'Người vận chuyển' lên ngôi thời dịch Covid-19

TP - Khi trời tối mịt, đường vắng hoe, chung cư siết chặt người lạ ra vào, người ta vẫn thấy những người giao hàng luồn lách mọi nơi, khẩu trang bịt kín như Ninja vậy! Covid-19 cũng có thể coi là thời của các shipper tại TPHCM. 
Giao đồ uống thời dịch cúm Covid-19

Không lo covid-19 vì đã có… shipper

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, phòng khám đông y Tuệ Lãn nói với tôi: “Dịch bệnh Covid-19 xảy ra, nhiều người lo ngại không ra đường, hạn chế tiếp xúc. Họ gọi điện cho tôi, đặt mua thuốc đông y về uống tăng sức đề kháng, tất cả đều nhờ shipper đưa đơn, đưa thuốc đến tận nhà”. Trên phố thuốc Bắc ở quận 5 cũng nhan nhản các shipper tới mua thuốc đem về cho các phòng khám, thậm chí đưa đến tận giường cho bệnh nhân. 

Dịch vụ giao hàng tận nhà bùng nổ từ Tết đến nay, khi mà dịch bệnh do Covid-19 hoành hành tại Trung Quốc và nhiều nước, ảnh hưởng tới Việt Nam. Khoảng 10 giờ tối, tại một chung cư ở quận 7, người viết bài này chứng kiến một người giao hàng đem tới cho khách hàng chỉ 20 cuộn giấy vệ sinh. Không rõ tiền mua giấy vệ sinh và tiền trả cho shipper cái nào nhiều hơn. Người nhận hàng còn “bo” cho nhân viên giao hàng nữa. 

Dịch bệnh khiến nhiều sinh hoạt bình thường nay trở nên “bất thường”. Chẳng hạn thói quen tụ tập ăn uống buổi trưa của dân văn phòng. Thường ngày, cả phòng, cả ban kéo nhau đi ăn. Nay, những quán đông khách, người ta lại né xa, không ăn. Từ đó hình thành nên các “quán ăn ảo” chỉ tồn tại trên mạng xã hội. 

Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh dẫn tôi đi ăn cơm bình dân trong ngõ đường Trần Hưng Đạo, quận 1. Mấy quán cơm bụi dọc đường hầu như không có khách. Tìm được một quán cơm bình dân mới mọc lên trong ngõ, nhưng hoàn toàn không có bàn ghế gì cả. Hóa ra, 100% các suất ăn văn phòng của quán cơm bình dân đều được các shipper giao tới các cơ quan. Chúng tôi bèn mượn hai cái ghế, ngồi ăn cơm, xung quanh toàn shipper mặc quần áo xanh đỏ tới nhận cơm ít thì dăm bảy suất, nhiều thì mười lăm hai mươi suất. 

Tháng kiếm 30 triệu đồng

Trong khi các quán nhậu, các tụ điểm nhà hàng đóng cửa vì vắng khách do Covid-19, nhân viên vêu vao vì không có việc làm, bị cắt giảm lương thì nhân viên giao hàng “đang có những ngày tháng khá là tuần trăng mật”. Họ túi bụi với các đơn giao hàng, cùng với đó là tiền lương, thưởng và cả tiền bo.

 Giao hàng vào khu cách ly tập trung tại TPHCMẢnh: Trần Nguyên Anh.

Long một nhân viên giao hàng của hãng Grab. Gặp Long tại quận 7, TPHCM, nói: “Em vốn làm tài xế. Công việc ế ẩm quá, chuyển sang chạy giao hàng. Em chỉ giao đồ ăn và hàng hóa thôi”. Tiết lộ về thu nhập, Long cho biết: “Hiện nay thu nhập của em khoảng 30 triệu đồng mỗi tháng. Có giảm hơn hồi Tết chút ít, vì dạo này nhiều người làm shipper nên cạnh tranh nhiều hơn”. 

Tú, một nhân viên giao hàng mới vào nghề, đường sá còn bỡ ngỡ, nhưng tháng cũng kiếm được khoảng 12- 15 triệu đồng. Tú nói: “Trường đại học, cao đẳng đang nghỉ  đề phòng cúm do vi rút corona gây ra, nhiều bạn muốn giúp gia đình, tranh thủ chạy xe giao hàng kiếm thêm”. 

Chị Hạnh, người thường xuyên sử dụng shipper giao hàng tại quận 3 nói: “Giờ hàng hóa ế ẩm, khách không tới, các nhà hàng tự tổ chức đội ngũ giao hàng tận nhà. Từ bún, cháo phở, cà phê, cho đến quần áo, giày dép… Cứ gọi điện sẽ có người đưa tới tận nhà”. 

