Có người đồn, quán ấy nấu bằng thịt chuột. Hỏi đến nơi thì cô chủ chỉ tủm tỉm cười không nói. Nghe bảo đã có ban kiểm tra an toàn thực phẩm tới kiểm tra, nhưng lúc họ đến không khi nào thấy quán ấy mở cả. Thoắt ẩn thoắt hiện như cái bóng. Nhưng thịt chuột hay không, thì vẫn ngon không tả được.
Chẳng ai biết cô chủ quán người ở đâu, bao nhiêu tuổi, chồng con thế nào. Có người bảo cô chủ có một người chồng đã chết trong tai nạn. Có người bảo cô chủ là ca sĩ nổi tiếng vì dính dáng tới vụ gì đó nên mới cam phận bỏ quê quán sang đây bán bún.
Có tin đồn còn bảo cô chủ là oan hồn, quán bún là cửa ngõ giữa hai bờ âm dương, ngồi ăn ở đó, có khi gặp được người chết.
Bạn kể những chuyện vỉa hè ấy cho cô chủ nghe, sẽ nhận được một tràng cười dài giòn tan. Đôi mắt lấp lánh, khóe miệng hơi nhếch lên, cô chủ sẽ chối hết những chuyện đó, mà kể cho bạn nghe một chuyện khác, còn khó tin và vô lý hơn mọi tin tức vỉa hè bạn có thể lượm lặt được.
Và trong lúc kể, cô nghiêng đầu nhìn bạn, giọng ỡm ờ như thể đang nói, này tôi đang nói láo cả đấy. Bạn muốn nghe kể chuyện gì cô chủ cũng có thể kể. Có điều, chẳng biết cô nói thật hay nói dối mà thôi. “Như thường lệ đây.” Cô chủ quán nói, đặt tô bún trước mặt bạn.
Ngoài trời đang rả rích mưa. Đã gần sáng. Quán bún khuya chỉ có một người khách duy nhất là bạn. Đêm mùa xuân, vẫn cứ lạnh buốt. Khu chợ ngái ngủ. Bạn đưa thìa lên miệng, thấy vị ấm nóng của nước dùng lan khắp cả người, hơi lạnh của một đêm dầm dề ngoài trời tan dần như rã đông từ trong tủy. Có tiếng radio văng vẳng. Bài hát gì đó vang đến tai bạn. Cô chủ quán huýt sáo theo.
“Bang bang của Cher đấy, đúng không?” Bạn hỏi, cố gắng tạo ấn tượng với cô chủ quán xinh đẹp. Nhưng cô đã cau mày, tỏ vẻ không hiểu. “Thế tên bài hát chẳng phải là tên quán ư?” Bạn ngạc nhiên hỏi.
Cô chủ quán nhún vai, cô chẳng biết bài hát đó đâu. Thế thì cái tên Bang Bang đó là ở đâu ra? “Là tiếng súng đấy.” Cô chủ quán đưa ngón trỏ vào thái dương, miệng cười tủm tỉm. “Thế này này. Bang bang!”. “Làm thế nào mà lại đặt tên quán nghe kì lạ vậy?”
Cô chủ quán nhún vai. Rồi đưa mắt nhìn bạn, ánh mắt nửa nghiêm trang nửa như đang giấu một nụ cười mỉm sắc như dao cạo, cô hỏi bạn, có muốn nghe chuyện kể không?
Bạn gật đầu. Trước giờ bạn vẫn thích nghe cô kể chuyện. Bạn chẳng tin được lời nào cô nói, nhưng chuyện cô kể bao giờ cũng ngồ ngộ. Hơn nữa ngoài trời đang mưa. Bạn lại muốn nói chuyện lâu hơn nữa, và chỉ có một mình chứ, với cô chủ quán xinh đẹp, thì có mất gì đâu.
“Tên quán là vì chồng tôi đấy.” Cô chủ quán vừa nói vừa cầm giẻ lau quấy quá cái bàn trước mặt. “Chồng tôi là một con mèo.” Cô nói thêm, tỉnh bơ.
