Người dân cạnh bãi rác Nam Sơn: 'Tiền hỗ trợ không đủ mua khẩu trang'

TPO - Tại hội nghị tiếp xúc cử tri của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh ngày 30/9, ông Nguyễn Văn Chính (xã Nam Sơn) đặt vấn đề mức hỗ trợ ảnh hưởng môi trường cho người dân trong khu vực ảnh hưởng của bãi rác Nam Sơn hiện quá thấp “không đủ tiền để mua khẩu trang”.

Sáng 30/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - ĐBQH Trần Sỹ Thanh cùng ĐBQH Hoàng Văn Cường, Nguyễn Anh Trí tiếp xúc cử tri huyện Sóc Sơn trước Kỳ họp thứ 4.

Tại hội nghị, cử tri Nguyễn Văn Chính (xã Nam Sơn) đặt vấn đề mức hỗ trợ ảnh hưởng môi trường cho người dân trong khu vực ảnh hưởng của bãi rác Nam Sơn hiện quá thấp “không đủ tiền để mua khẩu trang”. Ông Chính đề xuất tăng mức hỗ trợ, đồng thời mở rộng diện hỗ trợ lên bán kính khoảng 1.200 mét.

Cử tri nêu câu hỏi với Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh. Ảnh: PV

Ông Chính cũng nêu tình trạng tái diễn xe chở rác quá khổ, quá tải, để nước rỉ rác chảy ra đường, ảnh hưởng đến môi trường. “Vừa qua, người dân bắt được một xe, gửi lên công an xã, công an huyện, không biết xử lý thế nào, cần công khai để người dân biết”, ông Chính nói.

Cử tri này cũng đề nghị các đơn vị chức năng vào cuộc quyết liệt, đảm bảo vệ sinh môi trường cho người dân xung quanh khu vực bãi rác, để “người dân về với Nam Sơn, Sóc Sơn là về với nơi đáng sống chứ không phải là bãi rác để mọi người phải bỏ chạy”, đồng thời, đầu tư xứng đáng với sự hy sinh của người dân nơi đây để thành phố xanh, sạch đẹp, về cơ sở vật chất, trước mắt là khắc phục tình trạng “điện yếu đến mức không cắm được nồi cơm”, hay trung tâm văn hoá xuống cấp, sân vận động như cái ao…

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu các đại diện sở, ngành trả lời cụ thể vấn đề cử tri quan tâm.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao đổi các vấn đề cử tri quan tâm. Ảnh: PV

Theo lãnh đạo Sở TN&MT, vùng ảnh hưởng 0 – 500 mét của bãi rác Nam Sơn đã có dự án di dân, đang triển khai thực hiện. Vùng 1.000 mét đã có chính sách hỗ trợ về bảo hiểm y tế, nước sạch… Còn vùng ngoài 1.000 mét thành phố đã giao các sở ngành liên quan tiến hành giám sát, quan trắc, có một số chỉ tiêu bị ảnh hưởng nhưng chưa đủ cơ sở xác định do ảnh hưởng từ bãi rác nên chưa có cơ sở pháp lý để xây dựng chính sách hỗ trợ.

Đại diện lãnh đạo Công an thành phố cũng xác nhận, thời gian qua có tình trạng vi phạm trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt là rơi rác, rỉ nước rác ra đường. Công an thành phố đã chỉ đạo các lực lượng liên quan tăng cường xử phạt. Trường hợp người dân phát hiện gửi cho công an đã bị phạt, gửi thông báo về Urenco.

Đại diện Công an thành phố cũng cho biết, lực lượng chức năng đã làm việc trực tiếp với Cty Môi trường đô thị, yêu cầu không cơi nới xe chở rác, nếu phát hiện vi phạm, tích luỹ cả quá trình sẽ có kiến nghị không cho tham gia đấu thầu chở rác…; thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường đấu tranh, xử lý triệt để các hành vi vi phạm. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu làm quyết liệt hơn nữa, đừng để bà con đã khổ rồi còn khổ thêm.

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, hiện Sở đã tăng cường các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế ảnh hưởng đến người dân. Về giải pháp lâu dài, thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý, hiện đã hoạt động lò đốt số 3, quy mô 800 tấn/ngày. Sắp tới sẽ đưa thêm các lò đốt khác vào hoạt động, toàn bộ 5.500 tấn rác về Nam Sơn mỗi ngày sẽ được đốt, giảm thiểu ảnh hưởng môi trường. Cùng với đó, thành phố đang triển khai dự án đốt rác phát điện ở phía Đông và phía Nam, điều hướng vận chuyển, giảm tải cho Nam Sơn.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân như môi trường, đất đai, bức xúc về giải phóng mặt bằng, nhà ở... có yếu tố vênh giữa thực tiễn và pháp lý, huyện và các sở ngành cần đeo bám, ghi nhận các kiến nghị để xử lý. Các lãnh đạo quận, huyện, sở, ngành phải quyết liệt với các vấn đề thuộc trách nhiệm của mình, làm việc chung phải sốt sắng như làm việc nhà mình.