> Thi tuyển lãnh đạo: Không có chuyện 'chạy'
> 'Chạy' công chức khó truy vòng xoay tiền - quan hệ
Tiền Phong phỏng vấn bà Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh quanh chủ trương mới này.
Sẽ mở rộng thi tuyển
Sau lần thí điểm thi tuyển lãnh đạo này, Quảng Ninh có mở rộng việc thi tuyển ra các sở ngành khác không, thưa bà?
Chắc chắn là sẽ mở rộng rồi. Nhưng sẽ làm tuần tự từng bước, tiếp theo đây sẽ thí điểm thi tuyển tiếp một số đơn vị nữa, và dần dần đến năm 2015, tất cả các chức vụ bổ nhiệm tại Quảng Ninh sẽ thực hiện thi tuyển.
Người trúng tuyển sau đó được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ 5 năm?
Đúng vậy. Nhưng không phải thi đỗ rồi thì cứ ngồi làm lãnh đạo 5 năm, mà hằng năm các cấp có thẩm quyền bổ nhiệm sẽ lấy phiếu tín nhiệm, đồng thời sẽ có đánh giá cán bộ. Nên nếu trúng tuyển rồi nhưng quá trình thực thi và triển khai công việc của cán bộ không đạt yêu cầu thì vẫn phải xem xét lại. Về phía tỉnh sẽ tạo điều kiện hết mức để các bạn thực hiện được các đề án đã trình bày. Chúng tôi vừa hỗ trợ để họ hoàn thành nhiệm vụ, vừa lấy chính những nội dung cam kết của các ứng viên trúng tuyển để giám sát trở lại.
Thi tuyển vừa rồi có người trúng vị trí thủ trưởng (trưởng ban quản lý Vịnh Hạ Long), có người chỉ làm phó (Phó Giám đốc Sở TT&TT). Cấp trưởng dễ giám sát nhưng cấp phó về làm không được cấp trên tạo điều kiện dễ bị thui chột, thưa bà?
Đúng là làm phó cũng có cái khó, nhưng cũng có cái thuận hơn. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm tất cả mọi việc, còn mình làm phó chỉ chịu trách nhiệm về một mảng công việc được phân công. Vị trí Phó giám đốc Sở TT&TT lần này phụ trách mảng báo chí, nên nó tương đối độc lập, vì vậy cũng dễ đánh giá. Ngoài đánh giá về công việc, còn đánh giá về năng lực quản lý, mối quan hệ trong cơ quan, vấn đề quy tụ, đoàn kết thống nhất...
Được quyền vay mượn kiến thức, tham khảo
Thưa bà, nhưng đề bài thi vừa rồi được phát trước cả tháng trời, làm thế nào để nhận biết nội dung đề án của các ứng viên là trí tuệ của họ, chứ không phải là vay mượn của người khác?
Thực ra họ có quyền vay mượn chỗ khác, chỉ miễn sao thứ vay mượn đó trở thành của chính họ, các giải pháp mà đề án đưa ra thực sự áp dụng được hiệu quả trên thực tế.
Ví dụ với vị trí trưởng Ban quản lý Vịnh Hạ Long, đây là mô hình quản lý không giống bất kỳ sở ngành nào theo quy định của Bộ Nội vụ, nó là tổ chức rất đặc thù của tỉnh, trong khi luật quản lý di sản thiên nhiên chưa có, mới có luật quản lý di sản văn hóa.
Bản thân chúng tôi cũng đang muốn tìm tòi xem đổi mới cơ chế quản lý để làm sao khai thác được giá trị của di sản nên rất cần sự đóng góp của tất cả mọi nguồn lực trong xã hội, chứ không phải chỉ của riêng ứng viên.
Chấm thi chênh 20% điểm, giám khảo bị loại
Hội đồng chấm thi là những ai, thưa bà?
Hội đồng chấm thi và sát hạch là tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 14 người. Kỳ thi vừa rồi, ngoài thành công đối với các ứng viên còn là thành công đối với Ban Thường vụ.
Với cơ cấu Ban Thường vụ mỗi người phụ trách một mảng khác nhau, nên trước khi tổ chức thi chúng tôi phải nghiên cứu, tìm hiểu thêm kiến thức về lĩnh vực thi tuyển, để có thể đánh giá các thí sinh một cách chuẩn xác.
Như vậy các bài thi của ứng viên đã bổ sung lại kiến thức cho các đồng chí trong Ban Thường vụ. Thí sinh không chỉ trình bày đề án, mà còn được từng thành viên trong hội đồng hỏi xuôi, hỏi ngược. Sau đó mới lấy điểm trung bình cộng lại, ai điểm cao thì trúng tuyển.
Quá trình chấm thi, để tránh thiên vị, chúng tôi có quy định nếu một giám khảo nào chấm điểm có dấu hiệu thiên vị, không khách quan thì điểm ấy bị loại. Nếu số điểm của thành viên nào chênh 20%, tương đương 20 điểm (chấm điểm 100), thì sẽ bị loại khỏi hội đồng chấm.
