'Người tiếp sức!'

TP - Một buổi tối năm 2004, đại tá Nguyễn Hữu Ngọc (Cục CSHS Bộ Công an) đột xuất đến thăm gia đình tôi tại nhà riêng ở đường Ama Khê nội thành Buôn Ma Thuột, nơi nửa đêm 21/4/2003 đã xảy ra vụ đốt xe nhằm khủng bố tinh thần nhà báo chấn động dư luận, báo chí cả trong lẫn ngoài nước đã có nhiều tin bài viết về vụ này.

> 60 năm trong đội ngũ tiên phong
> Chủ Nhật Đỏ và những giọt máu hồi sinh

Đã nghe danh ông Ngọc điếu khét tiếng khôn ngoan, cứng rắn trong phá án hình sự, từng trực tiếp bập còng vào tay Năm Cam ở Sài Gòn, Khánh Trắng ở Hà Nội, đập tan băng nhóm Chí Tin ở Khánh Hòa, tôi không khỏi bất ngờ khi thấy ông cao gầy trong bộ trang phục đen, khuôn miệng cười rộng hết cỡ giống dân nhậu miền Tây mà vẫn bí ẩn kiệm lời như… đạo sĩ.

Đang hàn huyên lan man bỗng ông nhìn xoáy tôi, hỏi độp: Bốn trung tá của tớ phải cày xới ở đây cả năm trời vì loạt bài “Lật tẩy hồ sơ phạm pháp…” các cậu đăng dài kỳ trên Tiền Phong. Tới đâu, gặp ai người ta cũng bảo: Đã cung cấp hết cho cô Nga nhà báo rồi! Cậu làm cách nào tài thế?

Tôi cười: Đơn giản, vì bạn đọc rất tin em! Họ biết không bao giờ em phản bội họ, cũng không dễ bị mua chuộc hay ngã lòng, bẻ cong ngòi bút vì bất cứ thứ gì!

Nhờ có đại tá Ngọc và nhóm chuyên gia điều tra của ông thường xuyên lui tới trong thời gian khá dài, chúng tôi vững tâm hơn khi tác nghiệp, đồng thời cũng tranh thủ thắc mắc nhiều thứ, để nghe ông chỉ giáo thêm về kỹ năng phán đoán, phân tích tội phạm, những điều mà trên ghế nhà trường và trong núi sách vở tài liệu đã đọc, chúng tôi chưa từng được nghe!

Trước đó, để thực hiện các loạt bài điều tra lấy cớ từ vụ “săn bò Ea Sô” đăng nhiều đợt trong năm 2003 tổng cộng tới 17 kỳ với số phát hành báo tăng vọt, đã có những buổi tối tôi phải nhờ đồng nghiệp khóa trái cửa cơ quan, ngồi phân tích tài liệu, viết và email cả bài lẫn ảnh xong xuôi cho tòa soạn rồi mới điện thoại cho người nhà tới mở cửa đón về trên ô tô đóng kín, đề phòng những lời dọa nạt bóng gió “chỉ cần một cú quẹt xe…”.

Đối với nhiều độc giả trên Tây Nguyên, trụ sở Ban Đại diện báo Tiền Phong là địa chỉ họ cần tìm đến khi cần giải quyết đủ các loại vướng mắc, oan ức, hay gõ cửa hoài mà nhà chức trách không hồi âm.

Nằm trong khu phố rộng rãi yên tĩnh, lắm khi gian phòng khách tầng trệt và khoảnh sân quá nhỏ của Ban Đại diện không đủ chỗ dựng xe cho những đoàn dân oan vài chục người từ những huyện xã xa kéo tới giãi bày.

Từ công nhân cà phê, cao su bị khoán ép, người trồng rừng bị dự án lấn đất, nông dân mất rẫy ruộng, dân phố bị lấn chiếm ngõ hẻm, bà vợ bị cắm sừng, chủ nợ bị quỵt tiền, giáo viên bị ức hiếp cho đến các bên nguyên đơn- bị đơn phát hiện thẩm phán hai mang, quan tòa đòi hối lộ, kiểm sát viên tống tiền bị can v.v… đều xem nhà báo như điểm tựa vào công bằng xã hội để tranh đấu.

