Người mua phải đặt cọc tiền tỷ để đấu giá gỗ sưa ở Hà Nội

Cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính dự kiến thu về gần 150 tỷ đồng từ việc bán hai cây gỗ sưa.
Cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính chặt hạ hai cây sưa hồi tháng 1/2019. Ảnh: Gia Chính

Ngày 13/6, đại diện cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã niêm yết tại trụ sở xã thông báo bán đấu giá hai cây sưa đỏ trên địa bàn. 

Lãnh đạo Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp Hà Nội) nói các thủ tục đấu giá đã được thực hiện đúng quy định; thời gian đăng ký đấu giá từ 17/6 đến 1/7, mỗi bộ hồ sơ là 500.000 đồng và những người nộp hồ sơ sẽ được cán bộ Trung tâm dẫn đi xem tài sản vào hai ngày cuối tháng 6. 

Buổi đấu giá diễn ra vào ngày 4/7 tại trụ sở UBND xã Hòa Chính. Gỗ được chia thành 5 nhóm với trọng lượng từ 550 kg đến hơn 2.000 kg; mức giá khởi điểm cho nhóm gỗ đặc biệt là 32 triệu đồng mỗi kg, còn loại gỗ gốc nhỏ, rễ thì hơn 6 triệu đồng mỗi kg. Người tham gia đấu giá sẽ phải đặt cọc tối thiểu từ 1,5 tỷ đồng đến 9,8 tỷ đồng tùy vào nhóm gỗ khi tham gia đấu giá.

"Đây là lần đầu tiên chúng tôi đấu giá cho một bên mà đứng tên là cộng đồng dân cư", ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng phòng nghiệp vụ I (Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản) nói.

Sau khi đấu giá thành công, tiền đặt cọc của người mua được chuyển vào tài khoản chung của cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính. Sau đó, người mua và cộng đồng dân cư sẽ ký hợp đồng với nội dung thanh toán toàn bộ tiền mua trong vòng 7 ngày.

Trong 2 tuần qua, thôn Phụ Chính đã tổ chức hàng chục cuộc họp để ghi nhận ý kiến của người dân xung quanh việc đấu giá 2 cây gỗ sưa. Cộng đồng chọn ra nhóm 9 người có uy tín trong thôn để đại diện và thuê đơn vị thẩm định giá độc lập hoàn thiện hồ sơ gửi đến Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản.

Người dân quyết định chia gỗ sưa thành 5 nhóm dựa vào chất lượng từng loại gỗ được cưa từ thân cây và đưa ra giá thành cho từng loại gỗ. Toàn bộ số tiền thu được từ đấu giá sẽ chuyển vào tài khoản ngân hàng do cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính đứng tên, sử dụng cho mục đích công cộng như xây chùa, trường học, làm đường...

Gỗ sưa được chia làm 5 loại với từng mức giá khác nhau. Ảnh: Gia Chính

Trước đây trong khuôn viên chùa Phụ Chính có hai cây sưa đỏ. Năm 2010, thương lái đến trả giá hơn 100 tỷ đồng cho mỗi cây sưa. Trong năm này, người dân cưa một cành cây bán với giá 20,5 tỷ đồng để lấy kinh phí xây đình làng.

Năm 2013, trong lúc mưa bão một nhánh sưa lớn đã bị kẻ trộm lấy đi. Trước hiện tượng mối mọt, người dân nhiều lần đề nghị được bán cây sưa. Tháng 10/2018, Hà Nội có văn bản yêu cầu các ban, ngành hướng dẫn người dân khai thác cây sưa theo đúng trình tự pháp luật.

Ngày 27/1, người dân thôn Phụ Chính đã tiến hành chặt hạ hai cây sưa đỏ trong khuôn viên chùa làng. Gỗ sưa sau đó được chuyển vào thùng container để ở sân nhà văn hóa, dân làng quây thép B40, lắp camera an ninh xung quanh và cắt cử người thay phiên nhau trông giữ.

5 nhóm gỗ với tổng trọng lượng 5,9 tấn, theo giá khởi điểm có giá trị tương đương hơn 146 tỷ đồng.

Nhóm đặc biệt (2 khúc - 2.040 kg), giá khởi điểm 32 triệu/1 kg, giá tạm tính 65,2 tỷ, phí đặt trước 9,8 tỷ đồng.

Nhóm 1 (4 khúc - 1.758 kg), giá khởi điểm 28 triệu/1 kg, giá tạm tính 49,2 tỷ, phí đặt trước 7,4 tỷ đồng.

Nhóm 2 (4 khúc - 551 kg), giá khởi điểm 22 triệu/1 kg, giá tạm tính 12,1 tỷ, phí đặt trước 1,8 tỷ đồng.

Nhóm 3 (28 khúc - 659 kg), giá khởi điểm 15 triệu/1 kg, giá tạm tính 9,8 tỷ, phí đặt trước 1,5 tỷ đồng.

Nhóm gốc nhỏ (3 gốc, rễ các loại - 1.525 kg), giá khởi điểm 6,5 triệu/1 kg, giá tạm tính 9,9 tỷ, phí đặt trước 1,5 tỷ đồng.

Theo Theo Vnexpress