TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ KH&ĐT cho rằng, một số loại thuế phải sửa đổi, nhưng cần hợp lý, có lộ trình, không phải tất cả cùng tăng ngay. Có lộ trình là để doanh nghiệp và người dân tiên liệu được và chuẩn bị. Chỉ nên so sánh với thông lệ quốc tế phù hợp điều kiện Việt Nam. “Bộ Tài chính đưa ra so sánh một số khoản thuế của Việt Nam với các nước, đặc biệt các nước phát triển khu vực châu Âu. Sau đó, kết luận Việt Nam còn thấp nên phải tăng.
Như vậy chưa thuyết phục, vì chưa tính tới trình độ phát triển, thu nhập bình quân của người dân Việt Nam chỉ hơn 2.000 USD/năm, trong khi các nước châu Âu thu nhập người dân cao gấp vài chục lần Việt Nam lại không được đưa ra so sánh. Tôi không cực đoan, nhưng phải tính tới yếu tố hài hòa, công bằng, dù chỉ tương đối. Khi tăng thuế tiêu dùng, người chịu tác động lớn hơn là người thu nhập thấp, người nghèo, không thể tạo ra thêm mất công bằng, rất nguy hiểm. Chưa kể, nước ta tới đây sẽ còn nhiều dịch vụ công chuyển sang cơ chế thị trường, cơ chế tính giá thay vì phí, người dân sẽ phải chi nhiều hơn cho sinh hoạt hàng ngày”, TS Lưu Bích Hồ nói. TS Hồ cho biết, mới đây Mỹ còn thông qua luật giảm thuế cho doanh nghiệp.
Theo ông Lưu Bích Hồ, thu nhập bình quân mỗi tháng theo GDP của người Việt chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/người, thu nhập thực tế còn thấp hơn. Nên chỉ cần tăng giá vài dịch vụ công, hoặc tăng chút thuế tiêu dùng, đặc biệt thuế giá trị gia tăng (VAT), cuộc sống đa số người dân tập tức bị tác động. “Thuế VAT đánh vào tất cả mọi người, mọi loại hàng hóa nên người dân phản ứng mạnh. Còn người giàu tăng thêm ít chi phí đâu ngại gì”, ông Hồ nói.
Ngoài ra, cùng với thay đổi thang bậc thuế thu nhập cá nhân, theo vị chuyên gia này, Bộ Tài chính cũng cần nghiên cứu và đề xuất nâng mức giảm trừ cá nhân. Do mức 9,5 triệu đồng mỗi tháng đã ban hành quá lâu. “Hằng năm, đồng tiền đều mất giá, chi phí cuộc sống tăng, nhưng mức khung thu nhập thì vẫn giữ trong nhiều năm qua, các sắc thuế lại tiếp tục tăng thì không công bằng với người dân”, ông Lưu Bích Hồ nói thêm.
Chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long cho rằng, các lý lẽ biện hộ cho đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính chưa thuyết phục. Ví như: Tăng thuế VAT chỉ so với các nước phát triển; Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt do người dân béo phì vì uống nước ngọt cũng không đủ cơ sở khoa học; Bội chi, nợ công do chi thường xuyên lớn, tham nhũng, thất thoát, lãng phí, đầu tư công không hiệu quả, đó là trách nhiệm của nhà nước, không thể đổ lên người dân. Hay với thuế thu nhập cá nhân, theo ông Long, thay vì đánh thuế cao nên giảm để nhiều người đóng góp hơn, từ đó thu được nhiều hơn, không nên để tình trạng nhà nước cứ tăng còn người dân lại tìm cách trốn.
Về phần doanh nghiệp, theo ông Lưu Bích Hồ, khi các sắc thuế gián thu tăng, người dân sẽ mua sắm ít hơn, nên sản xuất sẽ khó khăn hơn. Khi đó, nguồn thu ngân sách từ các khoản đóng góp của doanh nghiệp lại giảm đi. Vì vậy, cần chính sách thuế hợp lý để nuôi dưỡng nguồn thu, thay vì thu cao để ít người nộp, thì thu thuế thấp sẽ nhiều người đóng góp hơn. Chưa kể, thuế xuất - nhập khẩu giảm, được lợi nhiều nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, hoặc sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu. Trong khi những doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước, từ nguồn nguyên liệu trong nước ít hưởng lợi từ thuế xuất - nhập khẩu giảm, nay còn bị tăng thuế. “Phải tạo nguồn thu mới để bù đắp”, vị chuyên gia này góp ý.
Còn theo ông Long, hiện thất thu thuế vẫn lớn nhưng ngành thuế chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn. Ví dụ nhiều hộ kinh doanh tìm cách không trở thành doanh nghiệp vì họ được hưởng thuế khoán với mức thấp hơn nhiều so với doanh thu, và có thể bắt tay với cán bộ thuế để hạ mức khoán. Bên cạnh đó là tình trạng trốn thuế qua mua bán hóa đơn, chuyển giá vẫn chưa kiểm soát được; “chia chác” thuế vẫn xảy ra... “Khi đề xuất tăng thuế phải thận trọng, có cơ sở rõ ràng dựa trên các cuộc khảo sát và đánh giá tác động thực tế. Không phải đề xuất theo cảm tính người xây dựng chính sách và chọn phần dễ để làm”, ông Long nói.
TS Định Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho hay, đề xuất tăng một số loại thuế của Bộ Tài chính cơ bản ông đồng tình. Tuy nhiên, theo ông Thịnh, mức độ tăng và sự cần thiết của từng sắc thuế khác nhau, cần nghiên cứu cẩn trọng. Vị chuyên gia này cho rằng, xu hướng chung của hội nhập là các nước giảm thuế trực thu (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất - nhập khẩu…), tăng các loại thuế gián thu (thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, thuế thu nhập cá nhân…). Vì vậy, lộ trình cải cách thuế của Việt Nam cũng theo xu hướng đó. “Thuế xuất - nhập khẩu giảm, hàng hóa sẽ rẻ hơn, nên việc tăng thuế nội địa chỉ khiến giá hàng hoá trở về mức như khi thuế xuất - nhập khẩu chưa giảm”, ông Thịnh nói.