Tình cảm của người dân Đức có lẽ được thể hiện ngắn gọn nhất ở người gác cổng 69 tuổi ở thành phố Munich, ông Peter Schriever, với tấm biến tự làm: “Chào mừng người tị nạn!”.
Vừa xuống tàu, anh Abed Almoen Alalie và vợ Rukaya cùng 5 đứa trẻ đến từ Syria không thể tin vào điều họ đang nhìn thấy. Họ dụi mắt rồi nhìn nhau, nắm tay nhau. Sau những ngày bị la hét và cư xử thô bạo ở Hungary, chị Rukaya nhìn vào đám đông đang hoan hô mà rơi nước mắt.
“Đức là đất nước duy nhất chào đón chúng tôi”, báo Washington Post dẫn lời anh Alalie, 37 tuổi, một nhân viên nhà nước đến từ thủ đô Damascus của Syria. Alalie nói rằng, gia đình anh chạy trốn cuộc nội chiến ở Syria. “Nhìn họ xem! Tôi cảm thấy như mình được trở về với gia đình”, Alalie nói.
Thủ tướng Phần Lan cho biết sẽ mời người di cư vào nhà riêng của mình. Hàng ngàn người Áo thay nhau đưa người tị nạn ra khỏi Hungary. Nhưng trong một châu Âu đang chia rẽ về cách xử lý làn sóng di cư lớn nhất kể từ Thế chiến 2, chỉ có người Đức đang thực sự ra tay chào đón họ, CBS News đưa tin. Nhiều nhà quan sát gọi đây là một trong những gánh nặng của việc trở thành nhà lãnh đạo thực tế của châu Âu. Đức lâu nay được cho là nước lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) qua những vấn đề nóng bỏng về chính trị, kinh tế như cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp, căng thẳng Ukraine…
Nhưng trong vấn đề người tị nạn, Đức đang được coi là hình mẫu của sự lãnh đạo từ quan điểm nhân văn. “Quyền cơ bản trong việc xin tị nạn không có giới hạn nào cả”, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói với báo giới hôm 5/9. “Là nước có nền kinh tế mạnh, chúng tôi có sức làm điều cần thiết”, bà Merkel nói.
“Cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn, bà Merkel! Bà là một thiên thần, là vị cứu tinh của người dân Syria”, anh Wahid (25 tuổi, đến từ Damascus, vừa xuống ga Munich trên chuyến tàu với hàng ngàn người Syria khác) thốt lên. Đức và Áo cuối tuần qua mở cửa biên giới cho hàng ngàn người di cư kiệt sức sau vài ngày bị chính quyền cánh hữu Hungary ngăn cản. Phải đi bộ suốt chặng đường dài sang Áo, những người di cư ướt sũng vì mưa sau đó may mắn được đưa bằng xe buýt và tàu đến thủ đô Vienna, sau đó được đi tàu đến Munich và các thành phố khác của Đức.
Chuyến tàu cuối cùng chở khoảng 1.000 người di cư từ Áo sang Munich vào khoảng 1h30 sáng qua (giờ địa phương), nâng tổng số người di cư được đến Đức kể từ hôm 5/9 lên khoảng 8.000, Reuters đưa tin. Hầu hết những người đến vào cuối tuần qua được đăng ký tại các trung tâm tiếp nhận ở Munich và gần đó, sau khi được kiểm tra y tế, cho ăn và cung cấp quần áo mới. Đa số những người này cho biết, họ đến từ Syria, Afghanistan và Iraq.
Vượt lên chia rẽ
Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Đức Harald Neymanns cho biết, Berlin quyết định mở cửa biên giới cho người Syria là việc ngoại lệ vì lý do nhân đạo. Ông Neymanns nói rằng, quy định của châu Âu về việc người di cư phải đăng ký xin tị nạn ở nước châu Âu đầu tiên họ đặt chân đến vẫn được áp dụng.
Trong bối cảnh châu Âu chia rẽ về cách thức xử lý số người di cư tăng kỷ lục, Giáo hoàng Francis vừa kêu gọi tất cả các giáo khu Cơ đốc giáo ở châu Âu đều phải tiếp nhận các gia đình người di cư nhằm giúp đỡ những người “chạy trốn khỏi cái chết” và những người là “nạn nhân của chiến tranh, đói nghèo đang muốn tìm đường đến cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Hầu như chưa có dấu hiệu EU sẽ có phản ứng thống nhất về cuộc khủng hoảng, cho dù kể từ đầu năm nay đã có hơn 350.000 người vào khối này. Cuối tuần qua, Hungary nói rằng, nước này tạm thời nới lỏng quy định về đi lại cho những người xin tị nạn, nhưng sẽ tiếp tục thắt chặt kiểm soát biên giới và có thể đưa quân đội xuống biên giới phía nam nếu được quốc hội đồng ý. Hàng rào biên giới mà nước này dựng lên sẽ được hoàn thành vào ngày 15/9, AP đưa tin.
Các chính trị gia châu Âu đều bày tỏ lo ngại rằng, lượng người nhập cư kỷ lục vào EU gây ra nhiều vấn đề về hậu cần và chính trị. Thủ tướng Merkel nói rằng, Đức có thể xử lý làn sóng người di cư tràn vào, nhưng cũng có những ý kiến phản đối trong chính phủ liên minh cầm quyền. Một số người theo tư tưởng cánh hữu cho rằng, việc tiếp nhận nhiều người nhập cư như vậy sẽ gửi đi tín hiệu sai, trong khi các chính trị gia Dân chủ Xã hội trung tả hoan nghênh bước đi này.
Một lễ tưởng niệm vừa được tổ chức ở thành phố Vancouver của Canada, dành cho Alan Kurdi, cậu bé 3 tuổi đến từ Syria chết đuối cùng anh trai Ghalib và mẹ Rehanna, thi thể dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Dì của cậu bé, chị Tima Kurdi, cho biết, chị đang lo cho bố cậu bé, anh Abdullah, vì ông bố khốn khổ này vẫn chưa rời khỏi mộ của vợ con 3 ngày sau lễ chôn cất, BBC đưa tin.