Ngổn ngang Viện dưỡng lão nghệ sĩ

TP - Ghé Viện dưỡng lão nghệ sĩ TPHCM sau gần chục năm, tôi cảm giác như bước vào một bảo tàng của ký ức. Giữa thành phố đổi khác từng ngày thì viện dưỡng lão dành cho các nghệ sĩ danh tiếng của TPHCM vẫn hiu hắt với một cái bàn thờ chung đặt ở lối vào. Hỏi thăm những nghệ sĩ lão thành đã gặp năm xưa, phần nhiều đã ra đi, còn lại thì nhớ nhớ, quên quên. Giấc mơ về một Viện dưỡng lão nghệ sĩ khang trang vẫn còn dang dở. 
Nhiều gạo được gửi tới tặng các lão nghệ sĩẢnh: Trần Nguyên Anh 

Chốn cũ vẫn còn…

Chiều cuối tuần, những sinh viên của Trường ĐH Tôn Đức Thắng tới dọn dẹp, quét lá cỏ, giúp Viện dưỡng lão sáng sủa và sinh động hơn. Đất đai của viện rất rộng, nhà cửa mới chỉ xây một phần nhỏ, gồm tòa nhà hai tầng cũ kỹ, gần cổng có thêm một cái “nhà hát” nhỏ xíu, nơi các nghệ sĩ ôn lại thời hào quang của mình trong những buổi diễn đặc biệt kỷ niệm nghề nghiệp của họ. Nơi ấy đặt bàn thờ các nghệ sĩ quá cố.

Nhìn đám cỏ dại xanh um trong vườn, tôi chợt nhớ gần chục năm trước, có người bảo: “Theo dự tính, chỗ này sẽ xây lên tòa nhà khang trang để các nghệ sĩ dưỡng già và đón thêm nhiều nghệ sĩ ở các lĩnh vực khác ngoài nghề sân khấu đến cùng sống những năm tháng cuối đời”. Đất đai sẵn có, dự án cũng có, nhưng chục năm trôi qua khúc vườn ấy vẫn chỉ cỏ dại xanh um.

Câu chuyện về số phận của Viện dưỡng lão nghệ sĩ cả thập kỷ qua vẫn là câu chuyện về “cơ chế”, về “tình nghệ sĩ”. 

Hồi đầu năm nay, trong cuộc gặp gỡ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với văn nghệ sĩ TPHCM, NSND Kim Cương rơm rớm nước mắt: “Chúng tôi có nhiều nhà tài trợ, hảo tâm, sẵn sàng bỏ hàng trăm tỷ đồng để sửa chữa, xây mới Viện dưỡng lão nghệ sĩ mà không có bất cứ yêu cầu gì hết, nhưng không được chấp thuận, do vướng vào giấy tờ đất đai”. Số là Viện dưỡng lão thuộc Ban Ái hữu nghệ sĩ, nhưng lại xây dựng trên đất mượn của Viện điều dưỡng quận 8, TPHCM, nên Viện dưỡng lão nghệ sĩ không xin phép xây dựng được, do không có sổ đỏ chủ quyền.

Sáng mùa mưa, lá cây rụng nhiều. Các bạn sinh viên dọn dẹp cả giờ đồng hồ chưa xong. Thúy Hằng, sinh viên khoa Quản trị kinh doanh trường ĐH Tôn Đức Thắng nói với phóng viên: “Thấy các cụ khỏe, mừng. Giao lưu với các cụ, các cụ lạc quan, có người nhớ con cháu, nhưng vẫn muốn ở đây với bạn bè đồng nghiệp”.

Sinh viên tình nguyện đến dọn dẹp Viện dưỡng lão nghệ sĩ

Lá rụng về cội

Người phụ trách trông nom Viện dưỡng lão nghệ sĩ là nhà biên kịch Đức Hiền, phóng viên đã gặp gần chục năm trước. Anh nói: “Tôi làm việc ở đây 12 năm rồi, không lương, ngày mồng Một Tết cũng làm việc ở đây luôn”.

Ngậm ngùi ôn lại những năm tháng đã qua, anh Hiền nói: “Hồi trước có hơn hai mươi lão nghệ sĩ, giờ chỉ còn lại mười hai người thôi. Nếu tính từ thời thành lập viện đến giờ, đã có 40 lão nghệ sĩ qua đời trên mảnh đất này. Chúng tôi lo mọi việc tang lễ, hài cốt hỏa táng, gửi vào chùa”.

Theo lệ, những người khỏe sống ở tầng trên, người yếu sống tầng dưới. Mỗi cụ có một phòng riêng. Chị Nga, người 6 năm phục vụ các cụ, lương tượng trưng mỗi tháng một triệu đồng, bùi ngùi: “Bố tôi cũng là nghệ sĩ nên tôi được nhận vào làm để chăm sóc các cụ. Mọi người thương tôi như con. Ai nghĩ nơi đây buồn là sai, các cụ lúc nào cũng vui vẻ động viên lớp trẻ như tôi”.