Chồng cô chủ quán là một con mèo. Một con mèo – mèo mun – thật sự ấy, cô bảo, chẳng phải ẩn dụ gì cả đâu. Một con mèo mun không đẹp lắm, lại quá thật thà, đôi mắt vàng rực đầy nắng, nhưng chẳng có cái vẻ tính toán chi li như lũ mèo đen bình thường đâu.
Chồng cô chủ quán là một con mèo. Cô yêu anh lắm, mà anh cũng yêu cô. Họ vẫn bán hàng như thế này, thật ra đã lâu lắm rồi. Lúc ấy quán của họ dùng thịt chuột thật. Anh ấy hơi lười nhác, thường hay quên bắt chuột mà nằm ườn phơi nắng cả ngày.
Nhưng không phải bản tính anh - chà phải xưng hô thế nào nhỉ - lười biếng đâu. Cô chủ quán nói là cười ngất. Anh ấy dễ dãi, chẳng có tham vọng gì, thế thôi. Đôi lúc lại làm thơ nữa đấy. Bồng bột như chính anh vậy. Cô bảo, lúc nào đó sẽ cho bạn đọc.
Họ sống hạnh phúc như thế, trong một khu lân cận toàn mèo. Khu chợ là đất lành mèo đậu. Người và mèo sống lẫn lộn. Họ cứ sống hạnh phúc như thế. Cho đến ngày chiến tranh nổ ra. “Chiến tranh á?” Bạn kêu lên, tí nữa làm rơi miếng thịt – có lẽ không phải là thịt chuột – xuống đất.
“Ừ, chiến-tranh của lũ mèo đấy.” Cô chủ quán múc thêm vào tô của bạn. Có lẽ là khuyến mãi cho bạn ngồi nghe chuyện. Hoặc cũng có thể là để rửa nồi cho nhanh.
“Chiến tranh của lũ mèo đấy. Chẳng biết vì lý do gì, lũ mèo trong khu đất mèo bắt đầu đánh nhau. Ban đầu thì chửi bới nhau thôi, cứ kêu meo meo eo éo cả đêm.
Sau đó thì gậy gộc, cứ chọi lẫn vào nhau. Nhà tôi chẳng tham chiến, nhưng cũng dính đạn đấy, có con chuột chết hay rác thối cứ rơi vào nồi nước dùng. Phố phường chẳng mấy chốc toàn là rác rưởi”.
Bạn thấy hơi buồn nôn, nhưng tô bún vẫn ngon quá, nước dùng mới thêm vào làm hương vị càng đậm đà bất thường. “Thế tại sao mà chúng nó đánh nhau vậy?” “Ai biết được.” Cô nhún vai. “Chuyện đàn ông mà”. Có lẽ đàn ông khi nào cũng là đàn ông.
Dù y có là một con mèo. “Về sau này, còn dùng cả súng ấy”. “Lũ mèo biết dùng súng cơ à?” “Đừng coi thường đồng loại của chồng tôi chứ?” Cô chủ nheo mắt, bạn vội cúi gằm xuống tô bún, dù chẳng biết cô phật ý thật hay không.
Ừ, lũ mèo biết dùng súng. Chính xác cấu tạo thế nào thì cô không rõ. Chuyện đàn ông mà. Đại tá mèo có đến nhà chồng cô. Nhưng chồng cô cứ chần chừ không muốn đánh nhau. Thì cách nhau có một con sông ấy mà, đã qua lại bao lâu rồi, tự nhiên lại choảng vào đầu nhau, cứ thấy thế nào.
À, mà đại tá mèo là con mèo tam thể to chột mắt hay ngồi ở trước con hẻm phía sau ấy. Bạn gật đầu. Bạn đã từng thấy con mèo già đó nhiều lần. Lần sau phải chào đại tá nghiêm chỉnh. Nhưng từ dạo ấy, cô kể tiếp, quả là nghe Bang Bang cả ngày.
Bang bang trên trời. Bang bang dưới nước. Bang bang trên mặt đất. Tội nghiệp lũ mèo con, có lúc đi qua dẫm phải một trái Bang Bang như thế, rách mướp không còn gì. Cha mẹ chúng vừa chôn chúng nó dưới gốc cây vừa khóc.
