Những tháng năm được gần bên Người
Tháng 6 vừa qua, tôi gặp ông Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Giám đốc Khu di tích (KDT) Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch ở Hội thảo khoa học “55 năm ngày Bác đi xa, 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị KDT Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch”.
Hôm đó, trong tham luận trình bày tại Hội thảo, ông Đoàn đã chia sẻ một số kỷ niệm về Bác trong quãng thời gian ông là thành viên trong đội cận vệ bảo vệ Người. Ông Đoàn cũng là người được chứng kiến thời khắc Bác đi xa.
Gần đây, tiếp tôi tại nhà riêng, ông Nguyễn Văn Đoàn đã chia sẻ thêm những câu chuyện khi được đi theo để bảo vệ Bác. Năm 1965, ông Đoàn về công tác tại Đội 1, Cục C22 (Cục Cảnh vệ, Bộ Công an), đơn vị có nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Đến nay, dù mấy chục năm đã qua, nhưng những thành viên trong đội của chúng tôi năm xưa không bao giờ quên ngày đầu được về công tác tại nơi Bác ở trong Phủ Chủ tịch. Hôm đó, đồng chí Vũ Kỳ (Chánh Văn phòng Phủ Chủ tịch, thư ký riêng của Bác) và đồng chí Hoàng Hữu Kháng (Cục trưởng C22) đã dành thời gian gặp gỡ, dặn dò chúng tôi nhiều điều.
Các đồng chí nhấn mạnh, nhiệm vụ của chúng tôi rất đặc biệt khi được bảo vệ Bác Hồ. Đây là công việc rất quan trọng, yêu cầu anh em cần có trách nhiệm cao để không xảy ra bất kỳ sai sót nào”, ông Đoàn cho biết.
Sau khi Bác mất, ông Nguyễn Văn Đoàn là một trong những người từng phục vụ Bác xin tình nguyện ở lại cùng với các cán bộ, nhân viên CQ41 (Văn phòng Chủ tịch nước) chuẩn bị nhiệm vụ xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh; còn trước mắt là chăm lo, giữ gìn, bảo quản nguyên trạng KDT Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Đầu năm 1989, ông Nguyễn Văn Đoàn được đề bạt là Giám đốc KDT Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Ông Đoàn kể, nhận công tác tại đây, khi được gần Bác, ông có dịp hiểu hơn nghị lực của Người. Từ năm 1965, sức khỏe của Bác đã có phần yếu hơn. Có lần, khi cầm chiếc cốc, tay Bác bị run và làm rơi cốc xuống sàn nhà. Sau đó, tại hành lang tầng một của nhà sàn, vào khoảng thời gian nhất định, Bác luyện tập ném bóng vào một bồ nhỏ để luyện mắt, luyện tay.
Hằng ngày, những lúc nghỉ ngơi, Bác thường đi bộ trong khu vườn của Phủ Chủ tịch. Ngày ấy, trong vườn có những lối chưa được bằng phẳng, gồ ghề khó đi nên anh em bảo vệ sợ Bác vấp ngã. Khi đó Bác đã nói với những người đi cùng, lối này đi lâu rồi sẽ thành đường, rồi đường sẽ bằng phẳng dần lên.
Hôm diễn ra Hội thảo, khi vào Nhà 67, chúng tôi được tham quan chiếc giường Bác nằm. Cũng tại đây, trên bàn làm việc, có một số sách báo, tài liệu Bác đang đọc dở. Tờ báo và bản tin cuối cùng Bác xem là ngày 24/8/1969. Chiếc đồng hồ đặt trên tủ nhỏ ở cạnh giường Bác nằm dừng lại ở 9 giờ 47 phút, cuốn lịch nhỏ treo tường dừng lại ngày 2/9/1969.
Khi tuổi đã cao, hơn ai hết, Bác Hồ hiểu rõ sức khỏe của mình. Tại nhà sàn, từ ngày 10/5/1965, Người dành một số ngày để tập trung viết tài liệu quan trọng.
Ngày ấy, ông Đoàn và các đồng đội chỉ biết như vậy, mãi sau này, khi Bác đi xa, họ mới hiểu đó là khoảng thời gian Người viết di chúc. Rồi mỗi năm sau đó, cứ vào dịp tháng 5, Bác lại dành thời gian để hiệu chỉnh, bổ sung nội dung Người đã viết. “Những tháng năm này, khi Đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh phá hoại đánh phá miền Bắc, tuy tuổi đã cao, nhưng Bác vẫn ở lại Thủ đô để cùng Trung ương Đảng, Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Bên cạnh đó, Bác cũng yêu cầu lãnh đạo thành phố Hà Nội tổ chức cho người dân đi sơ tán, để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân”, ông Đoàn cho biết.