Dấn thân vào cuộc chiến này, các nhà báo trên Tây Nguyên chịu không ít sức ép, sự đe dọa, kiểu mua chuộc, cũng không ít lần bị đối tượng quá khích gây hấn. Chính vì vậy, không ngẫu nhiên mà tháng 3/2012, lần đầu tiên trên cả nước, Khoản 1 Điều 6 Nghị định 02/2011/NĐ-CP về bảo vệ quyền tác nghiệp của nhà báo được lãnh đạo Công an thành phố Buôn Ma Thuột vận dụng để ký quyết định xử phạt hành chính đầu tiên, hiệu lực tức thì với đối tượng có hành vi cản trở hoạt động của một phóng viên thuộc Ban Đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên.

Có lần, giữa lúc báo Tiền Phong đang đăng dài kỳ một loạt phóng sự điều tra gay cấn, thu hút sự chú ý của đông đảo bạn đọc về những sai phạm khó tin trong ngành kiểm sát trên địa bàn, một trung niên đến tìm tôi. Anh tự giới thiệu:

-Chị có nhớ về một lá đơn tố cáo viết bằng máu? Tôi là người viết đơn đó!

Trong sinh hoạt đời thường, tôi hay… đãng trí. Nhưng câu nói vắn tắt của người khách này đủ khơi dậy lập tức hình ảnh lá đơn đặc biệt do anh cầm đến nhà tôi 10 năm trước. Đơn viết bằng máu rạch đầu ngón tay, thể hiện quyết tâm chiến đấu đến cùng của người sĩ quan công an dám tuyên chiến với các sai phạm từ sếp lớn của mình, khi đó đang là 1 VIP hàng tỉnh.

Đơn kèm theo nhiều tài liệu chứng cứ mạch lạc, rõ ràng. Tuy nhiên sau đó, anh quay lại xin rút để chờ sự vào cuộc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Rất nhiều đoàn ra, vào, họp hành, xử lý, kết luận hầu hết các nội dung anh tố cáo là đúng, có cơ sở.

Điều lạ, là cả 2 phía trong cuộc đấu tranh công khai, giáp lá cà ác liệt tưởng chừng không đội trời chung ấy, rốt cục… chẳng ai làm sao cả! VIP kia bị rắc rối đôi chút, rồi quan lộ lại tiếp tục hanh thông lên vài bậc cao hơn tới lúc lãnh kỷ luật bãi nhiệm trước niên hạn. Còn tráng sĩ quyết đấu, vẫn tiếp tục cống hiến an lành. Chứng tỏ nội công tráng sĩ rất thâm hậu!

Anh cho biết, anh vẫn dõi theo từng bài viết của tôi trên mặt trận đấu tranh chống tiêu cực tham nhũng, và nhận thấy tôi nên được bồi dưỡng thêm cả về nghệ thuật bảo trọng lẫn chiêu đòn tấn công các kiểu sâu mọt. Anh tự tin tình nguyện hỗ trợ tôi bằng tri thức của một sĩ quan giỏi đã được đào tạo hàng chục năm chuyên ngành.

Thế là, tôi lại may mắn có thêm một ông thầy tận tụy, thật sự quý mến nhà báo, nghề báo.

Nhà báo Hoàng Thiên Nga, trưởng Ban Đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên, đã được trao hơn mười giải thưởng báo chí các ngành, các cấp. Trong đó có:

- Giải Báo chí Quốc gia năm 2003: Giải C thể loại Phóng sự điều tra loạt bài “Săn bò Ea Sô”

- Giải BCQG 2009: Giải C thể loại Ghi chép cho loạt bài “Cuộc chiến Rừng và Thủy điện”

- Giải BCQG 2010: Giải C thể loại PSĐT cho loạt bài “Dân nghèo sập bẫy cò ngân hàng”

Theo Báo giấy