Người anh hùng và những cuộc chiến

TP - Nhìn người đàn ông dáng gầy nhỏ, da xạm đen, bước tập tễnh bên bờ ruộng, khó ai có thể hình dung đó là Anh hùng LLVTND Phạm Văn Lái.
Anh hùng Phạm Văn Lái bên những kỷ vật chiến tranh luôn được ông nâng niu, gìn giữ.

Đánh giặc chẳng ai nghĩ để được anh hùng

Phong thái xuề xòa, giản dị, ông tạo cảm giác thân thiện, dễ gần cho những người mới lần đầu gặp. Qua vài câu chuyện, càng cảm nhận được khí phách của một người không bao giờ chịu khuất phục trước mọi hoàn cảnh. “Đánh giặc chẳng ai nghĩ để được anh hùng, đó là trách nhiệm cao cả của mỗi người dân khi Tổ quốc lâm nguy” - ông Lái mở đầu câu chuyện về cuộc đời binh nghiệp của mình khi cùng khách ngồi bệt bên bờ ruộng.

Tháng 6/1972, chàng thanh niên Phạm Văn Lái rời làng Lý Nguyên, xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) để nhập ngũ bằng lá đơn tình nguyện. Từ đơn vị Công binh Quảng Bình, ông được điều chuyển qua đơn vị liên lạc bộ binh của Sư đoàn 341, thuộc Quân đoàn 4. Từ đây, ông cùng đơn vị bí mật hành quân vào chiến khu D miền Nam, chuẩn bị cho trận đánh Xuân Lộc, “cánh cửa thép” bảo vệ Sài Gòn.

Sau khi thành phố Đà Nẵng bị quân ta tiến đánh và làm chủ, tướng Weyand, Tham mưu trưởng lục quân Mỹ đã trực tiếp đôn đốc quân đội Sài Gòn tổ chức một tuyến phòng thủ mới, kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh, trong đó Xuân Lộc là điểm trọng tâm, nhằm ngăn chặn quân ta tiến theo đường 1 và đường 20 đánh vào Biên Hòa và Sài Gòn. Khi đó, Weyand đã nói với Nguyễn Văn Thiệu và các tướng ngụy là phải giữ cho được Xuân Lộc, “mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”. Chính tại nơi này, lịch sử đã ghi tên ông- Anh hùng LLVTND Phạm Văn Lái.

Ông nhớ lại: Khoảng 5h30 ngày 10/4/1975, pháo địch bắn cấp tập, cả trung đoàn của ông chìm trong biển lửa. Chiến sỹ của ta hi sinh và bị thương nhiều lắm. Tôi cùng đồng chí Đặng Xuân Dần - Đại đội phó và 3 chiến sĩ nữa hình thành một mũi bí mật thọc sau lưng địch. Bị đánh bất ngờ, địch bỏ chạy. Tôi đuổi theo và thọc quá sâu vào chiến hào của địch, trong lúc đó đơn vị được lệnh chuyển hướng tiến công. Chỉ còn một mình với khẩu AK hết đạn. Ngay sau đó, tôi nhặt được một khẩu AR15, băng đạn đầy và hai quả lựu đạn của Mỹ. Đang lúc loay hoay tìm cách sử dụng “chiến lợi phẩm” thì 3 tên địch đi tới, tôi im lặng chờ chúng đến thật gần,  tung lựu đạn và tiêu diệt gọn.

Khi trời tối dần, định tìm về đơn vị, nhưng nghĩ đến nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu, tôi không thể bỏ ra được. Đang củng cố vị trí chiến đấu thì có 3 bóng người xuất hiện, nhận ra đó là du kích, chúng tôi đã hợp lại thành một tổ chiến đấu. Khoảng 5h sáng hôm sau (11/4/1975), một toán địch đi từ dưới hào lên, chúng tôi hiệp đồng diệt gọn. Trên đường truy kích, tôi bị một mảnh đạn M.79 cắm phập vào tay trái. Trở về vị trí cũ để nhờ du kích băng bó vết thương thì cũng vừa lúc đó, có gần chục tên địch lò dò tới gần, tôi dùng quả lựu đạn còn lại phá tan đội hình địch. Đến 11 giờ cùng ngày, đơn vị đến ứng cứu cũng là lúc tôi ngất lịm, được đưa về Trạm cứu thương của Trung đoàn.

Hơn một ngày chiến đấu trong hoàn cảnh một mình một hướng tiến công, độc lập chiến đấu, bị thương vẫn không rời vị trí, Phạm Văn Lái đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu, góp công vào chiến thắng Xuân Lộc, để rồi cùng đồng đội tiến về Sài Gòn trong niềm vui đại thắng. 