Đến nay, ông Nguyễn Văn Đoàn vẫn nhớ những ngày được đi theo bảo vệ Bác. Ông kể, ngày 27/4/1969, Bác đi bầu cử Hội đồng nhân dân khu Ba Đình tại nhà thuyền Hồ Tây trên đường Thanh Niên. Hôm đó, Bác đến sớm, nói chuyện thân mật với một số người dân đến đây bầu cử. Rồi Người trực tiếp bỏ phiếu, thực hiện trách nhiệm của công dân.
Lần khác, vào trung tuần tháng 6/1969, Bác tham dự một cuộc mít tinh trọng thể tại Hà Nội để chào mừng sự ra đời của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Khi đó, Bác đang bị mệt khiến các bác sĩ lo lắng. Nhưng sự kiện quan trọng này khiến Người như khỏe ra. Hôm đó, Bác đến dự mít tinh với dáng đi nhanh nhẹn, hình ảnh thường thấy ở Người.
Những ngày trước lúc Người đi xa
Hôm diễn ra Hội thảo nói trên, trước khi khai mạc, mọi người tham dự hội thảo đã vào Nhà 67 trong Phủ Chủ tịch để tưởng nhớ Người. Trước đây, khi Đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, Bộ Chính trị đã quyết định xây dựng phía sau nhà sàn một ngôi nhà kiên cố để đảm bảo an toàn cho Bác.
Ngôi nhà được khởi công ngày 1/5/1967, khánh thành ngày 20/7/1967, nên được gọi là Nhà 67 hoặc DK2. Đây là nơi Bác tổ chức các cuộc họp, gặp gỡ Bộ Chính trị, cũng là nơi Người được chăm sóc sức khỏe trong những năm tháng cuối đời. Sau khi Người đi xa, nơi đây được lập ban thờ Bác.
Đã 55 năm trôi qua, nhưng ông Nguyễn Văn Đoàn luôn nhớ chuyến công tác cuối cùng của Bác vào ngày 12/8/1969. Hôm đó, khi biết tin đoàn cán bộ ngoại giao của ta tham dự Hội nghị Paris về nước, đang ở tại khu vực Hồ Tây nên Bác đến để thăm hỏi, động viên và nghe đoàn báo cáo kết quả đấu tranh trên mặt trận ngoại giao.
Sau chuyến đi đó, 5 ngày sau, từ đêm 17/8/1969, Bác bị mệt, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng. Mặc dù yếu mệt, nhưng Bác vẫn làm việc, luôn quan tâm đến tình hình chiến sự tại miền Nam, cũng như quan tâm đến việc tổ chức lễ Quốc khánh 2/9 sắp tới.
Từ ngày 25/8/1969, khi bệnh của Bác một nặng hơn, Bộ Chính trị quyết định dành Nhà 67 làm nơi chữa bệnh cho Người. Đây tuy là nơi dưỡng bệnh, nhưng trên tường nhà vẫn treo hai tấm bản đồ quân sự để Bác theo dõi tình hình chiến trường miền Nam, chiến sự ở miền Bắc. “Về phần mình, trong những ngày Bác mệt nặng, tôi cũng được phép tham gia túc trực bên giường bệnh để chăm sóc Người”, ông Nguyễn Văn Đoàn cho biết.
Nhưng rồi điều đau thương nhất cũng đã đến. Cuối đêm mùng một rạng ngày 2/9/1969, sức khỏe của Bác trở nên nguy kịch. Khi đó, các lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đã sát cánh cùng các bác sĩ giỏi dốc lòng cấp cứu mong sao Bác tỉnh lại. Nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, vào hồi 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969, tại Nhà 67, Bác đã đi xa.
“Trong giờ phút đau buồn đó, bên cạnh những lãnh đạo cấp cao, các bác sĩ, nhân viên y tế và những người có trách nhiệm khác ở bên Bác, có bốn đồng hương cùng quê Nghệ An với Bác là đồng chí Trần Quốc Hoàn (Bộ trưởng Bộ Công an) và ba đồng chí là Lê Văn Nhương, Ngô Ngọc Châu, Đặng Ngọc Hợi đang công tác tại Phủ Chủ tịch cũng được ở gần bên Người. Đây là lần cuối cùng, tôi cũng được ở bên Người”, ông Nguyễn Văn Đoàn xúc động cho biết.