Người trẻ mũ nồi xanh quyết tâm vượt khó tại Nam Sudan

TPO - Thê đội 2 của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC 2.4) gồm 30 quân nhân vừa lên đường tới Nam Sudan thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (GGHB LHQ). Chia sẻ với Tiền Phong, những người lính mũ nồi xanh trẻ tuổi khẳng định quyết tâm lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè thế giới.

Nỗ lực cao nhất

BVDC 2.4 của Việt Nam ra mắt ngày 17/11/2021, với quân số chính thức gồm 63 thành viên, trong đó có 10 nữ quân nhân. Được triển khai thay thế BVDC 2.3 tại Phái bộ ở Nam Sudan, BVDC 2.4 sẽ tập trung áp dụng khoa học công nghệ trong công tác khám chữa bệnh và điều trị, từ đó đúc rút ra các kinh nghiệm để xây dựng, nghiên cứu đề tài khoa học trong thời gian công tác nhiệm kỳ tại Phái bộ ở Nam Sudan; tiếp tục thực hiện tốt công tác dân vận và tập trung vào công tác phòng, chống dịch bệnh trong môi trường khắc nghiệt.

Lãnh đạo Cục GGHB Việt Nam và các đơn vị cùng người thân tiễn thê đội 2 của BVDC 2.4 lên đường tới Nam Sudan, tháng 5/2022

Trước đó, ngày 27/4/2022, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Lễ xuất quân Đội công binh số 1 và BVDC 2.4 lên đường thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ tại Abyei và Nam Sudan. Đoàn tiền trạm và thê đội 1 của BVDC 2.4 đã tới Nam Sudan để bắt đầu thực hiện nhiệm vụ, nhận bàn giao công việc, trang thiết bị và cơ sở vật chất từ BVDC 2.3. Mỗi nhiệm kỳ của một BVDC cấp 2 của Việt Nam tại phái bộ GGHB LHQ kéo dài khoảng 1 năm.

Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga, Phó giám đốc Bệnh viện BVDC 2.4 khẳng định, ngay khi đến địa bàn Phái bộ UNMISS, cán bộ, y, bác sĩ BVDC 2.4 trong đợt xuất quân lần này sẽ cùng với lực lượng đã xuất quân đợt 1 quyết tâm với nỗ lực cao nhất, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Trung tá Hằng Nga cho biết, năm 2018, chị được cử đi làm Sĩ quan tham mưu giám sát các hoạt động quân sự ở Sở chỉ huy Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Sudan.

Phó Giám đốc BVDC 2.4 Đỗ Thị Hằng Nga

Chuẩn bị cho nhiệm vụ lần này, gần 1 năm qua, bên cạnh các khóa huấn luyện của Cục GGHB Việt Nam, Trung tá Hằng Nga đã tự trau dồi những kiến thức cần thiết. Chị mong muốn sẽ có điều kiện thực hiện nhiều hơn nữa công tác dân vận, phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ và đặc biệt là góp phần lan tỏa hình ảnh đất nước, con người và hình ảnh phụ nữ Việt Nam tới bạn bè thế giới.

“Đây là lần thứ 2 tôi lên đường làm nhiệm vụ, không còn những lo lắng, bỡ ngỡ như lần đầu. Nhưng đây là nhiệm vụ mới khi tôi đảm nhiệm vai trò Phó giám đốc của BVDC cấp 2 nên cũng có những băn khoăn, lo lắng về việc làm sao cùng với tập thể ban lãnh đạo bệnh viện đảm bảo an toàn cho cán bộ, nhân viên của bệnh viện và xây dựng tinh thần đoàn kết, quyết tâm cùng nhau thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao”, Trung tá Hằng Nga tâm sự.

Quyết tâm vượt khó

Với Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Bùi Thị Khiêm - nhân viên y tế của BVDC 2.4, những kiến thức và kinh nghiệm trong thời gian làm nhân viên Quân y của Ban Hậu cần - Kỹ thuật thuộc Cục GGHB Việt Nam là một lợi thế giúp chị hiểu biết nhiều hơn về các hoạt động GGHB LHQ và về BVDC cấp 2 của Việt Nam.

“Nhiệm vụ trong nước của tôi là chăm sóc và nâng cao sức khỏe đồng đội trong đơn vị. Tham gia đội hình BVDC 2.4, tôi có nhiệm vụ kiểm tra, xử lý rác thải y tế của BVDC 2.4 và các BVDC cấp 1 xung quanh địa bàn đóng quân”, nữ “chiến binh” mũ nồi xanh sinh năm 1992 nói.

Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Bùi Thị Khiêm

Theo Thiếu úy Khiêm, bên cạnh sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo, chỉ huy Cục GGHB, chị còn có nguồn động lực to lớn là một hậu phương vững chắc với sự an ủi, động viên, khích lệ của bố mẹ mỗi khi gặp khó khăn. Vì thế, chị sẽ cố gắng phát huy tinh thần không ngại khó, không ngại khổ để vượt qua mọi thử thách trên chặng đường phía trước

“Chúng tôi đã được huấn luyện kỹ về tiếng Anh nhằm củng cố và tăng cường kiến thức, kỹ năng giúp cho việc thu dung, điều trị bệnh nhân được thuận lợi và dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi có thêm các khóa huấn luyện khác về chuyên môn, kỹ thuật như các kỹ thuật cấp cứu tại thực địa, huấn luyện vận chuyển y tế đường không, Luật nhân đạo Quốc tế…”, Thiếu úy Khiêm cho biết thêm.

Sinh năm 1993, Thượng úy Vũ Thế Anh là bác sĩ gây mê hồi sức kiêm Bí thư Chi đoàn của BVDC 2.4. Nhiệm vụ chuyên môn của anh là thực hiện các kỹ thuật vô cảm cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật; hồi sức tích cực cho bệnh nhân trong và sau mổ; tham gia xử trí các trường hợp bệnh nhân nặng.

Sinh ra và lớn lên tại Thuận Châu - một huyện miền núi nghèo của tỉnh Sơn La, với ý chí và nghị lực lớn, Vũ Thế Anh đã tốt nghiệp loại giỏi ở Học viện Quân y, bảo vệ xuất sắc luận văn tốt nghiệp chương trình bác sĩ nội trú, được Ban giám đốc Học viện Quân y giữ lại công tác tại Bệnh viện Quân y 103.

“Đối với một bác sĩ trẻ như tôi, đây là một vinh dự, là niềm tự hào lớn khi được cử tới Nam Sudan. Ban đầu, gia đình tôi cũng rất lo lắng, băn khoăn bởi tôi là con trai duy nhất trong gia đình. Sau khi tìm hiểu, xem những phóng sự, video được gửi về từ chính những chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại phái bộ, gia đình tôi đã hoàn toàn ủng hộ, khích lệ tôi nhận và quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Thượng úy Thế Anh tâm sự.

Thượng úy Vũ Thế Anh

Cũng như các đồng đội của mình, Thượng úy Thế Anh đã có hơn 1 năm miệt mài chuẩn bị những kỹ năng, kiến thức cần thiết cho sứ mệnh đặc biệt này. Vì thế, anh hoàn toàn tự tin sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp một phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp GGHB mà Việt Nam đã đang và sẽ tiếp tục theo đuổi.