Một năm sau, vào ngày 20/10/1976, Phạm Văn Lái được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và tiếp tục sang Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế. Sau khi bị thương nặng ở chân, ông được đưa về tuyến sau và năm 1980 nghỉ theo chế độ bệnh binh với quân hàm đại úy.

Có ai mài danh hiệu để ăn?

Trở lại quê nhà người mang đầy thương tích, ông Lái lấy vợ cũng là TNXP chống Mỹ cứu nước. Làng mạc xác xơ sau chiến tranh, với ba sào ruộng khoán, không thể trang trải cuộc sống, ông mạnh dạn xin chính quyền địa phương lên khai hoang ngọn đồi trọc phía đầu làng. Ngày đó, nhìn tấm thân đầy thương tích của người thương binh hạng 2/4, với 6 mảnh đạn vẫn nằm trong người, suốt ngày đào bới, san lấp ngọn đồi trọc, dân làng ai cũng ái ngại cho ông. Họ không tin ông sẽ thành công trên mảnh đất cằn cỗi này.

8 năm mắc căn bệnh ung thư dạ dày, ông Lái vẫn làm việc bình thường.

Sau nhiều năm đổ công sức khai hoang, phục hóa ông đã có một trang trại 3ha. Chỗ đất cằn ông trồng bạch đàn, nơi đất tốt mùa nào thức nấy, ông trồng các loại cây lương thực, rau màu và cỏ để chăn nuôi bò. Đất không phụ công người, từ thành quả ấy đã góp phần giúp gia đình ông tăng thêm thu nhập, có điều kiện nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Ngoài cậu con trai út vừa tốt nghiệp đại học, 4 người con đầu đều đã có công ăn việc làm ổn định. “Có ai mài danh hiệu anh hùng mà no được đâu. Phải lao động để thoát nghèo. Tôi không bao giờ nhụt chí, quyết phấn đấu đến cùng, phấn đấu đến thành công”- Anh hùng Phạm Văn Lái khẳng định.

Từ thành công của ông, người làng theo học làm trang trại. Ông đã không nề hà giúp truyền đạt kinh nghiệm, cũng như cung cấp giống cho những người đi sau. Ông một lần nữa lại được chính quyền và nhân dân địa phương xem như người hùng đi đầu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. 

Cuộc sống tưởng như vậy là mãn nguyện, nhưng thật không thể ngờ thần chết lại tìm đến giày vò ông. Bà Lê Thị Thuyết, vợ ông chia sẻ: “Năm 2007, sau những cơn đau liên tiếp, tưởng vết thương cũ tái phát, ông vào viện và phát hiện bị ung thư dạ dày. Qua 3 lần phẫu thuật, cắt bỏ 4/5 dạ dày, 7 lần truyền hoá chất, rồi do biến chứng, ông lại phải cắt nốt túi mật. Vậy nhưng, ông vẫn lạc quan. Khi sức khoẻ khá hơn, ông vẫn làm việc bình thường, vẫn đi cày, lên rẫy đỡ đần công việc cho mẹ con tui. Ông nói người sợ chết cũng chết, thôi thì sợ làm chi”.

Lao động đối với ông như thứ thuốc thần diệu giúp ông vượt qua bệnh tật hiểm nghèo. Cứ mỗi lần từ viện trở về, ông không chịu ở nhà dưỡng bệnh mà lên rẫy, lúc vun cái cây, lúc cày thửa ruộng, hay đơn giản chỉ chăn bò... Đã 8 năm kể từ ngày phát hiện căn bệnh ung thư quái ác, ông vẫn can trường vượt qua. Chỉ chiếc quan tài đặt ngay góc nhà, ông Lái cười ngạo nghễ: “Hòm (quan tài) đã chuẩn bị sẵn đó rồi. Mổ cứ mổ, đau thì tui chịu. Sống chết nó có số cả rồi”. 

Nói về Anh hùng LLVTND Phạm Văn Lái, ông Trần Văn Bường, thủ trưởng trực tiếp và nay là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Bình cho rằng: “Tuy mang đầy thương tích, lại mang căn bệnh hiểm nghèo nhưng đồng chí Phạm Văn Lái với tinh thần của anh Bộ đội Cụ Hồ “xưa thắng giặc, nay thắng nghèo” đã cùng gia đình vượt lên hoàn cảnh, phát triển kinh tế gia đình. Bà con và anh em cựu chiến binh ở xã Quảng Châu thường ngợi khen đồng chí Phạm văn Lái, không chỉ anh hùng trong chiến đấu mà anh hùng cả trong chống chọi, chiến thắng bệnh tật và nghèo nàn lạc hậu”.