> 'Mắt thần' canh biển
> Vợ lính Trường Sa
Ông là Thượng tá Nguyễn Danh Đường, Hải đoàn trưởng Hải đoàn biên phòng 48 (đóng tại TP Quy Nhơn - Bình Định).
Chuyến hải trình lênh đênh 6 tháng
Từ một chiến sĩ trinh sát thuộc lực lượng Công an nhân dân vũ trang Hà Tĩnh (nay là Bộ đội biên phòng) duyên nợ với biển, Nguyễn Danh Đường được cử đi học sĩ quan hải quân.
“Năm ấy, chuyến hành trình đầu tiên ra Trường Sa ai cũng xác định là sẽ khó khăn, gian khổ, rình rập hiểm nguy", thượng tá Đường nhớ lại. Đầu tháng 2-1979, đoàn cán bộ Quân chủng hải quân lên tàu HQ 610 do Nguyễn Danh Đường làm thuyền phó, khởi hành từ bến cảng Nhật Lệ (Quảng Bình) ra Trường Sa, bắt đầu hành trình 6 tháng lênh đênh nhiều vòng quanh quần đảo Trường Sa, qua khắp các đảo lớn nhỏ, bãi cạn, đảo chìm để kiểm tra.
Tàu HQ 610 trọng tải chừng 200 tấn chất đầy ắp những vật dụng cho chuyến hải trình dài, kết hợp chở theo từng nắm đất, bùn, than, củi để bộ đội tăng gia. Dừng chân trên mỗi đảo, ngoài việc khảo sát, mỗi chiến sĩ đều phải bắt tay vào công việc như: lấy đất trồng rau, dùng than sưởi ấm.?Mỗi người chỉ được sử dụng 10 lít nước ngọt/ngày để tắm giặt, sinh hoạt kết hợp giặt giũ, tưới rau. Cứ thế, sau mỗi lần nhổ neo lại lạch cạch mang theo những vật dụng để người lính có thể tự cải thiện đời sống cho mình. "Mỗi lần dừng chân trên một đảo là mỗi lần khắp người mọc thêm một tầng lở ngứa do bị côn trùng chích. Anh em thương nhau như một nhà, ngày tập bắn súng, đêm về mỗi người một góc, thi nhau gãi sột soạt" - thượng tá Danh Đường cười vui, nhớ lại kỷ niệm không quên trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 9-1979.
Mỗi chuyến hành trình thường từ 300-400 hải lý (600 - 800km) phải mất hơn 2 ngày, trong khi nếu so với phương tiện bây giờ chỉ mất chừng 8-10 tiếng đồng hồ. Thời đó, đoàn của Bộ Tư lệnh Biên phòng cùng hành quân trên những chiếc tàu nhỏ để vượt biển trấn giữ Trường Sa. “Tuy chuyến đầu tiên chỉ 6 tháng trên chuyến tàu HQ 610, chúng tôi đã đi hết quần đảo Trường Sa. Có những hòn đảo, bãi cạn tôi vẫn còn nhớ như in khi đoàn khảo sát tìm đến còn nguyên sơ. Của Việt Nam mình, nay lại bị nước khác chiếm giữ", thượng tá Đường hồi tưởng.
33 năm bám biển bảo vệ chủ quyền
Lấy vợ, sinh con nhưng chưa một lần được ở bên cạnh vợ con quá một tuần. Thời khó khăn chỉ tranh thủ về nhà lấy lệ để an ủi vợ, cho con biết mặt cha. Đến khi điều kiện gia đình tương đối đầy đủ lại phải ở xa gia đình biền biệt, nửa năm mới về lại nhà một lần. Thượng tá Đường nói: "Chấp nhận làm người lính biên phòng đành phải thiếu thốn hai chữ: riêng tư”.
Bộ Tư lệnh biên phòng điều Nguyễn Danh Đường về Hải đoàn Biên phòng 18 làm nhiệm vụ gắn bó hơn 10 năm ở miền Tây Nam bộ với những Rạch Giá, Hòn Khoai, Sông Đốc, Thổ Chu, Phú Quốc. Từ một thuyền phó rồi đến thuyền trưởng, chỉ huy Hải đội, cùng đồng đội Hải đoàn 18 làm nhiệm vụ tuần tra khu vực biển miền Tây Nam bộ để bảo vệ cho ngư dân miền Nam, miền Trung làm ăn.
Ngày đó tàu thuyền nước ngoài liên tục xâm phạm nội thủy Việt Nam để đánh bắt trộm thủy sản, trấn cướp ngư dân mình trên biển. Nguyễn Danh Đường đã cùng đồng đội mỗi đêm truy quét, đẩy đuổi hàng trăm chiếc tàu lạ nước ngoài xâm phạm nội thủy, cướp bóc ngư dân. Trong cuộc chiến ấy, 3 đồng chí của ông đã hy sinh trên biển. Người thuyền trưởng chỉ biết đau đớn vuốt mặt mình thay cho lời giã từ các đồng chí nằm lại biển khơi.
Giai đoạn những năm 1990-1998, ông lại được phân về miền Đông Nam bộ, Côn Đảo, Phú Quý để bảo vệ vùng biển giàu tiềm năng dầu khí của Việt Nam. Nhiều năm đúng khi chuẩn bị giao thừa, ông lại chia tay gia đình khoác ba lô xuống tàu chỉ huy tuần tra, kiểm soát. Lại có lần ông nhận nhiệm vụ đi biển, để lại vợ một mình vượt cạn trong sự đùm bọc của bà con lối xóm.
Năm 1998, vùng biển miền Trung liên tục bị tàu lạ nước ngoài xâm chiếm, đe dọa đến chủ quyền biển đảo. Bộ tư lệnh Biên phòng thành lập đơn vị Hải quân Biên phòng miền Trung là Hải đoàn 48 tại thành phố Quy Nhơn, Nguyễn Danh Đường thêm một lần nữa khoác ba lô nhận nhiệm vụ nơi vùng đất mới đầy gian khó.
37 năm trong quân ngũ thì có tới 33 năm gắn bó với biển xanh. Ông đã đặt chân lên hầu hết các đảo lớn nhỏ của Tổ quốc như một người lính, người chỉ huy can trường. Đối với Hải quân biên phòng, Thượng tá Nguyễn Danh Đường như một pho sử sống, một vị chỉ huy có mặt từ rất sớm, hiện đang còn trong quân ngũ.