Ngộp thở lò mổ trái phép

TP - Thời gian gần đây tại tổ 10, khu 4, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long (Quảng Ninh) có nhiều lò mổ trái phép cùng hoạt động khiến môi trường khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng do chất thải từ các lò mổ thải ra. Ao sen thành hồ nước thải
Một lò mổ bị tháo dỡ. Ảnh: Thành Duy
Một lò mổ bị tháo dỡ. Ảnh: Thành Duy.

Theo phản ánh của người dân, các lò mổ trái phép hình thành từ tháng 8-2009. Khi đó, nơi đây có ba cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, nhưng đến nay lại xuất hiện thêm vài lò nữa. Những lò mổ trái phép, tạm bợ, chất thải không qua xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường. Nước, chất thải động vật đã biến một ao trồng sen rộng hàng trăm mét vuông thành ao nước thải, bốc mùi xú uế. Mỗi ngày các cơ sở này giết mổ hàng trăm gia súc, biến khu vực này thành nơi cung cấp thực phẩm sống cho không chỉ khu vực Bãi Cháy, Cái Dăm mà cả Hòn Gai, TP Hạ Long.

Những ngày thời tiết nắng, người dân trong khu vực ngạt thở vì mùi xú uế nồng nặc. Ô nhiễm không khí là điều không cần phải bàn cãi, nhưng lo nhất là ô nhiễm nguồn nước, vì nhiều hộ dân vẫn dùng nước giếng để sinh hoạt…

Người dân đã nhiều lần phản ánh tới chính quyền, nhưng sau khi bị lực lượng chức năng tháo dỡ, xử phạt hành chính, các hộ kinh doanh giết mổ lại tái diễn… Trước Tết Nguyên đán, UBND phường Giếng Đáy và các lực lượng liên ngành lại ra quân dẹp các lò mổ, nhưng sau đấy, nhiều lò vẫn lén lút hoạt động.

Theo quan sát của PV, thời gian gần đây tại khu vực này các lò mổ đã không hoạt động công khai như trước, ban ngày nhiều lò đóng cửa im ỉm, nhưng người dân phản ánh, các lò mổ lại tập trung giết mổ vào ban đêm.

Có cầu thì có cung

Ông Trương Kim Luân, Phó Chủ tịch UBND phường Giếng Đáy cho biết, sau khi bị xử phạt, cưỡng chế, các chủ lò mổ không xây kiên cố nữa, mà chỉ dựng chuồng nuôi, nhốt thô sơ và tiếp tục hoạt động lén lút... Ông Luân cho rằng, vì trên địa bàn chưa có một cơ sở giết mổ tập trung nên rất khó quản lý.

Một cán bộ của TP Hạ Long nhận định: “Sở dĩ có chuyện cứ dẹp lại tái diễn, là vì nhu cầu thiết yếu về thực phẩm của người dân trên địa bàn, cũng như vấn đề mưu sinh của một số hộ giết mổ gia súc, là những đòi hỏi khách quan của cuộc sống. Nếu có khu giết mổ tập trung thì cưỡng chế họ vào đó, nhưng không có thì bảo họ đi đâu. Nếu họ đi vào khu đông dân cư hoạt động còn gây ô nhiễm hơn” – vị cán bộ này nhận xét.

Xem ra chuyện giết mổ gia súc, gia cầm ở khu vực này nói riêng, và rộng hơn, ở địa bàn TP Hạ Long, nơi được coi là trọng điểm du lịch của cả nước, vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.