Ngược cung đường ma túy Tây Bắc - Kỳ II

TP - Ở nơi cách đây chưa lâu từng được coi là một trong ba điểm nóng về ma túy nhức nhối nhất cả nước, cơ quan chức năng  có những thời điểm tỏ ra  bất lực, vậy mà xảy ra chuyện “lạ”: Các ông già ở tuổi gần đất xa trời tuyên chiến và đã đẩy lùi được “cái chết trắng”…

Cách đây ít năm Thôm Mòn (bản Thôm), huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La được ví như một “ốc đảo” mà ở đó người lạ xuất hiện có thể bị “hỏi thăm” bằng dao, gạch đá hay “hàng nóng” . Vì vậy, mặc dù Thôm Mòn chỉ cách đường quốc lộ  mấy trăm mét nhưng ít người liều mạng bén mảng vào. 

Hồi đó, ngay cả công an muốn vào Thôm Mòn bắt tội phạm cũng phải đi tiền trạm nhiều lần, thậm chí huy động cả đơn vị với chó nghiệp vụ mà có khi máu vẫn đổ.

Hàng ngày, theo con đường  từ nước bạn qua Xuân Tre (Tuần Giáo) sang Cò Mạ rồi tập kết ở Thôm Mòn để từ “tổng kho ma túy” này, “hàng trắng” được phân phối đi khắp nơi. Có lúc “phong trào” buôn ma túy ở đây rầm rộ đến mức nhiều gia đình bỏ hết ruộng nương để chạy theo siêu lợi nhuận của “cái chết trắng”. 

Cả xã có 216 tụ điểm với hàng trăm người tham gia vào các đường dây buôn bán ma túy, 161 người đang thụ án, 4 án tử hình, 8 án chung thân. Thời kỳ cao điểm, Thôm Mòn rất nhiều người nghiện hút hoặc vừa mãn hạn tù. Có những  gia đình hầu hết các thành viên đều đang ở tù hoặc đã bị tử hình. Thôm Mòn “nóng” đến mức không ai muốn làm cán bộ xã.

Đội tuần tra U80

Chúng tôi đến bản Thôm vào một buổi chiều mưa, những mái nhà sàn ẩn hiện trong làn mưa mỏng mảnh gợi nét thanh bình như thể nơi đây chưa bao giờ là điểm nóng ma tuý. Vừa bước vào bản, đập vào mắt là tấm bảng “Đội tự quản cụm bản Thôm: Cấm người nghiện mang ma tuý vào bản” viết trên bức tường ngôi nhà bê tông cao tầng trông khá lạ lẫm. Đó là nhà của Bí thư chi bộ bản Thôm Quàng Văn Khôn.

Một người đàn ông đeo băng đỏ ở tay chào chúng tôi và đề nghị được kiểm tra xem có mang “hàng trắng” vào bản không. Sau khi biết chúng tôi là đoàn nhà báo, người đàn ông  tự giới thiệu: “Tôi là  Lò Văn E, thành viên của tổ tự quản, mời các anh vào”.

Trước hiên nhà, 12 ông già đang ngồi uống nước chè và rít thuốc lào. Đằng sau cái không khí có vẻ nhàn tản, vô sự đó là sự  tập trung cao độ của những người đang làm nhiệm vụ ngăn chặn “cái chết trắng” vào bản Thôm. Nhiệm vụ ấy dĩ nhiên rất nặng nề, nguy hiểm nhưng chẳng hiểu sao kíp tuần tra lại toàn các ông già?

Ông Quàng Văn Khôn – Bí thư chi bộ bản Thôm kể cho chúng tôi nghe nguồn cơn câu chuyện: “Năm 2005 tệ nạn ma túy tác oai tác quái, 32 con nghiện nặng trở thành nỗi nhức nhối của cả bản. Chúng thường xuyên gây ra các vụ trộm cắp, cướp giật để hút hít. Tình hình an ninh tồi tệ đến mức không kiểm soát nổi. Hôm nay nhà nọ mất mấy con gà, hôm khác nhà kia mất chiếc ti vi. Người dân và cả chính quyền cũng bó tay.

Lúc ấy, các cụ già mới họp lại với nhau bàn cách “đánh” tệ nạn ma túy. Ngày 25/3/2007, ban chỉ đạo gồm 10 người được thành lập để soạn thảo quy ước chống ma túy. Ngày 26/3 quy ước được thông qua và một loạt các biện pháp được đề ra. Trong đó có việc phải lập ngay các  “Tổ tự quản phòng chống ma túy”.