Trước năm 1975, ở miền Nam không có các đoàn nghệ thuật của nhà nước, tất cả đều đoàn tư nhân. Nghệ sĩ sống bằng tiền lưu diễn, các ông bầu sô tổ chức các đoàn cũng lên bổng xuống trầm, không lo hết được cho anh em. Sau năm 1975, nghệ thuật được tổ chức theo mô hình nhà nước, rất nhiều nghệ sĩ không tìm được chỗ làm. Viện dưỡng lão nghệ sĩ được thành lập để phụng dưỡng những nghệ sĩ tiếng tăm có đóng góp cho ngành sân khấu mà neo đơn, khó khăn. Có lẽ đây cũng là viện dưỡng lão dành cho nghệ sĩ duy nhất trên thế giới.

Cô Lê Xuân, tóc bạc da mồi, bảo: “Tôi diễn cải lương 30 năm, sống một mình, chẳng có ai nương tựa. Tôi vào viện này sống cùng mọi người, thấy vui và tự hào vì mọi người không quên những nghệ sĩ như chúng tôi”.

Người lớn tuổi nhất viện là một nghệ sĩ 93 tuổi. Tuổi già, quên lẫn. Có người tới hỏi một lão nghệ sĩ: “Bác đi diễn từ bao giờ?”. Cụ ngẫm nghĩ rồi đáp: “Tôi đi diễn được 200 năm rồi bác ạ!”. Câu chuyện có thật ấy để nói rằng, một nghệ sĩ neo đơn, ở độ tuổi xưa nay hiếm, nếu không có những viện dưỡng lão thì chẳng biết sẽ ra sao.

Tình thương mến thương

Anh Đức Hiền bảo tôi: “So với hồi nhà báo ghé thăm, lúc ấy có những ngày thiếu gạo, giờ gạo thừa rồi, không phải lo”.

Thành phố từng muốn đưa Viện dưỡng lão Nghệ sĩ từ Ban Ái hữu nghệ sĩ là về Sở Lao động thương binh xã hội để quản lý, qua đó có chế độ chu cấp và kinh phí cho viện, nhưng khi hỏi ý kiến thì phần nhiều các nghệ sĩ từ chối. Họ không muốn xa tổ chức nghề nghiệp và không muốn viện của mình giống như các trung tâm dưỡng lão thông thường.

Anh Đức Hiền nói: “Viện không được bao cấp, nhưng tiền ăn uống chăm lo cho các cụ vẫn được các sở ban ngành hỗ trợ và các mạnh thường quân chu cấp nên chế độ của các cụ ở đây khá tốt”. Anh Hiền cũng bảo: “Lúc nào hết tiền, hết gạo, chúng tôi lại kêu gọi sự hỗ trợ”.

Nhà biên kịch Đức Hiền trầm tư: “Thành phố và Hội Ái hữu nghệ sĩ đã có các phương án để phát triển Viện dưỡng lão độc đáo này, nhưng chỉ mới là phương án thôi, nên chưa thể công bố được. Hơn nữa, cũng còn phải có ý kiến của các nghệ sĩ”.

Hiện thời, vẫn là hai luồng ý kiến trái ngược nhau về số phận Viện dưỡng lão nghệ sĩ. Các nhà quản lý, nhiều nghệ sĩ cho rằng nên đưa Viện dưỡng lão nghệ sĩ vào hệ thống các nhà dưỡng lão của TPHCM, qua đó hợp pháp hóa được giấy tờ đất đai, cấp phép xây dựng, làm thay đổi bộ mặt của viện. Nhưng nhiều ý kiến lại mong muốn Viện dưỡng lão nghệ sĩ vốn là sản phẩm của hội nghề nghiệp, có đặc điểm riêng, thậm chí ngay cả người quản lý, phục vụ ở nơi này cũng đều là các nghệ sĩ, con em nghệ sĩ. Vậy cứ để cho viện được tồn tại với mô hình xã hội hóa, không nên “hành chính hóa”. Việc sửa chữa xây dựng, nên có cơ chế đặc thù để phù hợp với Viện dưỡng lão nghệ sĩ duy nhất trên thế giới này!

Tâm sự với phóng viên, các lão nghệ sĩ đều bảo: “Cả cuộc đời chúng tôi cống hiến cho nghệ thuật, chẳng màng gì tiền bạc tài sản, giờ cũng vẫn vậy thôi. Chúng tôi chẳng bao giờ ôn nghèo kể khổ, chúng tôi chỉ buồn khi nghệ thuật bị mai một và người nghệ sĩ bị lãng quên thôi”.