Các shipper thường đăng ký hoạt động trong các hãng lớn như chạy cho Grab chẳng hạn, và ăn chia theo tỷ lệ. Nhưng một số lớn khác làm việc cho các cửa hàng, nhà hàng. Khi có đơn hàng, họ sẽ tới nhận và đi giao, lấy tiền công mà không phải ăn chia. Những shipper thường phải “đóng thuế thân” khoảng 5- 10 triệu đồng, đề phòng khi mất hàng, hư hàng, phải đền cho các cửa hàng, nhà hàng”. 

Thị trường lao động của ngành shipper nóng khi dịch cúm xảy ra. Hiện nhiều công ty có hàng ngàn nhân viên giao hàng như  Grab, Go-viet, Aha Move, Vato, Viettel Post, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm, Now, Ninja Van… Chưa kể nhân viên giao hàng tự do không đồng phục và nhân viên giao hàng mặc đồng phục của các nhà hàng, cửa hàng. 

Aha Move thông báo tuyển dụng shipper lương 15 triệu đồng/tháng, “thời gian làm việc linh hoạt, thủ tục đơn giản”, Công ty J&T Express - chi nhánh Bình Dương tuyển nhân viên shipper lương 20 triệu đồng/tháng. Giao hàng tiết kiệm cũng quảng cáo mức lương nhân viên lên tới 15 triệu đồng/tháng với “Mô tả công việc: Giao/lấy/trả hàng theo phân công. Thời gian làm việc: 7h-17h30”. -J&T Express - chi nhanh HCM với mạng lưới bưu cục phân bố khắp 24 quận/huyện. 

2 ngày thay một bình nhớt

Long, nhân viên shipper có thu nhập 30 triệu đồng/ tháng chia sẻ: “Nghe thì tưởng dễ ăn, nhưng có vào nghề mới biết. Cứ 2 ngày em phải thay một bình nhớt. Mỗi ngày phải chạy mấy trăm cây số anh ạ”. 

Hoàng, một shipper quận 3 thì kể: “Công việc giao hàng của em toàn đi Củ Chi, Bình Chánh, gần thì cũng Hóc Môn, quận 12. Mỗi chuyến đi mấy chục cây số giữa trời nắng chang chang. Ngày không biết bao nhiêu chuyến. Có khi, muốn dừng lại uống một ly nước giải khát cũng không đủ thời gian”.

 Từ ngày dịch bệnh xảy ra, shipper giao hàng đều phải sử dụng khẩu trang. Hoàng nói: “Chúng em phải đi tìm mua khẩu trang, giá cao cũng phải mua. Giờ đi gặp gỡ biết bao người, phải đề phòng cho mình và cho người khác nữa. Đeo suốt ngày ngoài đường nắng, thấy ngộp thở”. 
Nghề giao hàng thu nhập trồi trụt từng ngày. Vũ, nhân viên giao hàng tâm sự: “Muốn thu nhập cao, mỗi ngày phải giao hàng cho hàng trăm khách anh ơi. Còn như em, cứ làm tà tà, mệt đâu nghỉ đó thì mỗi tháng chỉ được chục triệu thôi”. 

 Một shipper chuyên nghiệp từng chạy cho Tiki nay xin “chỉ chạy nhận lương khoán, mỗi tháng 6 triệu - 8 triệu, miễn sao giao hàng trong một quận, vì không thể đi xa”. 

Tự bảo vệ mình

Hùng, một nhân viên giao hàng ở Phú Mỹ Hưng nói rằng: “Dịch cúm xảy ra, các nhà hàng đóng cửa phòng dịch. Các chung cư hạn chế ra vào, thậm chí nhiều khu vực cách ly, ít ai ra vào… nhưng riêng giới shipper chúng em, vì mưu sinh, chỗ nào cũng có mặt”. 

Thậm chí ở Trung tâm cách ly người nghi nhiễm Covid-19 tại quận 7, hầu như nội bất xuất, ngoại bất nhập, ra vào có “canh phòng” cẩn mật, tôi cũng gặp shipper. Một điều dưỡng nói: “Có bác Hàn Quốc đang cách ly nhờ tôi mua hộ ít thuốc Tây, tôi không thể ra ngoài được đành nhờ shipper”. 

Lúc này đây shipper là những người không thể thiếu trong bối cảnh người dân hạn chế ra đường, hạn chế tới các khu mua sắm đông người để phòng Covid-19. Nhưng, nhiều cư dân cũng lo ngại shipper thường xuyên đi lại để giao hàng, dẫn tới nguy cơ bị lây nhiễm không ít. Bởi vậy, một số nơi đã căng biển đề nghị shipper chỉ giao hàng bên ngoài tòa nhà mà không vào bên trong! Tuy vậy, cho đến nay, tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp shipper nào dương tính với virus corona.