng cung, nhưng Bùi Duy Tâm thì đã nghĩ ra cách tổ chức độc đáo trên thuyền rồng sông Hương.
Chuyến du Xuân quá thú vị, một phần nhờ sân khấu lớn là cả một vùng sông nước hữu tình. Vì thế, tôi đã viết ngay một bài báo và hình như có nhiều người khen!
Vậy nhưng khoảng hai tháng sau, tôi nhận được bài viết của Bùi Duy Tâm qua email, đọc mà thấy… sợ quá! Bài viết kèm rất nhiều ảnh đẹp (“nói có sách, mách có chứng” mà!) dài đến 37 trang giấy A4!
Tôi “sợ” không phải vì độ dài bài viết mà vì “cái ông bác sĩ” này, lại sống ở bên Mỹ mấy chục năm rồi, mà am hiểu văn chương thơ phú kim cổ đất Việt và các kiểu “chơi” của Huế xưa rành rõ đến thế là cùng!
Ông dẫn Nguyễn Tuân đã viết về trò Thả thơ hai lần, chụp một trang nguyên bản làm chứng; hơn thế, còn dẫn tác giả Việt Thường, trong một bài đăng trong “Người xưa” (xuất bản tại Hà Nội 1941) đính chính một nhầm lẫn của cụ Nguyễn ta về một chi tiết: “…chồng Mộng Liên không phải là ông Phó sứ giữ lăng mà là ông Tam Xuyên Tôn Thất Mỹ…” .
Trước khi nhận bài viết ít hôm, ông còn hỏi tôi chữ “Tĩnh” trong bức thư pháp mà tôi được thưởng hôm thả thơ trên sông Hương là trích từ đâu, nghĩa là gì? Cẩn trọng, nghiêm túc khi “đụng” đến văn bản, chữ nghĩa như Bùi Duy Tâm kể cũng đáng… sợ thật.
Vậy là nhờ cuộc du Xuân đầu năm Kỷ Sửu, tôi bỗng có thêm một người bạn vong niên bên Tây bán cầu.
Không ngờ Bùi Duy Tâm lại biết khá nhiều chuyện về gia đình tôi. Thì ra sau 1975, anh tôi, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, đã đến thăm ông và tâm sự với ông nhiều lần tại TP Hồ Chí Minh.
Không chỉ vì hai người là đồng nghiệp, mà vì Bùi Duy Tâm là một nhân vật khá đặc biệt vào thời điểm đó.
Nói đúng hơn, từ 1968, khi được cử về làm Khoa Trưởng Đại học Y Huế, ông đã gây xôn xao dư luận về những cải cách táo bạo: Đem Đông y vào dạy cùng với Tây y, đổi lời tuyên thệ cũ của Hipocrate bằng lời tuyên thệ mới có nội dung luân lý và triết học Đông phương.
Đến nay, việc dạy Đông y trong các trường Y khoa không còn lạ, nhưng vào những năm 60 - 70 thế kỷ trước, đây là cuộc “cách mạng đặc biệt trong y học Việt Nam” (nhan đề bài đăng trên báo “Chính luận” ngày 1-8-1968).
Từ năm 1970, vào Sài Gòn xây dựng Đại học Y khoa Minh Đức, Bùi Duy Tâm càng quyết tâm thực hiện chí hướng “cách mạng” chương trình đào tạo ngành y của mình một cách toàn diện: từ nội dung chương trình, cách xây dựng trường lớp cho đến cách ăn mặc, vui chơi...
Ông cho khắc “Lời tuyên thệ của người thầy thuốc” trên phiến đá cẩm thạch lớn dựng trước sân trường, cạnh tượng Lãn Ông. Chính vì “tiếng vang” từ những cải cách của Bùi Duy Tâm, ngay sau 30-4-1975, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, Bộ trưởng Y tế, đã dẫn một phái đoàn từ Hà Nội vào thăm Y khoa Minh Đức và chẳng e ngại cách nhìn khắt khe lúc đó với người “bên kia chiến tuyến”,
Bộ trưởng nói: “Công cuộc tổng hợp Đông Tây Y của Minh Đức thật tốt đẹp. Người lãnh đạo trường này ắt phải có tinh thần cách mạng mới làm nổi một cuộc cách mạng lớn lao trong Y học cho Minh Đức…”.
Cả nhà thơ Huy Cận, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, cũng đến thăm Minh Đức.
Vậy mà Bùi Duy Tâm đã phải “ra đi”! Hẳn có người sẽ bảo: “Nhắc chi ngày xưa đó…”. Phải! Hơn ba mươi năm đã qua, tình thế đất nước và nhiều chính sách của Nhà nước Việt Nam đã thay đổi. Nhưng cũng phải nhắc qua biến cố đặc biệt ấy để hiểu thêm bản lĩnh Bùi Duy Tâm.
Là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp hai bằng tiến sĩ y khoa tại Mỹ, với cương vị Hiệu trưởng Đại học Y khoa Minh Đức đang nổi “đình đám”, Bùi Duy Tâm “thừa sức” ra đi một cách đàng hoàng.
