Người trẻ TPHCM thích nghi và giữ tinh thần tích cực trong mùa dịch

TPO - Dịch bệnh bùng phát, TPHCM giãn cách xã hội khiến cuộc sống xáo trộn, nhiều người mắc bệnh tâm lý do thất nghiệp, cạn kiệt tài chính… Bên cạnh đó, cũng có nhiều bạn trẻ dù mệt mỏi, dù có tâm tư nhưng chọn cách thích nghi và giữ tinh thần lạc quan hy vọng đại dịch chóng qua.

Chàng trai tên Nguyễn Trúc Lâm, sinh năm 1985, hiện là đạo diễn tự do, chia sẻ những dòng viết trên trang cá nhân:

Nguyễn Trúc Lâm

“Gửi Sài Gòn, những ngày buồn. Sài Gòn mấy nay chắc mệt mỏi và đuối sức lắm nhỉ? Thương Sài Gòn những ngày này, thương những người vất vả đang đau đáu mưu sinh và cả những người tuyến đầu cùng nhau góp sức trong cuộc chiến chống dịch. Ai cũng mệt không ai sung sướng gì cho đặng. Nhưng mọi người cùng nhau cố gắng rất nhiều. Ừ thì một ổ bánh mì ăn vội rồi ngã lưng chợp mắt trên bìa các tông giữa trời nóng mém xỉu của những người làm công tác phòng dịch. Hay cái nhìn đầy hy vọng của những người không nhà không cửa. Cô chú ơi.. mua giúp cháu mua giúp ông giúp bà tờ vé số.. Ấy vậy mà tình làng nghĩa xóm của con người nơi đây đâu bao giờ mất đi đâu. Dạ, con gửi chú gửi bác ăn nè. Hì, ăn cho nóng nha ông... Đó người Sài Gòn là vậy, giúp được ai cứ giúp. thương được thì cứ thương. Mà nếu có ghét thì thôi kệ cho qua… Giữa những lúc tranh cãi này tranh cãi kia thì cũng ở đâu đó có những công việc thầm lặng của những người nỗ lực vì một ngày không xa Sài Gòn hết bệnh... Thương lắm Sài Gòn à.

Mấy ngày qua suy ngẫm ra nhiều điều. Quả thật công việc ai cũng vậy, đều đứng lại và hầu như chẳng có gì tiến triển. Đôi lúc cũng chán nản khi ngày nào cũng ru rú ở nhà với 4 bức tường. Tình hình chung mà, phải chấp nhận. Có thể mình không giàu có hơn ai nhưng có cái ăn, cái mặc, và cả chỗ che mưa che nắng vậy là hạnh phúc rồi. Ngoài kia biết bao người khổ, bữa vô tình đi ngang qua thấy cảnh những mạnh thường quân mang đồ ăn miễn phí cho các cô chú anh chị nghèo khó bán vé số.., chợt thấy chạnh lòng. Nhiều khi ra đường mua đồ ăn thấy ai bán vé số là mua liền. Cũng không nhiêu tiền, giúp được thì cứ giúp… Sẽ bớt than vãn mà hãy nhìn ở chiều hướng tích cực hơn.”

Trúc Lâm chia sẻ dịch bệnh từ năm ngoái đến giờ ảnh hưởng nhiều đến công việc, vì Lâm thường đi quay và làm việc nhóm nên những lần giãn cách hay có ca nhiễm là không thực hiện được đành hoãn, cuộc sống cũng đôi chút khó khăn. Chàng trai 8x thỉnh thoảng đi phát đồ ăn cho những người vô gia cư bán vé số thấy rất nhiều người tội nghiệp, lang thang. Trong thời gian nghỉ dịch ở nhà, Trúc Lâm càng chiêm nghiệm ra nhiều điều hơn nữa, cho chúng ta biết điều gì là quý giá nhất, hiểu thêm về ý nghĩa cuộc sống, mình cần nhìn lại giá trị của bản thân và những người xung quanh, quan sát và lắng nghe nhiều hơn. Cố gắng bỏ ngoài tai những tiêu cực và luôn có niềm tin Sài Gòn sẽ mau chóng hết “bệnh”…

Dịch bệnh xảy ra cũng làm ảnh hưởng nhiều đến công việc của Hà Nhật Tiến, sinh năm 1988, hiện làm thiết kế thời trang.

Hà Nhật Tiến

“Năm ngoái em đã phải đóng cửa hàng thời trang riêng của mình vì không biết dịch kéo dài bao lâu. Show ra mắt BST cũng bị hoãn. Hiện tại em vẫn loay hoay sắp xếp mọi thứ để nương theo sự thay đổi mỗi ngày của tình hình dịch bệnh. Nhiều lúc cũng bị ám ảnh hoang mang khi bản thân không biết sẽ ra sao trong những giai đoạn tiếp theo. Nhưng đó là tình hình chung. Ngoài xã hội không phải chỉ riêng mình em bị ảnh hưởng. Có nhiều người khó khăn chật vật hơn mình họ vẫn cố gắng thì mình không có lý do gì mà nản. Dịch bệnh làm mọi thứ thay đổi. Em cũng chọn cách nhìn lại quãng đường đã qua mình đã đi như thế nào. Hiện tại em học được cách thích nghi và chấp nhận những khó khăn như một phần trong cuộc sống của mình và sống cùng nó. Vẫn luôn cố gắng mỗi ngày suy nghĩ tích cực, và làm mọi thứ trong khả năng có thể, suy nghĩ để thấy cuộc sống quý giá như thế nào. Em nghĩ giãn cách là chuyện bất khả kháng nhưng trong những lúc này bản thân mỗi người sẽ tích luỹ được những bài học quý giá. Thay vì than trách, hãy cố gắng suy nghĩ tích cực.

