Như Tiền Phong đã thông tin “Biến hóa từ 1 điểm thành 9,5 điểm” phản ánh ông Vũ Trọng Lương - Phó Phòng khảo thí Sở GD&ÐT tỉnh Hà Giang, đã sử dụng công nghệ can thiệp vào kết quả của 330 bài thi (của 114 thí sinh) nhằm nâng điểm. Luật sư Nguyễn Trung, Giám đốc Cty TNHH Luật Trung Nguyễn đã lên tiếng về việc này.
Cần đình chỉ cán bộ trực tiếp "nâng khống điểm thi"
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Trung, Giám đốc Cty TNHH Luật Trung Nguyễn cho rằng, dưới góc độ quản lý, Sở GDĐT tỉnh Hà Giang cần phải thực hiện một số hành động cụ thể đối với ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang.
Cơ quan chức năng đã xác định ông Vũ Trọng Lương là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh, chính vì thế, Sở GD&ĐT Hà Giang cần ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác theo điều 81 - Luật cán bộ, công chức, trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật đối với ông này.
Luật sư Nguyễn Trung phân tích, hành vi của ông Vũ Trọng Lương là đặc biệt nghiêm trọng, việc làm này không chỉ vi phạm các quy định của pháp luật mà còn gây dư luận xấu, giảm uy tín của tỉnh Hà Giang nói riêng và chất lượng thi THPT năm 2018 trên cả nước nói chung.
Về câu trả lời đối với phóng viên của ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) trong việc chưa đủ cơ sở, căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Vũ Trọng Lương là chưa chính xác và chưa phù hợp với các quy định của pháp luật.
Đối chiếu hành vi mà ông Vũ Trọng Lương đã thực hiện về việc nâng, sửa điểm của thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang đối chiếu với các quy định của pháp luật cho thấy, đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự ông Vũ Trọng Lương, luật sư Trung nói.
Luật sư Nguyễn Trung trích dẫn Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25/01/2017 của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, tại điều 48 - điểm d về Xử lý cán bộ tham gia tổ chức thi và cá nhân liên quan khác vi phạm quy chế thi có quy định như:
Buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có một trong các hành vi sai phạm sau đây: Sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh; Cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm…
Bên cạnh đó, tại điều 118 - Luật Giáo dục cũng quy định việc xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự khi có hành vi “Làm hồ sơ giả, vi phạm quy chế tuyển sinh, thi cử”. Cụ thể: Người nào có một trong các hành vi sau đây thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật như: Làm hồ sơ giả, vi phạm quy chế tuyển sinh, thi cử và cấp văn bằng, chứng chỉ.
Ngoài ra, việc ông Vũ Trọng Lương lợi dụng được phân công dùng máy tính quét bài thi trắc nghiệm để thực hiện việc sửa điểm cho thí sinh thì có thể bị xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự tại điều 288 về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.
Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật) và điều 359 về Tội giả mạo trong công tác (Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu). Theo đó, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ để sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. Mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng.
Các đối tượng gián tiếp can thiệp điểm thi là ai?
Theo luật sư Trung, việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia là đặc biệt quan trọng, nhằm lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH- CĐ và giáo dục nghề nghiệp.
Vì vậy, sự việc “Nâng điểm không trong sáng” xảy ra trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang là vấn đề cần phải giải quyết kịp thời và phải xử lý nghiêm những cá nhân có sai phạm theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong văn bản số 6756/VPCP-KGVX ngày 17/7/2018.
Luật sư Trung nhận định, phụ huynh cũng như các em thí sinh tham dự kỳ thi THPT vừa qua rất bất bình khi có những trường hợp điểm thi thuộc dạng điểm liệt hoặc tổng điểm của các bài thi không vượt qua điểm trung bình, nhưng sau khi được “nâng điểm không trong sáng” thì kết quả thi của thí sinh đó lại ở trong top những người có tổng điểm các môn cao nhất cả nước và kết quả này sẽ giúp thí sinh trúng tuyển tại các trường như mong muốn.
Luật sư Trung nhận định, vụ việc này không phải hành động tự phát, bột phát của ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang mà hẳn là có nhiều người can thiệp, tạo sức ép lên ông này.
Việc quan trọng cơ quan điều tra cần xác định được danh sách các đối tượng đã can thiệp gián tiếp qua ông Lương để ông này sửa, nâng điểm cho thí sinh, luật sư Trung nói.