Quả thật là đã có một số sứ quán này, cơ quan nọ mời đi và có lần hãng Air France báo cho Trường Minh Đức là đã dành 6 vé máy bay cho cả gia đình Bùi Duy Tâm đi Hồng Kông. Nhưng Bùi Duy Tâm đã ở lại, nói thực lòng là chủ yếu vì Minh Đức, bởi nếu ông đi thì trường sụp đổ.
Thật đáng tiếc là theo một số chính sách lúc đó, các trường tư phải giải thể, rồi chính Bùi Duy Tâm cũng phải đi “học tập”.
Ông đang ở Trại “học tập” ở Trảng Lớn (Tây Ninh) thì giáo sư Tôn Thất Tùng tìm đến và Bùi Duy Tâm trở thành vị khách quý của nhà phẫu thuật gan nổi tiếng thế giới; sau đó, ông được ra thăm Hà Nội và tham dự các cuộc mổ gan của giáo sư Tôn Thất Tùng tại bệnh viện Việt – Đức...
Nhưng lòng tốt và sự ưu ái của một vài người - kể cả của những nhân vật nổi tiếng và có “vai vế” như Bộ trưởng Nguyễn Văn Hưởng, nhà thơ Huy Cận, giáo sư Tôn Thất Tùng - cũng không thể thay đổi được “chính sách”, một nhà khoa học luôn muốn “độc đáo” như Bùi Duy Tâm thật khó ép mình vào “khuôn khổ” mới. Và thế là ông dứt áo ra đi.
“Thời phải thế, thế thời phải thế!” Chỉ khác là ông sống xa Tổ quốc để... càng yêu đất nước, dân tộc mình hơn!
Tôi chưa được đến nơi cư trú mới của ông ở thành phố San Francisco (bang California, Mỹ) nhưng một người bạn tôi từng sang Mỹ cho biết căn nhà của Bùi Duy Tâm chẳng khác chi một Bảo tàng Việt Nam thu nhỏ.
Không phải bỗng dưng vào những ngày Hà Nội đang rộn rịp chuẩn bị cho cuộc hội tụ lần đầu tiên của Việt kiều trên khắp thế giới thì Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng và đoàn đại biểu cao cấp của Việt Nam đã đến thăm gia đình Bùi Duy Tâm. Đưa tin về sự kiện này, báo “Tin tức Việt Nam” đã mô tả:
“…Trên bức tường phía sau vườn nhà ông có hàng chữ mà các sinh viên y khoa ở miền Nam trước đây vẫn tuyên thệ khi ra trường: “Vì tình thương nhân loại, tôi sẽ cứu giúp tất cả mọi người và truyền nghề cho bất cứ ai có khả năng và thiện chí”…
Chính vì tâm nguyện “cứu giúp tất cả mọi người” mà bác sĩ Tâm khi còn ở Việt Nam trước năm 1975 đã có những hành động khó có thể khiến chính quyền Sài Gòn cũ hài lòng.
Đầu tiên là việc ông cứu giúp những người lính cách mạng bị thương trong chiến dịch Mậu Thân 1968 ngay tại Đại học Y khoa Huế. Ông đã làm đúng tinh thần của một bác sĩ chân chính: Ai bị thương là cứu chữa, bất kể người đó đứng về phía nào.
Nhiều năm qua, Giáo sư Bùi Duy Tâm cùng những người con nối nghiệp ông, học trò cũ và cả các đồng nghiệp Mỹ đã hết sức giúp đỡ các trường y của Việt Nam thực hiện nhiều dự án nghiên cứu...
Trong căn nhà nhỏ của ông, dường như mọi đồ vật đều mang hơi thở của Việt Nam, từ những vật lưu niệm hình phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài, đến chiếc giường nằm, hay chiếc đàn đá ông đặt ngoài vườn…”.
Chính là tình yêu và ý chí vì Việt Nam, vì danh dự của dân tộc đã thôi thúc ông thực hiện chuyến đi đặc biệt lên Bắc Cực.
Đã đành thế, nhưng cũng phải có cái máu “lãng tử” như Bùi Duy Tâm, một ông lão gần tám mươi - người cao tuổi nhất trong tốp 14 người đi Bắc Cực lần đó - mới dám mạo hiểm đi đến “cái thóp” địa cầu với chuyến bay đặc biệt, phương tiện đặc biệt đầy bất trắc, trong đó có loại xe chó kéo, có chuyến đi vượt hơn 200 cây số đường đồi núi với xe Snowmobile (xe máy trượt trên tuyết) mà Bùi Duy Tâm suýt chết khi đâm xe xuống hố tuyết...
Ngày 20-4-2006, khi đứng trên đỉnh Bắc Cực với tấm bảng “VIỆT NAM - BÙI DUY TÂM”, ông đã thốt lên:
“Ôi! Đeo cái bảng đó trên ngực là mang theo biết bao Tình Quê, Tình Nhà, Tình Bạn lên cái chóp của quả đất này…”.
