Theo khảo sát được thực hiện từ ngày 22 đến 24/8, cứ 10 người được hỏi thì có 1 người cho biết họ cảm thấy “rất khó khăn” và 2 người cảm thấy “khá khó khăn” trong việc chi trả chi phí năng lượng trong 3 tháng qua. Các gia đình có trẻ em chịu ảnh hưởng nặng nề hơn.
Khảo sát cho thấy nhiều người đã và đang áp dụng nhiều biện pháp để đối phó với chi phí sinh hoạt tăng cao.
“Từ đầu năm đến nay, mọi người có xu hướng ít ra ngoài giao lưu hơn (54%), thay đổi thói quen mua nhu yếu phẩm sang một lựa chọn khác rẻ hơn (49%) hoặc ít lái xe hơn (48%)”, báo cáo cho biết.
Các biện pháp phổ biến khác bao gồm không bật hệ thống sưởi nếu không thực sự cần thiết (47%) và sử dụng các trang web so sánh giá để tìm nhà cung cấp năng lượng rẻ hơn (43%).
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng 9 trên 10 người đã tắt đèn khi rời khỏi phòng ít nhất 1 lần/tuần, trong khi khoảng 3/4 số người được hỏi tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, 2/3 số người được hỏi hạn chế sử dụng nước nóng ít nhất 1 lần/tuần và 1/2 số người được hỏi hạn chế sử dụng hệ thống sưởi ít nhất 1 lần/tuần.
Trong khi đó vào ngày 26/8, cơ quan quản lý của chính phủ Anh Ofgem thông báo rằng các hộ gia đình ở nước này có thể sẽ ghi nhận giá năng lượng tăng 80% bắt đầu từ tháng 10, khi mức trần giá năng lượng hằng năm tăng từ mức hiện tại là 1.971 bảng Anh lên 3.549 bảng Anh.
Việc tăng giá năng lượng là một trong những yếu tố chính khiến lạm phát ở Anh tăng lên mức cao nhất trong 40 năm.
Theo Giám đốc điều hành Ofgem Jonathan Brearley, mức tăng này sẽ có "tác động lớn" đến các gia đình trên toàn quốc. Và một đợt tăng khác có thể sẽ diễn ra vào tháng 1, phản ánh sự biến động cao của giá năng lượng.
Đầu tháng này, cơ quan quản lý cho biết họ sẽ điều chỉnh giới hạn hằng quý thay vì 6 tháng một lần do áp lực về giá cả.
Ofgem cho biết hiện chưa thể đưa ra dự đoán cho giá năng lượng của tháng 1 vì thị trường quá biến động. Tuy nhiên, Ofgem cảnh báo rằng giá năng lượng có thể “tăng đáng kể” trong năm 2023.
Giá điện ở Liên minh châu Âu (EU) đã tiếp tục tăng cao vào ngày 26/8 trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng và dòng khí đốt từ Nga giảm.
Theo dữ liệu của European Power Exchange, Pháp - Bỉ - Đức là những quốc gia đã ghi nhận mức tăng giá điện cao nhất.
Tại Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu, giá điện tăng từ 599,83 euro mỗi megawatt/giờ (ngày 25/8) lên 699,44 euro vào ngày 26/8.
Tại Pháp, giá điện tăng từ 630.62 euro mỗi megawatt/giờ lên 706.32 euro mỗi megawatt/giờ, gấp khoảng 7 lần so với một năm trước.
Giá cũng tăng đột biến ở Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ và Áo. Mốc cao mới trên thị trường điện đang trở thành hiện tượng xảy ra gần như hằng ngày ở châu Âu.
Hôm 25/8, có thông tin cho rằng các Bộ trưởng của EU có thể tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để giải quyết sự tăng giá điện. Cộng hòa Séc, hiện đang giữ chức chủ tịch EU, được cho là đang xem xét áp đặt giới hạn giá điện toàn khối.