Chỉ mong kiếm thêm thu nhập
Trưa 30/1, khu vực gian hàng hội chợ Tết 2024 tại nhà Nhà văn hóa Thanh Niên (quận 1, TPHCM) tấp nập người mua kẻ bán. Phạm Thanh Hùng (32 tuổi, quê Tây Ninh) mời khách tham quan gian hàng túi vải do chính anh may và bán. Nhắc đến chuyện về Tết, Hùng cười hiền lành: “Mình muốn tận dụng thời gian này để bán hàng kiếm thêm thu nhập, vừa có tiền để lì xì các cháu trong nhà, vừa có thêm chút vốn để tiếp tục kinh doanh sau Tết. Mình dự định sẽ về nhà vào ngày 30 Tết, tuy có trễ đôi chút nhưng chỉ cần được sum họp bên gia đình là hạnh phúc rồi”.
Hùng vốn là kỹ sư may, tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp TPHCM năm 2014 và đầu quân cho một công ty về thương mại điện tử tên tuổi. Công việc đang thuận lợi thì dịch bệnh COVID-19 ập đến, mọi người đều làm việc online tại nhà. Trong thời gian này, anh da diết nhớ “cây kim, sợi chỉ”. “Có lợi thế hiểu về vải vóc, may vá, đồng thời mình thấy dân văn phòng bây giờ đa số mang theo bình nước đi làm. Thế là mình chọn thị trường ngách của lĩnh vực dệt may là sản xuất túi vải, đặt tên là Tiệm nhà Pony” - Hùng chia sẻ.
Nhờ khéo léo, bắt đúng nhịp thị trường, Hùng đã may hàng nghìn túi vải đeo chéo, túi vải đựng bình giữ nhiệt với giá từ 20.000 - 120.000 đồng/sản phẩm. Có hàng tốt, anh đem đến các hội chợ tiếp thị. Khách mua túi còn được tặng thêm túi, được sửa miễn phí khi hư hỏng...
Đôi tay khéo léo đưa mũi kim móc len nhanh thoăn thoắt, chẳng mấy chốc, một bé thỏ bằng len trắng tinh với đôi mắt tròn xoe đáng yêu thành hình. Nhoẻn cười tươi tắn, cô chủ nhỏ shop Laine Studio Lê Mỹ Thùy Trang (26 tuổi, quê Đồng Nai, cựu sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế Trường Đại học Kinh tế tài chính TPHCM) tâm sự: “Em tranh thủ bán hàng dịp này với mong muốn góp thêm một sản phẩm quà tặng Tết mới lạ đến người tiêu dùng, cũng như có thêm thu nhập cho bản thân”.
Khoe những thú bông, búp bê thỏ, móc khóa, kẹp tóc… được đan từ len, Trang nói cô yêu thích đan móc từ bé nhưng chưa bao giờ nghĩ sẽ sống bằng nghề này. Năm 2021, Trang bị mắc kẹt ở TPHCM khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch COVID-19. Nhớ nhà và không biết làm gì, cô bèn lấy len đan túi và đăng lên mạng xã hội. Không ngờ, lượng người vào xem rất đông. Nhiều người còn vào đặt hàng… Cơ duyên ấy khiến cô gái trẻ rẽ sang “nghiệp đan móc”. Các sản phẩm móc khóa, thú bông, khăn len của cô có giá từ 35.000 - 300.000 đồng/món.
Theo Ths Lê Linh Giang (chuyên gia tâm lý), Tết là dịp để gia đình đoàn tụ, quây quần bên nhau nên càng có ý nghĩa với những người sống xa quê. Sau một năm khó khăn, Tết là cơ hội để các bạn trẻ tranh thủ làm thêm để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống và mong có một cái Tết ấm áp, đủ đầy hơn. “Dù có thể bị bủa vây bởi muôn vàn áp lực về “cơm, áo, gạo, tiền” nhưng chúng ta đừng để nỗi lo ấy trở thành gánh nặng, ảnh hưởng đến ý nghĩa thiêng liêng mà ngày Tết mang lại” - bà Giang nói.
Muộn nhưng hạnh phúc
Thùy Trang chia sẻ, hai năm qua cô luôn về Tết muộn, có năm gần sát giao thừa. “Ba mẹ đều hiểu công việc và đam mê của em nên không trách con mà còn động viên rất nhiều. Mẹ phụ em may thú bông, nhồi gòn còn ba thường khoe các sản phẩm em làm ra trên trang cá nhân với rất nhiều tự hào. Tết năm nay em cố gắng bán được nhiều hàng để có thể tặng món quà ba mẹ yêu thích bằng những đồng tiền do chính con gái làm ra” - Trang chia sẻ.
Nhiều năm liền không về Tết để phụ bố mẹ dọn dẹp, trang trí nhà cửa, Lê Thị Hà My (21 tuổi, quê Quảng Ngãi, sinh viên năm cuối Trường Đại học Sài Gòn) tâm sự, cô ở lại phụ bán hàng cho một cửa hàng tiện lợi để kiếm thêm thu nhập và tích lũy kinh nghiệm trước khi ra trường. “Lắm lúc nhìn các bạn khăn gói về quê đón Tết, em cũng nôn nao, muốn ra bến xe mua vé về ngay nhưng đã kiềm lại được. Ở lại thành phố làm thêm kiếm tiền rồi về sau cũng không muộn!” - My bộc bạch.
Theo My, những ngày Tết, các cửa hàng, siêu thị rất thiếu nhân viên, trong khi họ đều kinh doanh xuyên Tết. Do đó, các nhân viên ở lại làm việc đều được nhận mức lương tăng 300% cùng nhiều chính sách phúc lợi và thưởng. Sau khoảng nửa tháng làm thêm dịp Tết, cô nhận được ngót nghét cả chục triệu đồng.
“Lúc em về đến nhà thì đã qua ba ngày Tết nhưng ba mẹ vẫn bày bánh chưng, bánh tét, thịt luộc, dưa hành… Mọi người quây quần bên nhau. Tết muộn nhưng với em lại đong đầy hạnh phúc” - My nói.