Hầu hết những nghệ nhân tài hoa người Arap, người Aryan, người Do Thái, người Armenia… khắp các nơi được tuyển chọn về đây, tạo thành những làng nghề thủ công tinh xảo và độc đáo. Ngày nay, thị phần (chiếm tới 65%) hàng thủ công mỹ nghệ (gốm sứ, thêu, dệt thảm, đồ gỗ, đồ da, chạm trổ vàng bạc…) của toàn Iran tập trung tại đây. Isfahan được UNESCO công nhận là thành phố truyền thống thủ công mỹ nghệ.
Hết ngạc nhiên này đến thán phục khác, khi cha con ông Hojat dẫn chúng tôi đi từ vườn và cung điện Chehelsotoun đến quảng trường và khu chợ Naqshe Jahan, trái tim của thành phố. Một quảng trường hình chữ nhật, có hai thánh đường mái vòm đối diện, với hồ nước, bãi cỏ, đường xe ngựa… Rộng chừng chục hecta, xung quanh được bao bởi bốn “bức tường thành” là liên tiếp những gian hàng cao ba tầng thiết kế giống hệt nhau.
Bốn phía có nhiều cửa vào chợ, tạo nên mặt tiền khu thương mại. Phía sau bốn dãy mặt tiền là khu chợ liên hoàn phát triển về nhiều phía với cơ man nào là ngóc ngách, với những mái vòm liên tục, mưa nắng không tới, đủ các chủng loại, từ khu rau quả, thực phẩm, các sạp hoa rực rỡ, khu các loại gia vị, khu thảm các chủng loại, khu vải vóc, quần áo may mặc, giày dép, khu gốm sứ tinh xảo, khu chạm trổ đồ đồng, đồ bạc, vàng, đá quý, khu đồ cổ.
Rồi chúng tôi lạc nhau lúc nào không biết, bởi mỗi người, mỗi nhóm bị hút theo những dòng hàng, những ngách chợ riêng. Các bà các cô mải tìm khăn lụa, quả chà là, ô lưu, nhụy hoa nghệ tây (saffron), một loại đặc sản dùng làm đẹp da phụ nữ và chữa bách bệnh chỉ xứ Ba Tư mới có, mỗi gram giá tới vài trăm USD. Các quý ông, như nhà thơ Mã Lam, doanh nhân Đỗ Anh Tuấn, Nguyễn Văn Tâm, bị hút vào các món đồ cổ, các cây đèn Aladdin đủ loại. Nhóm trẻ Saigontourist chỉ thích các loại bánh kẹo, trái cây Trung Đông thơm ngon và rẻ đến bất ngờ.
Tôi tháp tùng nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán đi vào phía sau khu chợ, để khám phá chiều sâu của văn hóa thương mại. Thật bất ngờ, ngay sau dãy tạp hóa, nhà hàng café, là khu sản xuất tại chỗ. San sát những xưởng nhuộm thảm, công nghệ bí truyền của những tấm thảm Ba Tư nổi tiếng nghìn năm. Biết chúng tôi là người Việt, họ nhường hẳn những chiếc ghế đang ngồi chế tác, tự tay pha trà mới, gắp đường vào ly mời khách. Và kia, phòng chế tác dành riêng cho phụ nữ. Các nàng còn mến khách hơn cả đấng mày râu. Những cô gái khăn trùm đen trễ nải mở ra cả gương mặt đồng trinh, với đôi mắt vời vợi, hun hút, đẹp và quyến rũ hơn cả những thiếu nữ đi dạo ngoài quảng trường. Từng được đi nhiều nước Đông, Tây, tôi đoán chắc rằng, trên thế giới, không đâu trai gái lại đẹp bằng xứ sở Ba Tư này.