Nhật Tiến đã gửi quyên góp cho một số người bạn làm công tác thiện nguyện để chia sẻ đến mọi người. “Em nghĩ mình làm được gì thì cứ làm. Không so sánh phải như thế nào mới là giúp đỡ. Cá nhân em, chia sẻ một câu chuyện tích cực tốt đẹp, nói những chuyện hay, gửi niệm lành và nguyện cầu cũng là một cách để giúp mọi người có động lực vượt qua khó khăn.”

Hồ Thị Xuân Liên sinh năm 1991, hiện là giáo viên:

Cô giáo Hồ Thị Xuân Liên

Liên cho biết trong mùa dịch, gia đình cô ở yên tại nhà, dọn dẹp nhà cửa, đọc sách và chơi với con. “Những ngày này dịch bệnh cũng đã lan đến khu nhà mình, mỗi sáng online đọc tin lại thấy cập nhật thêm ca dương tính, lại thấy đâu đó đang bị rào lại... Thật sự không khỏi cảm thấy hoảng hốt và lo sợ!

Rồi khi nghe ba mình kể lại cách thế hệ của ba đã sống qua những ngày tháng chiến tranh loạn lạc như thế nào, khi mà trên đầu là bom rơi súng nổ, bên mình là nguy hiểm cận kề. Mình lại thấy càng thêm vững tin rằng, cuộc chiến nào rồi Việt Nam cũng sẽ thắng.

Mình thôi đọc lan man về dịch bệnh trên facebook, chỉ cập nhật tình hình mỗi ngày 1 lần vào buổi sáng trên các cổng thông tin của địa phương. Thời gian còn lại trong ngày, mình sẽ dọn nhà, nấu ăn, chơi với con và đọc thêm nhiều sách... Khi bản thân mình bận rộn, mình chẳng còn thời gian nào để bi quan hay suy nghĩ tiêu cực nữa. Và sau bao lần bùng dịch, làm nội trợ fulltime, mình đã mày mò, học hỏi được không ít các bí quyết dọn nhà, nấu ăn, chơi với con trẻ...

Lê Nguyên Phước, sinh năm 1992, công việc là chuyên viên hoạch định tài chính:

Lê Nguyên Phước

“Hồi trước mình làm hướng dẫn viên du lịch, từ lúc bùng dịch lần 1, mình đã phải dừng niềm đam mê đó lại và thất nghiệp một thời gian, cuộc sống cũng có chút biến động... Lúc ấy mình và gia đình cũng chỉ biết chấp nhận, dần thay đổi và thích nghi. Đến khi mình may mắn tìm được một công việc mới, chính là công việc hiện mình đang làm. Mình gắn bó với công ty đã hơn 1 năm, đến giờ mình rất vui và thực sự chưa có ý định thay đổi môi trường làm việc. Mình cùng các anh chị đồng nghiệp được công ty hỗ trợ cộng cụ làm việc online tại nhà, dù đặc thù công việc là đi gặp khách hàng trực tiếp. Bước đầu cũng khá khó khăn nhưng dần dần mọi người cũng quen và làm việc hiệu quả hơn. Bản thân mình và gia đình cũng không còn bỡ ngỡ, lúng túng hay sợ hãi khi giãn cách, chỉ biết tự mỗi người cùng nhau cố gắng thích nghi, động viên, hỗ trợ và xây dựng lối sống, suy nghĩ tích cực trong những ngày này: Ăn uống khoa học, nghỉ ngơi hợp lý, vận động nhẹ hằng ngày để có tinh thần và thể trạng tốt; luôn theo dõi tin tức để chung tay cùng cộng đồng chống dịch; đọc sách, tìm hiểu hoặc học thêm một bộ môn nào đó để trau dồi rèn luyện bản thân; Online làm việc, trò chuyện, quan tâm đến mọi người…

Qua những ngày bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chính bản thân cảm nhận được thời gian bên gia đình quý giá ra sao, sức khoẻ ảnh hưởng thế nào, rủi ro trong cuộc sống vô thường này đáng sợ làm sao. Tuy nhiên, rồi ai cũng phải chấp nhận, thích nghi… chỉ là bạn đã trang bị được gì khi đương đầu với những rủi ro ấy.

Dù làm việc tại nhà nhưng tinh thần và sự kiên trì cuả Phước luôn vững vàng. Phước và team vẫn đều đặn làm việc, gặp nhau mỗi buổi sáng để chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ khách hàng một cách tốt nhất, cũng không quên dành thời tập luyện vào buổi tối để luôn khoẻ mạnh. Tự tạo niềm vui là động lực cho mỗi ngày thêm vui nhé các bạn!”

Nguyễn Thảo Thiên Thanh: sinh năm 1994, hiện là biên tập viên:

Nguyễn Thảo Thiên Thanh

Đợt dịch này nhiều phức tạp, khó khăn, sau đợt mua được ít thực phẩm, rau củ, mình lại loay hoay kiếm các món chế biến nhanh, gọn mà ăn không ngán. Còn làm việc ở nhà nên mình lười nấu mấy món công phu. Mình tổng hợp ít ảnh mạng có nhiều món cơm gia đình ngon, rau, thịt đầy đủ, cứ lưu lại rồi nấu dần trong 15 ngày. Thời này có gì ăn đó, chịu khó để vượt qua dịch bệnh nha! Chúc mọi người an toàn, ăn ngon ạ!”