Mấy người hàng xóm cũng khóc. Cô lúc ấy có đến viếng, thấy rùng mình vì mình và anh chưa có con, nếu không thấy thế chắc cô cũng khóc ngất mà chết. Chồng cô thức trắng mấy đêm liền. Anh không bắt chuột. Anh không làm thơ. Anh không nói gì với cô. Thế rồi một ngày nọ, anh bỏ đi.
Bạn ngẩng đầu nhìn. Nhưng cô chủ quán đã quay lưng lại sau quầy. Không thể thấy liệu cô có đang cười.
Anh bỏ cô mà đi đấy, anh bỏ cô mà đi. Đi theo đại tá mèo đấy. Chồng cô cũng tham chiến. Cô giữ anh chẳng được rồi. Chồng cô hiền lành là thế, lại đi thả trái Bang Bang. Cuối cùng khi anh trở về được, khi lũ mèo giảng hòa rồi, thì anh không giống như anh nữa.
“Anh ấy bị đập gì đó ở đây này.” Cô chủ quán trỏ ngón tay vào thái dương. Vẫn quay lưng về phía bạn. “Anh ấy cứ nghe tiếng bang bang. Ngày yên ắng đẹp trời vẫn cứ nghe tiếng bang bang. Anh hoảng loạn ngẩng lên trời tìm kẻ thù, nhưng đâu còn nữa. Anh bắt tôi thề là đã hết đánh nhau rồi. Mà anh ấy vẫn cứ nghe tiếng bang bang”.
Chấn thương sọ não đấy. Bạn bình luận. Não mèo dù sao cũng nhỏ hơn não người.
“Mèo nào cơ?” Cô chủ quán kêu lên ngạc nhiên. Thế rồi như lỡ nói hớ, cô bật cười quấy quá, và chan thêm vào tô của bạn đủ thứ nước dùng xương xẩu.
Anh không thể hiểu được. Anh sợ kẻ thù anh không nhìn thấy. Nhưng chẳng có kẻ thù nào hết, cô nói mãi mà anh cũng không hiểu. Chúng ta chỉ vừa cãi nhau. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu kẻ thù ấy đến mà hại cô? Anh sợ điều ấy nhất. Vô hình, ẩn nấp trong bóng đêm, như hồn ma quá khứ lẩn quất ở những góc tăm tối nhất của khu chợ, chuyện gì xảy ra nếu kẻ thù tấn công cô.
Anh không thể hiểu được. Anh nói với cô. Anh chỉ không thể hiểu được. Không nhìn thấy kẻ thù. Mà trong đầu vẫn nghe tiếng bang bang. Biết là thế, mà vẫn không hết sợ được. Cô im lặng không nói gì, chỉ vỗ về anh. Cô nghĩ một ngày anh sẽ ổn lại. Một ngày anh sẽ quên hết. Một ngày tiếng bang bang từ quá khứ sẽ không còn ám ảnh anh nữa. Rồi anh lại tiếp tục làm thơ. Họ sẽ khóa những tiếng bang bang ấy vào trong rương, khóa chặt, chôn dưới gốc cây mai năm nào cũng không nở hoa, rồi liệng chìa xuống sông cho trôi đi mất.
Cho trôi đi mất.
Thế rồi một ngày anh lại rời đi.
“Thế cô không biết y đi đâu à?”
“Ai mà biết được?” Cô chủ cười, có chút mỉa mai. “Anh ấy có thèm nói cho tôi biết đâu”.
Cô nghĩ, anh đi chiến đấu với kẻ thù đã không còn tồn tại nữa.
Nên cô ở đây mà đợi anh thôi. Anh đi bao nhiêu lâu, có gây ra bao nhiêu chuyện ân oán, cô vẫn cứ đợi anh. Chẳng ai xấu tốt. Tất cả chỉ là một sự hiểu lầm đau buồn. Nên cô vẫn cứ đợi anh. Một ngày nào đó anh sẽ trở về, nhận ra mọi việc đã qua, và tất cả sẽ trở thành như cũ.
