Người Tiền Phong luôn tiên phong

TP - Sau cơn bão số 4, mưa lũ dồn dập trút xuống nhiều tỉnh thành miền Bắc khiến nhiều bản làng, nhà cửa và hàng trăm người dân bị cuốn trôi, mất tích. Nhận lệnh từ Ban Biên tập báo Tiền Phong, nhóm phóng viên Bắc Trung bộ lập tức lên đường từ miền Trung ra miền Bắc để chi viện “điểm nóng”.

Hành quân

Trung tuần tháng 9/2024, hoàn lưu sau cơn bão số 4 khiến nhiều địa phương bị thiệt hại nặng nề, nhất là các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Cao Bằng… Tin tức lũ ống, sạt lở, người dân mất mát đau thương diễn ra khắp nơi. Trước tình hình “nóng”, Phó Tổng Biên tập Lê Minh Toản quyết định điều động nhóm phóng viên Ban đại diện Bắc Trung bộ ra hỗ trợ đưa tin sạt lở, tường thuật công tác cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả ở hiện trường. Nhận lệnh điều động, không chút chần chừ, nhóm phóng viên chúng tôi (gồm Cảnh Huệ, Ngọc Tú, Phạm Trường) lập tức khoác balo lên đường xông vào điểm nóng. Từng có kinh nghiệm tác nghiệp ở vùng thiên tai lũ lụt nên trước khi đi, chúng tôi cũng kịp chuẩn bị một ít tư trang cá nhân, đồ ăn nhẹ, máy ảnh, flycam, pin dự phòng.

Vượt hơn 300km từ thành phố Vinh, chúng tôi có mặt tại Hà Nội lúc xẩm tối. Trước khi đi, chúng tôi được Tổng Biên tập Phùng Công Sưởng và Phó Tổng Biên tập Lê Minh Toản gặp gỡ giao nhiệm vụ đồng thời căn dặn, động viên để hoàn thành tốt công việc nhưng phải an toàn trong tác nghiệp. “Ngoài việc hỗ trợ phóng viên địa bàn thì phải cố gắng bám sát, tìm sự khác biệt, cùng với chương trình của báo hỗ trợ người dân vùng lũ, nhưng đặc biệt phải chú ý an toàn cho bản thân”, Phó Tổng Biên tập Lê Minh Toản căn dặn trước giờ khởi hành.

Sáng 12/9/2024, trời Hà Nội mưa tầm tã, nhiệt độ lạnh hơn thường ngày nhưng xác định đường xa, người dân vùng lũ đang cần nên chúng tôi dậy sớm để lên đường. Thời điểm này, nhiều tỉnh cùng lúc xảy ra lũ lụt, sạt lở nên nhóm chúng tôi phải chia thành 2 hướng để triển khai nhiệm vụ. Một hướng đi về trung tâm vụ sạt lở ở tỉnh Cao Bằng do Cảnh Huệ và Ngọc Tú đảm nhận. Hướng còn lại tăng cường lên thành phố Yên Bái do Phạm Trường và phóng viên Viết Hà (Ban Thanh niên) phụ trách. Sau cái chụm đầu, hất tay đầy quyết tâm, cả nhóm lên đường với nỗ lực hoàn thành công việc tốt nhất.

Từ Hà Nội đi Cao Bằng có 2 lựa chọn, trong đó một đường ngắn đi từ Thái Nguyên qua Bắc Kạn về Cao Bằng. Tuy nhiên, tin địa bàn báo về đường đang sạt lở nhiều điểm không thể đi qua, chúng tôi quyết định chuyển hướng theo tuyến từ tỉnh Lạng Sơn rồi vòng qua thành phố Cao Bằng để vào trung tâm huyện Nguyên Bình nơi xảy ra 2 vụ sạt lở nghiêm trọng khiến hơn 50 người tử vong, mất tích. Dọc đường đi, núi đồi sạt lở, từng khối đất đá lớn chắn ngang. Mãi đến cuối ngày, sau nhiều lần trật trầy tìm đường vòng, chúng tôi có mặt ở hiện trường sạt lở.

Điểm nóng

Dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng trước cảnh tang thương, chúng tôi không khỏi cay khóe mắt. Trong 9 ngôi nhà ở xóm Lũng Lỳ (xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình), 6 ngôi bị cuốn trôi, 3 ngôi chỉ còn lại một góc nhỏ. Cả một vùng đất rộng lớn vốn là nơi sinh sống bình yên của người dân xóm Lũng Lỳ bỗng chốc bị san phẳng bởi hàng triệu khối đất đá. Tiếng cha mẹ, ông bà khóc ai oán tìm con cháu, tiếng máy móc đào bới kiếm nạn nhân vang vọng thảm thiết cả núi rừng.

