Gần 40 năm gắn bó với nghề dạy học, cô giáo Đặng Thị Phúc coi quãng thời gian 2 năm dạy tiểu học luôn vô cùng quý giá. Kí ức về thời dạy học ở đình làng bốn bề lộng gió với cậu học trò quanh năm chân đất, áo bà ba cô không bao giờ quên.
Tốt nghiệp sư phạm, cô Phúc về dạy học tại xã Mai Lâm, Từ Sơn, Bắc Ninh (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội). Lớp 4 cô dạy là một lớp ghép gồm 33 học sinh của xã Mai Lâm và 15 học sinh của xã Đông Hội với nhiều độ tuổi khác nhau cùng tụ tập về mái đình thôn Mai Hiên của xã Mai Lâm học tập. Học trò lớn nhất lớp cho đến giờ cô Phúc chỉ nhớ tên là Duy, là lớp trưởng và bằng tuổi cô giáo và học trò nhỏ nhất là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Giữa đám học trò lam lũ đủ mọi lứa tuổi, học trò Trọng có ấn tượng sâu sắc nhất với cô bởi nhỏ tuổi nhất nhưng lại học giỏi nhất lớp. Học trò Nguyễn Phú Trọng ngày ấy tóc để mái chéo, hơi hoe vàng, nước da trắng xanh. Cậu rất thông minh, sáng dạ, hay giơ tay phát biểu, chữ viết tròn và đẹp. Cô Phúc không thể quên suốt thời gian học lớp 4, cậu chỉ mặc mỗi bộ quần áo nâu với chiếc áo bà ba xẻ tà đi chân đất.
Cuối năm học đó, trò Trọng là học sinh giỏi toàn diện được báo cáo điển hình trước toàn trường. Cô Phúc nhớ, cậu học trò khi biết tin tỏ ra ngại ngùng, khuôn mặt non búng ngẩn ra vì chưa biết nói gì trước thầy cô và các bạn. Cô Phúc hướng dẫn cho cậu cách viết báo cáo, kể lại phương pháp học tập để các bạn noi theo. Rồi năm học lớp 4 cũng kết thúc, thời ấy, cũng có nghĩa là xong tiểu học, học sinh lên THCS.
Tuy trò Trọng chuyển lên học trường THCS Nguyễn Gia Thiều nhưng thi thoảng vẫn cùng lớp trưởng cũ tới thăm cô. Cô Phúc chỉ dạy ở xã Mai Lâm 2 năm, sau đó, cô chuyển nhà đi nơi khác nên hai cô trò mất liên lạc.
Năm 2001, sau khi dự buổi họp mặt với học sinh lớp 4 năm ấy, các bạn có nhắc tới học trò Nguyễn Phú Trọng giờ đã thành đạt, về nhà, nhớ về cậu trò nhỏ học giỏi nhất lớp năm xưa, vài hôm sau cô viết xong bài thơ với tựa đề “Người trò nhỏ năm xưa” (tặng N.P.T): “Thơ ngây mái tóc mười hai/Áo nâu, chân đất, ngô khoai đỡ lòng/Em trò nhỏ nhất kém chi/Hăng say phát biểu mỗi khi hiểu bài.”
Năm 2005, cô mới có dịp đọc bài thơ này ở hội thơ nhà giáo. Cô không ngờ, chính bài thơ đó đã giúp “Người trò nhỏ năm xưa” tìm lại cô giáo mình. Sau gần 50 năm mất liên lạc, cô giáo và học trò đều nghẹn ngào khi hội ngộ.