Vì anh là con mèo của cô. Một con mèo mun không đẹp lắm, lại quá thật thà, đôi mắt vàng rực đầy nắng, và thích làm thơ. Cô không già đi nữa, cứ thế, cũng giống như anh, cô đóng băng lại vào cái năm chiến tranh kết thúc. Anh sẽ không phải là người kẹt lại quá khứ một mình.
Bạn im lặng, cúi đầu vào tô bún. Không phải bạn xúc động vì câu chuyện của cô, mà tiếng mưa rơi dầm dề những ngày lạnh giá này làm lòng buồn quá đấy thôi.
Thế rồi cô cười tươi như hoa, bảo bạn, nãy giờ là nói dối cả đấy.
“Thế ai hỏi quê quán, cô cũng kể những chuyện thế này à?”
Những chuyện như thế này là thế nào? Cô hỏi vặn lại bạn.
“Tại cô biết không, tôi lúc nào cũng cứ ngờ ngợ, đôi khi nói dối cũng không phải là không nói thật đâu”.
Cô bật cười. Hỏi bạn. Ăn một tô bún, mà lại đòi biết chuyện đời người ta sao? Làm gì có cái giá đó? Sao mà kiêu ngạo quá vậy?
Và thế rồi bạn choàng tỉnh.
Bạn choàng tỉnh khỏi cơn mộng mị. Bật dậy như lò xo, bạn làm túi xách trong lòng rơi xuống. Đường còn xa, đi đâu mà vội, cứ ngủ tiếp đi, người lái taxi nó, cái giọng pha pha trèo trẹo của người nhập cư, bạn ngạc nhiên rằng mình còn nghe rõ. Áo vẫn còn ẩm hơi lạnh của cơn mưa. Đã không định gọi taxi, mà lại khuya quá rồi chẳng còn chuyến buýt nào nữa.
Xe đang đi qua một khu phố cũ. Quán hàng nhiều chỗ đã đóng cửa. Bạn thấy bụng đói cồn cào. Chợt thèm một tô bún, bún bò càng tốt. Bạn nhớ thường nghe lời đồn rằng trong khu chợ có một quán mở sau mười hai giờ tối, chủ quán là phụ nữ, có tật hút thuốc, gương mặt dễ nhìn, có giọng cười rất “đã”, như tiếng nước đá gõ lanh canh vào thành ly trong một đêm mùa hè nóng nực. Đã ra ngoài lúc nửa đêm để tìm quán đấy rồi, mà chưa lần nào gặp cả.
Bạn nhìn ra cửa. Xe đã ra khu phố chính. Ánh điện chan hòa của thành phố bao quanh bạn. Nửa yêu thương, nửa chán ghét. Có bao giờ mới thực sự gọi nơi này là quê nhà?
“Muốn về nhà quá.” Bạn thầm thì và nhắm mắt lần nữa.
Người lái xe đáp lại điều gì nhưng bạn không còn nghe thấy. Bạn đã mệt, và đêm đã khuya rồi.
Vậy nên, xin chào bạn, chúc bạn ngủ ngon, và trên những dặm đường, cầu cho những vì sao dõi theo bước chân của bạn.
Truyện ngắn của Nguyễn Dương Quỳnh Anh
Một cái gì như là một giấc mơ. À mà đúng, tác giả hé hộ ra phía cuối truyện? Nhưng cũng đừng nên tin những hé lộ kiểu này: bởi những người viết truyện loại này rất hay giỡn. Họ luôn đưa ra những chi tiết rất thật, kèm theo những điều rất ảo. Tóm lại, họ đưa ta vào một thứ mê lộ của những giả - thật.
Mà có ai dám khẳng định mình sở hữu cái thật? Vâng, và không vâng. Chính khi bạn nói không, bạn có thể đi vào sự thật của cuộc chiến tranh giữa những con mèo. Cao hơn là sự thật của một người chồng mèo.
Nhưng nỗi đau của người đàn bà bán bún – nơi xứ lạ, và nỗi đau chiến tranh, thì theo tôi là rất thật.
Nguyễn Dương Quỳnh Anh sinh năm 1990. Cô là sinh viên khoa Product Design (thiết kế sản phẩm) ở đại học NTU (Nanyang Technological University), Singapore và làm văn chương một cách tự nhiên – như cô định thế.