Bảng điểm phải ký tên, người chấm phải chịu trách nhiệm về số điểm của chính mình. Kết quả kỳ thi vừa rồi, rất ngẫu nhiên là cho điểm của các thành viên tương đối thống nhất trong đánh giá.
Ngoài Đảng cũng được thi
Thưa bà, những ứng viên không có hộ khẩu Quảng Ninh, không phải là đảng viên có được dự thi?
Chưa đảng viên, người tỉnh khác đều được dự thi. Chúng tôi đánh giá, đây cũng là cách để Quảng Ninh thu hút được hiền tài trên cả nước. Lâu nay các tỉnh thu hút thạc sĩ, tiến sĩ bằng chính sách hỗ trợ thêm tiền.
Chúng tôi nghĩ, tiền cũng không quan trọng bằng việc tạo điều kiện cho các bạn trẻ có trình độ, trí tuệ, nhiệt huyết, khát khao, một môi trường làm việc tốt để họ được cống hiến. Việc thi tuyển công khai minh bạch, công tâm sẽ là điều kiện tốt để người tài thực sự tìm về Quảng Ninh.
Chúng tôi cũng không phân biệt bằng cấp loại gì, miễn là có trình độ ĐH trở lên, kể cả học tại chức, liên thông đều được. Thực tế chị Phạm Thùy Dương chỉ có bằng ĐH tại chức, nhưng đã thể hiện được năng lực thực sự và trúng tuyển. Tất nhiên, không phải ai cũng được dự thi.
Sau khi nhận được đơn đăng ký, chúng tôi phải thẩm tra cả lịch sử, phẩm chất đạo đức, kiểm tra nhân thân. Đặc biệt là thẩm tra xác minh những năm công tác liền kề trước đó của họ, xem họ thể hiện ra sao, tư cách đạo đức thế nào...
Được nợ một vài tiêu chuẩn
Như vậy Quảng Ninh sẽ giải quyết vấn đề tiêu chuẩn cán bộ mà lâu nay Đảng đã có quy định?
Điều quan trọng nhất là phẩm chất và năng lực cán bộ. Các thí sinh có thể nợ nếu chưa đủ tiêu chuẩn (ví dụ phải học cao cấp lý luận chính trị...), và họ sẽ trả nợ những tiêu chuẩn này khi đã được bổ nhiệm.
Khi tổ chức thi tuyển, thay cho cơ chế bổ nhiệm dựa trên quy hoạch tại chỗ, sẽ dẫn tới nhiều cán bộ bị quy hoạch treo. Tỉnh sẽ giải quyết mâu thuẫn này ra sao?
Sở TT&TT có 3 đồng chí trong quy hoạch là phó giám đốc sở, thì cả 3 đều đăng ký dự thi, nhưng trước ngày thi 2 đồng chí đã rút, còn đồng chí dự thi nhưng không trúng. Chiều 15-1, chúng tôi đã gặp lại ứng viên, cả người trúng và không trúng, thì họ đều khẳng định hội đồng chấm thi đã lựa chọn và chấm điểm hoàn toàn chính xác, và tâm phục khẩu phục.
Với cơ chế mời gọi cả những người trong quy hoạch dự thi, thì mọi thứ rất sòng phẳng, nên dù họ được quy hoạch nhưng thi không trúng vẫn rất vui vẻ. Vì thế thi tuyển không mâu thuẫn gì với công tác quy hoạch cán bộ cả.
Loại bỏ tư duy “chạy” lên chức
Khi Quảng Ninh xin Trung ương cơ chế thi tuyển lãnh đạo cấp sở, những nhà tổ chức đặt mục tiêu và kỳ vọng gì ở cơ chế mới này?
Mục tiêu của chúng tôi là minh bạch, công khai hóa, không để cán bộ suy nghĩ về chạy chức, chạy quyền. Chỉ có thi tuyển chúng tôi mới mở rộng được nguồn cán bộ mới, có năng lực thực sự. Còn nếu cứ bổ nhiệm kiểu khép kín thì đương nhiên trong 3 cán bộ quy hoạch của Sở TT&TT, chúng tôi phải chọn một. Và tạo cho xã hội, những người khát khao cống hiến có động lực, có thái độ làm việc mới, có cách tiếp cận với công việc theo cách mới.
Từ việc thí điểm thi tuyển này, Quảng Ninh có kiến nghị gì với Trung ương trong việc thay đổi công tác lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ?
Chúng tôi có kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục cho nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế thi tuyển cán bộ lãnh đạo quản lý tại Quảng Ninh; Thứ hai chúng tôi kiến nghị Trung ương, cùng với cơ chế thi tuyển, nghiên cứu ban hành cơ chế tập sự cho cán bộ quản lý để hỗ trợ tích cực hơn cho công tác thi tuyển.
Ta chọn được những người nhiệt huyết khát khao nhưng chưa được trải nghiệm, nên kết hợp cả 2 yếu tố này, thì chúng ta sẽ có nguồn nhân lực thật sự tốt.
Cám ơn bà.