Nụ cười đã trở lại với trẻ em bản Thôm.

Giọng ông Quàng Văn Khôn trở nên trĩu nặng. Ông nếm trải đến tận cùng  nỗi đau do ma túy gây ra khi con trai, con gái của ông đều đã từng ngồi tù vì buôn hàng trắng, con rể phải chịu án tử hình. Có lẽ vì thế mà ông già này quyết định nhường cả tầng một của nhà mình để cho tổ tự quản làm nơi canh gác. Ngôi nhà nhiều người cho là được xây bằng tiền buôn ma tuý của các con ông giờ đây trở thành chốt chặn chống ma túy!

Chẳng ai ngờ tổ tự quản trong đó có nhiều người U80 ấy lại làm việc hăng hái, hiệu quả đến vậy. Sau khi bản quy ước được tất cả các gia đình trong bản ký vào cam kết không buôn bán, tàng trữ “hàng trắng”, các ông già U80 bắt đầu tuyên chiến với ma túy. 

Họ đã phát hiện nhiều gia đình tham gia buôn bán ma túy để  báo cho công an, khuyên nhủ không ít thanh niên đoạn tuyệt với “cái chết trắng”. Hàng ngày những ông già đến tuổi nghỉ ngơi ấy lại căng mắt, rảo chân canh phòng 24/24 giờ  quanh bản Thôm. Những vụ bắt ma tuý vào ra bản Thôm đều được ghi lại trong cuốn sổ trực ban của tổ tự quản. Cuốn sổ đó ngày càng dày thêm…

Tôi cầm cuốn sổ hơi nhàu nát, những nét chữ  nguệch ngoạc, sai nhiều lỗi chính tả, nhưng ghi chép lại nhiều vụ việc thời sự  nổi cộm của  bản Thôm: “Ngày 30/3/07 bắt được xe máy không rõ giấy tờ, nghi là tài sản ăn cắp”; “Ngày 31/3 đuổi 6 thanh niên nghiện hút lạ mặt vào bản tiêm chích… Sáng 9/4, bắt quả tang Lò Văn Sen mang 5 tép heroin vào bản”.

Ông Lò Văn Bun – Tổ trưởng Tổ tự quản phòng chống ma tuý cho hay, tất cả các thành viên đều tình nguyện làm việc mà không có bất cứ một hình thức trả công nào. Công xá đối với họ chính là niềm vui khi tệ nạn ma túy ngày càng  giảm ở nơi từng khét tiếng về buôn bán và nghiện heroin.

“Đốt” hơn 1 tỷ đồng/ngày

Đại tá Lê Minh Tiến, Phó Giám đốc Công an tỉnh Sơn La tâm sự: “Việc Thôm Mòm – một trong ba điểm nóng nhất về ma túy trên toàn quốc “giảm nhiệt” là kết quả của nhiều biện pháp như triệt phá nguồn cung, giảm nguồn cầu ma túy của Cục C17 (Bộ Công an), Công an tỉnh Sơn La và các đoàn thể như Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ. Tệ nạn ma túy ở Thôm Mòm không còn nhức nhối nhưng cần phải hết sức cảnh giác vì “cơn lốc” có thể quay lại bất cứ lúc nào”.

“Cơn lốc ma túy” tạm lắng ở Thôm Mòm lại bùng lên dữ dội ở địa bàn khác như Lóng Luông, Lóng Sập, Xuân Nha… Có người bi quan đã than rằng: “Đánh ma túy ở Sơn La như đấm vào bị bông, “Đấm được bên nọ, nó phồng bên kia”.

Bức tranh về ma túy của toàn tỉnh Sơn La khá u ám. Dân số toàn tỉnh khoảng 1 triệu người thì có tới 16.592 người nghiện ma túy, đứng đầu cả nước về tỷ lệ người nghiện trên tổng dân số. Chỉ tính riêng số tiền những con nghiện mua ma túy để sử dụng, mỗi năm Sơn La mất đi ngót nghét 500 tỷ đồng, lớn hơn tiền thu ngân sách toàn tỉnh. Và mỗi ngày, các nghĩa trang ở Sơn La lại xuất hiện thêm những vành hoa trắng của nhiều con nghiện  chết trẻ.

Từ “rốn lũ” ma túy Sơn La, chúng tôi ngược lên cung đường Tây Bắc tìm về điểm tận cùng ở biên giới, nơi “hàng trắng” vẫn thường đổ vào Việt Nam… 

Kỳ III: Cuộc chiến trên “con đường vàng”