Người nghèo thêm cơ hội có nhà?

TP - Bộ Xây dựng đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo cơ chế hoạt động của Quỹ tiết kiệm nhà ở, dự kiến trình Chính phủ thông qua thời gian tới đây. Nếu quỹ này ra đời, người nghèo có thêm cơ hội có nhà ở.
Quỹ Tiết kiệm nhà ở ra đời người nghèo có thêm cơ hội có nhà ở (trong ảnh một dự án nhà ở cho người thu nhập thấp) Ảnh: Hồng Vĩnh

>> Sống treo cùng dự án

Quỹ Tiết kiệm nhà ở ra đời người nghèo có thêm cơ hội có nhà ở
(trong ảnh một dự án nhà ở cho người thu nhập thấp).
Ảnh: Hồng Vĩnh.

Giàu nghèo đều phải đóng

Quỹ tiết kiệm nhà ở được Bộ Xây dựng đề xuất giống như hình thức bảo hiểm xã hội với mức đóng góp dự kiến 1 - 2% tiền lương hằng tháng của người làm công ăn lương.

Ông Phạm Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ kinh tế Xây dựng (Bộ xây dựng) cho biết: “Nếu Quỹ nhà ở tiết kiệm được thông qua thì chậm nhất cuối năm quỹ sẽ đi vào hoạt động. Đây là kết quả từ quá trình nghiên cứu học tập mô hình quỹ nhà ở các nước Singapore, Trung Quốc”.

Với phương thức trên, theo tính toán hiện Việt Nam có hơn 9 triệu người lao động đang hưởng lương, thuộc đối tượng đang đóng bảo hiểm xã hội. Nếu thu theo tỷ lệ trên, mỗi năm quỹ sẽ thu cả chục ngàn tỷ đồng. Đây là nguồn vốn lớn vừa cho người thu nhập thấp vay mua nhà, vừa trợ giúp các doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, với người giàu không có nhu cầu mua nhà, cũng phải đóng thì sẽ giải quyết ra sao? Theo ông Khánh, người làm công ăn lương được vay Quỹ tiết kiệm nhà ở với lãi suất chỉ bằng 20 - 25% lãi suất của ngân hàng thương mại (với điều kiện khi họ đã đóng vào quỹ 20 - 30% trị giá căn hộ). Còn những người không có nhu cầu mua nhà thì khi về hưu sẽ được rút toàn bộ số tiền gốc và lãi.

Ông Khánh cho biết, ở Singapore và Trung Quốc bắt buộc mọi người làm công ăn lương phải đóng góp vào quỹ nhà ở, không phân biệt người có nhu cầu mua nhà hay không. Thời gian góp tối thiểu là 10 hoặc 15 năm, sau đó người đóng quỹ không có nhu cầu mua nhà thì được rút vốn.

“Ở nước ngoài họ đóng quỹ này ở mức rất cao nhưng ở Việt Nam phải nghiên cứu tiền đóng quỹ sao cho phù hợp. Đây được coi như một dạng bảo hiểm về nhà ở và bắt buộc người lao động phải đóng góp. Ngoài lợi ích cá nhân còn là trách nhiệm xã hội của mọi người khi tham gia quỹ này.

Sẽ có Ban quản lý quỹ do Nhà nước chỉ đạo và có quy chế sử dụng quỹ được đưa vào luật nhằm đảo bảo sự minh bạch và lợi ích người lao động thu nhập thấp khi mua nhà”- ông Khánh nói.

Liệu có thêm gánh nặng cho người lao động?

Anh Nguyễn Minh Phong (Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội) cho biết: “Quỹ tiết kiệm nhà ở chỉ động viên tự nguyện tham gia thì được, còn bắt buộc tham gia như quỹ bảo hiểm xã hội thì không hay. Điều này làm tăng thêm gánh nặng cho người lao động, trong khi thu nhập thì thấp mà đóng hết quỹ này đến quỹ khác”.

Một chuyên gia kinh tế phân tích: “Ở Singapore người ta dùng Quỹ tiết kiệm nhà nhưng quỹ này chỉ chiếm 25% trị giá ngôi nhà, còn 75% là do Nhà nước bao cấp. Ai không có nhu cầu sử dụng nữa thì bán lại cho Nhà nước (bên độc quyền mua) nhằm tránh đầu cơ, nên mỗi người thu nhập thấp đều có cơ hội mua nhà.

Liệu Quỹ tiết kiệm nhà ở mà Bộ Xây dựng triển khai có đáp ứng nổi nhu cầu mua nhà của hàng triệu người thu nhập thấp như hiện nay? Với giá cả leo thang như hiện nay thì khi người lao động tích được 30% trị giá căn hộ để vay quỹ mua nhà, cũng phải mất 30 năm”.

Dừng mô hình “tích điểm mua nhà” của Liên minh HTX Việt Nam

Cách đây 4 năm, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam cũng thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở, triển khai tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Tiền Giang.

Một cán bộ Liên minh HTX Việt Nam cho biết, nhằm khuyến khích những người có thu nhập thấp tham gia chương trình tiết kiệm nhà ở, thông qua góp tiền tích điểm: số điểm tối thiểu hằng tháng là 1 điểm - tương đương gửi tiết kiệm 100.000 đồng; số điểm tối đa hằng tháng là 3 điểm (gửi tiết kiệm 300.000 đồng).

Người tiết kiệm có thể gửi nhiều hơn 300.000 đồng/tháng và số tiền dư sẽ dần chuyển thành điểm trong tương lai nhưng chỉ được tính tối đa 3 điểm/tháng (36 điểm/năm).

Hệ thống phần mềm tính điểm xếp hàng tiết kiệm theo thứ tự sẽ tạo cơ sở cho việc phân bổ các căn hộ của HTX, các căn hộ được bán dựa trên danh sách xếp hàng.

Quyền ưu tiên mua nhà trước tiên sẽ dành cho những xã viên có thu nhập thấp, trung bình và thực sự có nhu cầu về nhà ở, có thu nhập ổn định, đồng thời có khả năng trả trước 30% tiền mua căn hộ, số tiền còn lại có thể trả dần theo thoả thuận với ngân hàng đối tác.

Khi xã viên đã mua được nhà, số điểm tiết kiệm sẽ trở về 0, lúc đó xã viên được quyền tiếp tục tham gia tiết kiệm và tích luỹ điểm mới hoặc rút khỏi chương trình.

Từ chương trình trên, Liên minh HTX đã triển khai xây dựng hai dự án nhà chung cư cho người thu nhập thấp, với diện tích 6.000 m2 tại TP Hồ Chí Minh và đã bán cho mỗi xã viên với giá 4 - 5 triệu đồng/m2. Hiện Liên minh đang triển khai dự án nhà ở tại Tiền Giang thì quỹ bắt đầu ngừng hoạt động.

Một cán bộ Liên minh nói: “Mô hình chương trình quỹ nhà ở HTX thu hút đông đảo xã viên là những người có thu nhập thấp tham gia với mong muốn có một ngôi nhà cho gia đình mình. Nếu mô hình được nhân rộng thì sẽ có hàng triệu lao động tại các thành phố lớn có khả năng mua nhà. Chương trình buộc phải dừng lại để nhường cho một Quỹ tiết kiệm mới sắp thành lập”. 

Theo Báo giấy