Người đi dép cao su: Hồ Chủ tịch qua lăng kính nhà văn Algeria

TP - Người đi dép cao su của nhà văn người Algeria Kateb Yacine lần đầu tiên được chuyển thể lên sân khấu kịch Việt Nam. Đạo diễn, TS. NGƯT Lê Mạnh Hùng gây bất ngờ với lối dàn dựng mới lạ từ kịch bản thơ đồ sộ hơn 300 trang, nêu bật hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và biên niên sử Việt Nam.
Chuyển thể tác phẩm của tác giả Algeria về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: KỲ SƠN

Hình tượng giản dị

Vở diễn Người đi dép cao su do Nhà hát Kịch Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Algeria tại Việt Nam dàn dựng. Vở diễn tái ngộ khán giả vào dịp ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5 tại Nhà hát Lớn. Không chỉ là món quà dâng lên Người, đây còn là dấu ấn đẹp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Algeria.

Nhà văn Algeria Kateb Yacine (1929 - 1989) sống nhiều năm ở Pháp, sáng tác thơ, viết tiểu thuyết và kịch. Không chỉ viết kịch bản, ông tự tổ chức những đoàn kịch đi biểu diễn nhiều nơi ở quê hương và một số nước châu Âu trước đông đảo khán giả công nhân, nông dân, sinh viên. Kateb Yacine đến Việt Nam năm 1967 - giai đoạn Việt Nam đang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông đã tìm hiểu lịch sử, con người Việt Nam. Bằng sự thấu hiểu, tình cảm với đất nước và con người Việt Nam và đặc biệt thông qua những câu chuyện về Hồ Chủ tịch, Kateb Yacine viết kịch bản Người đi dép cao su.

Tác phẩm của nhà văn Algeria đồ sộ, với 304 trang kịch bản thơ. Khoảng 1.800 câu thoại, hàng trăm nhân vật có tên và không tên. Điều thú vị ở chỗ kịch bản có vấn đề lịch sử nhưng không phải vở lịch sử, đề cập chính trị nhưng không phải vở kịch chính luận. Tác giả cũng không viết theo lối xung đột kịch thông thường, trong vở diễn không có mâu thuẫn, không cắt nghĩa nhân-quả.

Các sự kiện, hành động chỉ đơn giản được sắp đặt cạnh nhau, có vẻ chẳng liên quan gì đến nhau. Thế nhưng xuyên suốt mạch chính là hình tượng “Người đi dép cao su”. Tác giả dựng nên cả một biên niên sử Việt Nam, bản trường ca về đất nước và con người Việt Nam từ thời Hai Bà Trưng, trải qua nhiều cuộc đấu tranh bi tráng của dân tộc cho tới thời đại Hồ Chí Minh nhằm làm nổi bật hình tượng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Lãnh tụ Hồ Chí Minh được khai thác ở góc độ một con người của đời thường, bình dị mà lớn lao. Đạo diễn dẫn dắt người xem về những bối cảnh sinh ra con người vĩ đại, điểm lại những mốc son trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Người. Khán giả rưng rưng trước tình huống tái hiện giai đoạn Bác bị giam giữ và giải đi qua 30 nhà lao của 13 huyện khác nhau ở Trung Quốc.

Nghệ sĩ Minh Hải (hình tượng Hồ Chủ tịch) và NSƯT Trịnh Mai Nguyên (hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp) trước quyết định kéo pháo ra trong trận Điện Biên Phủ. Ảnh: KỲ SƠN

Cách dàn dựng mới lạ

Với điều kiện về con người, cơ sở vật chất của Nhà hát Kịch Việt Nam cũng như của sân khấu nói chung chưa đủ để chuyển thể toàn bộ tác phẩm, TS. NGƯT Lê Mạnh Hùng lựa chọn dựng phần đầu tác phẩm mà vẫn thể hiện được không gian kịch đồ sộ.

“Kịch bản đi từ thời Hai Bà Trưng đi qua các cuộc kháng chiến, có những lãnh tụ các nước... xuất hiện trên sân khấu. Vì thế tôi nảy ra ý định biên tập mạch chính tác giả viết về hình tượng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Tôi không đưa vào quá nhiều nhân vật, cũng như lãnh tụ của nhiều nước. Đây là hình thức kịch chưa từng có trên sân khấu Việt Nam. Có những nhân vật chỉ xuất hiện trong chốc lát, nhiều việc không liên quan được đặt cạnh nhau đòi hỏi chúng tôi phải tìm cách liên kết”, đạo diễn Lê Mạnh Hùng chia sẻ với Tiền Phong.

Cuối tháng 4/2023, Nhà hát Kịch Việt Nam từng diễn hai đêm Người đi dép cao su và ngay lập tức gây hiệu ứng mạnh. Đại sứ đặc mệnh toàn quốc Algeria tại Việt Nam Abdelhamid Boubazine cho biết, Người đi dép cao su từng được dàn dựng tại Algeria. “Khi xem bản diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam, tôi cảm nhận sâu sắc hơn về tác phẩm. Vở diễn cần được đưa sang Algeria”, ông nói.

Một kịch bản thách thức đối với người dàn dựng, bởi “chỉ đọc văn bản thôi đã khó khăn chứ chưa nói đến dàn dựng, biểu diễn”. TS. NGƯT Lê Mạnh Hùng gây bất ngờ khi xử lý hài hòa giữa kịch cổ điển châu Âu và sân khấu truyền thống Việt Nam. Nghệ thuật ước lệ của sân khấu truyền thống Việt Nam được vận dụng khéo léo nhằm tái hiện không gian lịch sử của những cuộc đấu tranh anh dũng, khắc sâu tinh thần của mảnh đất và con người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử.

Bên cạnh kịch bản lời thoại thông thường (gần như chỉ độc thoại, không có đối thoại), đạo diễn đã xây dựng một kịch bản khác để chuyển tải nội dung, tư tưởng để khán giả “có cái để xem” - nói như lời đạo diễn. Câu chuyện, sự kiện, nhân vật được nêu ra và được lý giải trong thời gian ngắn nhất nhưng vẫn đảm bảo cho người xem nắm bắt. Không cần bày vẽ sân khấu đồ sộ bục bệ, chỉ với hơn hai chục diễn viên cũng đủ tạo nên cả đoàn quân rùng rùng trong chiến trận nhờ ngôn ngữ hình thể, âm nhạc.

Gói gọn trong 60 phút, khán giả bất ngờ với nhịp kịch nhanh, chặt chẽ. Đạo diễn không phung phí bất cứ một giây phút nào. Không mất thời gian chuyển cảnh, trang phục cũng được thay ngay trên sân khấu. Khán giả dễ dàng thấy hình thức dàn dựng hợp lý, không ai thắc mắc về chiêu xử lý của đạo diễn.

Trước thách thức về chiều kích lịch sử dài rộng đó, một trong những thành công lớn nhất của đạo diễn là chọn được diễn viên Quang Đạo và nghệ sĩ Minh Hải thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Nhà hát Kịch Việt Nam đã đào tạo được hai diễn viên chuyên thể hiện hình tượng Bác Hồ. Từ hình thức, động tác, lời nói đều rất gần với Bác giúp họ khắc họa được hình tượng Bác chân thực nhất”, đạo diễn Lê Mạnh Hùng nói.