Sau khi tác nghiệp, ghi hình, chúng tôi nhanh chóng di chuyển đến hiện trường một vụ sạt lở khác cách đó chừng 10km. Xóm Khuổi Ngọa (xã Ca Thành) được bao bọc bởi những dãy đồi núi trùng điệp. Khác với màu xanh bình yên vốn có, những vạt đồi núi giờ đây loang lổ màu đất đỏ. Những ngôi nhà nằm dưới chân núi bị đất đá vùi lấp, người dân hỗ trợ nhau tìm kiếm tài sản còn sót lại trong đống đổ nát. Dọc đường đi, đất đá từ trên núi liên tiếp đổ ập xuống sau lưng khiến anh em chúng tôi có chút lo lắng.

Gần đến hiện trường vụ cuốn trôi xe khách ở suối Khuổi Ngọa, trước mặt chúng tôi là con dốc nghiêng gần 45 độ. Lớp bùn non bám trên đường tuy đã được gạt bớt nhưng vẫn còn nhầy nhụa, đặc quánh. Tài xế cài số thấp cho xe chậm rãi bò xuống dốc nhưng 4 bánh không còn ma sát khi bị bùn non dính chặt, chiếc xe bắt đầu trượt tự do. Bên phải là vách núi, trái là vực sâu, tài xế đánh lái thật nhanh hướng xe vào vách núi. Xe trôi trượt chừng 10m cũng dừng lại trước khi đâm vào đá lởm chởm. Qua con dốc an toàn, chúng tôi mới dám thở phào nhìn nhau rồi tiếp tục di chuyển.

Khi tiếp cận được suối Khuổi Ngọa nơi còn nhiều người mất tích trong vụ xe khách bị cuốn trôi, chúng tôi tìm gặp người thân, các lực lượng chức năng để ghi nhận thông tin sự việc. Khói hương nghi ngút, tiếng nước chảy ầm ầm, tiếng khóc nỉ non khiến con suối Khuổi Ngọa trong xanh ngày nào giờ hỗn độn, đau thương. Sau gần một giờ tác nghiệp, những đám mây kéo đến tạo thành cơn mưa nặng hạt. Lo ngại đất núi no nước sẽ tiếp tục sạt lở, chúng tôi vội vàng rút ra ngoài thị trấn tìm nhà trọ tá túc qua đêm để ngày mai tiếp tục quay lại hiện trường tường thuật công tác cứu hộ cứu nạn, hỗ trợ người dân sau thiên tai.

Phóng viên Cảnh Huệ lội bùn tác nghiệp tại hiện trường vụ sạt lở.

Đường trở lại thị trấn Tĩnh Túc (huyện Nguyên Bình) cũng khó nhọc, trầy trật như lúc mới vào. Sợ quãng đường xa, trên đường ra, chúng tôi vừa đi vừa đón “sóng lạc” rồi ngồi lại ven đường gửi hình ảnh, thông tin nóng hổi về các vụ sạt lở để tòa soạn kịp đưa lên mặt báo. Trong suốt quá trình tác nghiệp, chúng tôi luôn nhận được sự hướng dẫn nhiệt tình từ xa của nhà báo Trần Quang Long - Trưởng Ban Đại diện Bắc Trung bộ và các anh, chị thư ký tòa soạn. Những lời hướng dẫn, động viên đã tiếp thêm động lực để chúng tôi hoàn thành tốt công việc của mình.

Thị trấn Tĩnh Túc vốn nhỏ bé nay chịu ảnh hưởng của mưa lũ, sạt lở khiến khu dân cư này càng heo hút, vắng người qua lại. Điện mất, các quán hàng không còn mở cửa. Không tìm được chỗ trọ, chúng tôi liều mình vào nhà một người dân xin ở tạm. Biết các phóng viên vừa trở ra từ xã Ca Thành, bà Nguyễn Thị Ngọc không ngần ngại dẫn chúng tôi vào căn phòng nhỏ vốn là nơi bán tạp hóa. “Các cháu cứ nghỉ tạm ở đây, sáng mai hẵng đi. Điện mất, nước suối đục nên các cháu chịu khó nhé”, bà Ngọc dặn rồi hỏi han tình hình ở hiện trường sạt lở. Nghe chúng tôi kể lại, bà bật khóc, xót thương những gia đình phải chịu cảnh mất mát đau thương.

Tiên phong

Ở một hướng khác, tôi (Phạm Trường) cùng anh Viết Hà lên tăng cường tại tỉnh Yên Bái. Từng có nhiều năm tác nghiệp ở các tỉnh phía Bắc, dọc đường, anh luôn căn dặn tôi phải chú ý an toàn khi tác nghiệp, nhất là các khu vực sạt lở. “Mưa lũ ngoài này toàn sạt lở, đất đá rất nguy hiểm, không như lũ lụt trong ta nên anh em phải cẩn thận, không an toàn là không liều đâu nhé”, anh Viết Hà nhắc nhở.

Lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân trong vụ xe khách bị cuốn trôi ở suối Khuổi Ngọa (xã Ca Thành).

Sau gần 3 giờ di chuyển, chúng tôi có mặt tại tâm vùng lũ thành phố Yên Bái. Sau ít phút hội ý, chúng tôi lên kế hoạch để cố gắng ghi nhận tổng quan thiệt hại, mất mát và nỗ lực gượng dậy của người dân vùng lũ. Hai ngày đêm có mặt nơi đây, chúng tôi cập nhật hàng chục tin, bài, hình ảnh về sự chống chọi với thiên tai và thiệt hại của người dân địa phương. Những câu chuyện dọc đường tác nghiệp khiến cánh phóng viên “lỳ đòn” như chúng tôi cũng không kìm nổi nước mắt.

Phóng viên Ngọc Tú đeo máy ảnh, flycam lội dưới con suối Khuổi Ngọa để tác nghiệp.

Tôi vẫn ám ảnh câu chuyện cả gia đình vợ chồng trẻ cùng 2 con (đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ 3 tháng tuổi) ở thành phố Yên Bái bị cả vạt đồi đổ ập xuống lúc rạng sáng vùi lấp. Thi thể cả gia đình được tìm thấy dưới đống đổ nát. Trong vòng tay người bố, người mẹ vẫn ôm chặt 2 con bé bỏng như đang chìm trong giấc ngủ. Hình ảnh mỗi bữa trưa, những người hàng xóm đưa từng gói bánh, tô mỳ tôm nóng hổi đặt cạnh nơi tìm thấy thi thể các nạn nhân khiến ai nấy đều nghẹn lòng.

Khi việc khắc phục hậu quả sau đợt lũ tại tỉnh Yên Bái dần ổn định, chúng tôi tiếp tục được tăng cường lên xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) - nơi vừa xảy ra vụ sạt lở làm 18 người chết và mất tích. Chiếc ô tô bán tải bon bon trên con đường cheo leo, một bên là núi cao với đầy rẫy điểm sạt lở lớn nhỏ, một bên là dòng sông Chảy đục ngầu, cuồn cuộn. Nhiều lần anh em phóng viên phải dừng lại khi đất đá trên núi đổ sập giữa đường. Nhưng nghĩ đến cảnh người dân đang hứng chịu đau thương, chúng tôi càng quyết tâm vào hiện trường sớm nhất. Thay vì chờ đường thông suốt, chúng tôi chọn đi bộ với các đội thanh niên bản địa gùi hàng vào cho bà con vùng sạt lở. Để dễ dàng di chuyển, anh em ai nấy bảo nhau mặc quần lửng, dép rọ, chỉ mang theo những thứ tối cần thiết.

Phóng viên Phạm Trường khoác máy ảnh, lội bộ vượt rừng vào hiện trường vụ sạt lở ở Lào Cai.

Mất khoảng 4 giờ vượt rừng, chúng tôi có mặt ở thôn Nậm Tông - nơi xảy ra vụ sạt lở khiến 18 người chết và mất tích. Không thể tin, bản làng người Mông lọt thỏm giữa núi rừng bốn bề là quế yên bình ngày nào nay đã hóa đau thương với tiếng khóc ai oán. Với sự hỗ trợ tích cực của các lực lượng chức năng, những ngày sau đó, thi thể những người mất tích lần lượt được tìm thấy dưới đống bùn đất. Giờ đây, không còn là nỗi đau nữa mà việc tìm thấy người thân để kịp chôn cất là niềm an ủi lớn lao nhất của những người còn sống. Rời Lào Cai khi bầu trời đầy nắng, xua đi cái u ám của những ngày mưa, nhưng với chúng tôi, đây có lẽ là chuyến tác nghiệp ám ảnh nhất. Gian khổ là lẽ thường đối với cánh “phóng viên chiến trường” nhưng nơi đó, chúng tôi tận thấy nỗi đau tột cùng của sự mất mát, hình ảnh những người cứu hộ tay cào bùn tìm đồng bào bị nạn dưới lớp bùn, đá hoang lạnh. Trở lại tòa soạn, chúng tôi được Tổng Biên tập Phùng Công Sưởng và Phó Tổng Biên tập Lê Minh Toản gặp gỡ, động viên phải luôn giữ nhiệt huyết tuổi trẻ để tiếp tục những hành trình mới với tâm thế của “Người Tiền Phong luôn tiên phong”.