“Làm sao tiếp thị?” là chủ đề anh trình bày tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu lần thứ 5 tại Matxcơva (Liên bang Nga), cuối hè này.
Phạm Ngọc Chu khởi nghiệp bằng việc thuê một quầy nhỏ ngoài chợ và lấy ít hàng quần áo, tạp hóa để bán lẻ. Được một thời gian, thấy bán chạy, anh thuê quầy thứ hai. Bán vẫn chạy. Thế nhưng, từ rất sớm, anh đã cảm nhận được mô hình kinh doanh ngoài chợ không thích hợp với xã hội châu Âu nên chuyển sang kinh doanh ở các cửa hàng ngoài phố.
Tất cả những mô hình bán quần áo, thực phẩm, hàng xa xỉ phẩm, tiệm ăn... đều đã được Phạm Ngọc Chu thử nghiệm. Quán ăn của anh được coi là một trong những tiệm ăn Việt đầu tiên tại Hungary. Dù bước đầu có thành công, song anh vẫn không hài lòng. Vừa làm vừa mò mẫm, kiên trì và bền bỉ tìm hiểu thị trường, anh rút ra kết luận, muốn thành công, phải tiếp cận được với đông đảo các giai tầng người tiêu dùng Hungary, chứ không thể dừng lại ở những ai hay ra “chợ cóc”.
Muốn làm được điều đó, phải hội nhập, phải nắm được văn hóa bản địa cùng tâm lý, tập quán mua sắm của châu Âu. Dần dà, Phạm Ngọc Chu xây dựng chuỗi cửa hàng bán lẻ ngoài phố với nhiều mặt hàng gia dụng, trong số đó có một số mặt hàng Việt Nam được anh chọn lựa kỹ lưỡng, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng Hungary.
Phạm Ngọc Chu cũng chú trọng việc tạo ra bản sắc riêng trong kinh doanh, xây dựng uy tín và thương hiệu riêng, đoạn tuyệt với mô hình buôn bán “tranh tối tranh sáng” ngoài chợ.
Những năm gần đây, khủng hoảng kinh tế toàn cầu và tình trạng suy giảm trong nền kinh tế Hungary ảnh hưởng đến đại đa số doanh nghiệp Việt Nam tại nước này, nhưng tình hình kinh doanh của Phạm Ngọc Chu vẫn ổn. Hiện, anh là chủ của 9 cửa hàng bán lẻ quy mô lớn và một tổng kho với khoảng 100 nhân công.
Chàng kỹ sư có máu kinh doanh
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, chàng trai Hà Nội Phạm Ngọc Chu vào Đà Nẵng học kỹ thuật. Năm 1985, anh được cử sang Đông Đức (cũ) để tiếp tục theo học về kỹ thuật.
Năm 1990, anh Chu sang lập nghiệp ở Hungary, theo lời mời của một người bạn. Trong hai năm đầu (1990-1992), Phạm Ngọc Chu làm việc tại Nhà máy In tiền Quốc gia Hungary (Budapest).
Sau đó, anh xin thôi việc ở nhà máy để làm kinh doanh. Nhớ lại những ngày ấy, anh nói: “Việc rời bỏ nhà máy, rời bỏ chuyên môn lúc ấy là quyết định khó khăn nhất của tôi”.
Từ Budapest, Hungary