Đàn ông ai cũng gợi nhớ Ali Baba, còn phụ nữ, người nào cũng xinh đẹp kiều diễm như nàng Scheherazade. Chỉ nhìn những bàn tay, đã đoán được người. Những bàn tay búp măng trắng muốt nhè nhẹ dùng búa nhỏ và chạm, đục, tạo tác những hoa văn tinh xảo. Nghệ sỹ Nguyễn Đình Toán khi quỳ sát đất, lúc vặn mình, lúc dướn cao, bấm liên tục những thao tác, những góc chân dung mà cả đời không nghĩ rằng lại có những khoảnh khắc quí giá này. Tôi định chạy xuống gọi thêm mấy tay máy nghiệp dư trong đoàn, nhưng Toán khua tay ngăn lại. Chợt nhớ câu chuyện về nhiếp ảnh gia Võ An Ninh. Có lần ông phục hàng tuần lễ để chụp một dáng cây làm tiền cảnh Tháp Rùa, Hồ Gươm lúc rạng đông. Chụp xong bức ảnh ưng ý nhất của mình, ông sai người cưa cái nhành cây mà ông đã chụp để không ai có được bức ảnh Tháp Rùa như của ông nữa… Tôi hiểu ý Nguyễn ĐìnhToán. Ông đã có những bức ảnh thiếu nữ Iran đang chạm khắc mỹ nghệ ở Isfahan độc nhất vô nhị...
Rồi buổi sáng ngày 5/11 cũng đến. Trời trong và se lạnh. Nhiệt độ ngoài trời 12 độ C, rất hợp với một nghi lễ trọng đại. Trưởng đoàn Nguyễn Đăng Hưng vận sắc phục truyền thống, khăn đóng, áo gấm màu vàng ngà. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Tâm quốc phục nhiễu tam giang. Những đàn ông khác đều vận comple như các chú rể trước lễ rước dâu.
Rồi tám nàng tiên Việt trong bộ áo dài truyền thống đủ màu sắc đột ngột xuất hiện cùng tám chiếc nón lá xứ Huế mộng mơ, khiến mấy cô gái khăn trùm đen ở phòng lễ tân mắt đã to đen càng mở lớn hơn nữa. Và các chàng trai râu rậm bản xứ thì như bị hút hồn. Ba nàng tên Phương: Hiền Phương, Nhữ Phương, Mai Phương chênh lệch nhau đến bốn mươi tuổi mà nhìn từa tựa chị em. Tiến sĩ lịch sử Nguyễn Thị Hậu lung linh trong tà áo xanh đi cạnh dịch giả Hiếu Tân, tưởng như vị hôn thê. Rồi đôi bạn Thu Hà, Bích Thủy dìu dặt như Thúy Vân, Thúy Kiều. Riêng cặp đôi Đỗ Anh Tuấn và Phạm Thu Thủy vừa như qua đêm tân hôn, cứ dính như sam trên từng cung bậc…
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán mọi ngày tuềnh toàng như bác xe ôm, sáng nay cũng xúng xính một bộ vét ca-rô màu cháo lòng, nhưng chiếc túi đen nặng trĩu lỉnh kỉnh đồ nghề vẫn không thể khiến đôi vai ông cân được. Không thể bỏ lỡ những khoảnh khắc lịch sử, nhà nhiếp ảnh bấm hai máy liên tiếp như bắn liên thanh. Kia rồi, ba cặp tình nhân đích thực: Cặp doanh nhân Đỗ Anh Tuấn và Phạm Thu Thủy, cặp Việt kiều Nguyễn Văn Tâm và Hồ Nguyệt Thu, rồi nàng Hiền Phương với gã nhà văn hay cãi... Cưới tập thể cũng không thể vui hơn thế này…(Còn nữa)
Những người thợ Iran đón tiếp chúng tôi quá ân tình, chỉ cho công nghệ in hoa văn và nhuộm màu với đủ các khuôn mẫu, các quy trình công nghệ. Và trên tầng hai của khu in nhuộm, là khu chạm khắc các đồ mỹ nghệ vàng, bạc, hợp kim.