Chưa kịp hỏi thêm ông về chuyến đi đến vùng đất còn đầy những chuyện kỳ lạ ấy thì - như một “cao thủ” trong hàng võ lâm - Bùi Duy Tâm bất ngờ “xuất chiêu” với… bài “đọc sách” trên tạp chí “Hồn Việt” và một bài nghiên cứu về làng Hành Thiện - quê ngoại của ông.
Một bài đọc sách hoặc là bài viết về một làng quê thì có đầy trên báo chí, nhưng với Bùi Duy Tâm thì tôi bị bất ngờ và cũng có thể gọi là một “sự lạ”. Một bác sĩ sống ở Mỹ mấy chục năm lại viết về 4 tập “Hồi ức Đại tướng Võ Nguyên Giáp” với một đoạn kết thật thú vị:
“Những giờ rảnh rỗi trong bệnh viện, tôi mang tập Hồi ức Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đọc. Một bác sĩ người Mỹ đi qua trông thấy bìa sách, kêu lên “Ô, Võ Nguyên Giáp”. Tôi hỏi “Ông cũng biết Võ Nguyên Giáp à?”. Ông bác sĩ Mỹ trả lời: “Tôi biết chứ: Việt Nam, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp” . Cho đến bây giờ, việc đó vẫn là một thực tế”.
Tôi viết email hỏi và ông trả lời: “Tôi là người rất thân với gia đình Võ Đại tướng nên lần nào về nước cũng phải lại thăm ông bà…” .
Thoạt đọc những dòng này, tôi cũng ngạc nhiên, nhưng sau khi nhận được bài nghiên cứu rất công phu về làng Hành Thiện (tỉnh Nam Định) , rồi gần đây là bài về làng Đông Ngạc (tức làng Chèm Vẽ - Hà Nội), đúng phong cách độc đáo của Bùi Duy Tâm - nghĩa là rất kỹ càng, nghiêm cẩn, đi đến tận cùng mọi sự việc, không bị bó buộc bởi một định kiến nào - tôi “ngộ” ra: trên đất nước đã “trải qua những cuộc bể dâu”, những năm dài chia cắt như Việt Nam, hoá ra lại có những cái “chung”, những mối quan hệ rất chi là đặc biệt và cũng lý thú.
Bùi Duy Tâm không bỏ sót một một di tích nào, một dòng họ nào, một nhân vật nào - bất kể họ đứng về bên nào trong những cuộc phân ly khốc liệt của dân tộc vừa qua - lại “nói có sách, mách có chứng” với rất nhiều hình ảnh, trong đó có di ảnh hai nhân vật “tướng tá” ở hai bên chiến tuyến cùng được thờ trong nhà thờ họ Hoàng mà Bùi Duy Tâm ghi lại được khi thiếu tướng Chu Phác dẫn ông thăm làng Đông Ngạc; vì thế, chỉ qua hai ngôi làng mà tưởng như nghe tiếng vọng của lịch sử đất Việt cả trăm năm…
Quen biết Bùi Duy Tâm chưa lâu, nhưng qua những dòng chữ tâm huyết của ông, đến nay, tôi đã có thể thốt lên: Thì ra Bùi Duy Tâm là một con người như thế!
Tôi đã hiểu vì sao chỉ viết về chuyện “thả thơ” trên sông Hương hay về hai ngôi làng nhỏ mà ông dẫn ra không biết bao nhiêu là thơ văn kim cổ cùng những nét đặc sắc văn hoá của dân tộc; cũng hiểu vì sao trước lúc “vĩnh biệt Bắc Cực”, một người luôn muốn “cách tân”, muốn chơi những trò độc đáo như Bùi Duy Tâm, sau khi nhắc tới chủ nghĩa bành trướng thực dân trên trường quốc tế, lại thích thú dẫn một câu ca dao cổ mà có kẻ cho là “bảo thủ”:
“Hãy để cho dân Việt Nam chúng tớ yên ổn sống trên mảnh đất nhỏ xíu nhưng rất xinh đẹp hiền lành với câu ca dao “Ta về ta tắm ao ta / Dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn!”…”
Với người xa xứ như Bùi Duy Tâm, “Tổ quốc”, “Đồng bào” luôn luôn là mối bận tâm và là ý niệm thiêng liêng trong suốt cuộc đời, cho dù đã phải nếm trải những cuộc bể dâu...
Và có phải đó là nơi hội tụ của những thái cực, làm nên cốt cách Bùi Duy Tâm: Học Tây y mà phụng thờ Hải Thượng Lãn Ông, ở trời Tây mà luôn nghĩ về phương Đông, thân thiết với nhiều tướng lĩnh, quan chức “Việt Cộng” mà lại là bạn của không ít chính khách “Việt Nam Cộng hoà”...
Ngẫm ra thì cũng không có gì lạ, như âm dương luôn kết hợp, như Nam Cực nối với Bắc Cực mới thành Trái Đất - quê chung của mọi kiếp nhân sinh....