Ngồi với nhà văn Tô Hoài sau bữa Xứ Đoài thành Hà Nội

TP- Chợt một hồi mấy ông con lặng lẽ cứ như thể đang làm thủ tục khép lại lịch sử cho một tỉnh Hà Tây Xứ Đoài...

Thời khắc mười bảy giờ ba phút ngày 29/5/2008, với động thái đồng loạt khắc xuất (ấn nút) 458 đại biểu dự kỳ họp thứ ba Quốc hội khoá XII với tỷ lệ 92,9% đã đồng ý để tỉnh Hà Tây cùng 4 xã huyện Lương Sơn (Hòa Bình) cùng toàn bộ huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) khắc nhập vào Thủ đô Hà Nội.

Và cũng từ thời điểm ấy, Hà Nội mới sẽ có diện tích 3.324,92 km2, dân số gần 6 triệu người, có 29 đơn vị hành chính quận, huyện, 575 đơn vị xã, phường, thị trấn. Phía Đông Hà Nội “mới” sẽ giáp tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên. Phía Tây giáp Hòa Bình và Phú Thọ, phía Nam giáp Hà Nam, phía Bắc giáp Thái Nguyên, Vĩnh Phúc....

Rời nhà họp tạm của Quốc hội tại Hội trường Bộ quốc phòng ở đường Nguyễn Tri Phương, trong cái hầm hập của chiều Hà Nội cữ nóng nhất từ đầu hạ, tôi men xe theo anh bạn đồng nghiệp nhập vào dòng người xe đặc sít dẫn ra ngoại ô ghé nhà cụ tiên chỉ Tô Hoài. Để làm chi vậy? Tôi cũng chả biết nữa...

Dưng mà hình như đã thành lệ, anh bạn viết cao niên này từng hé ra rằng, mỗi bận hễ trong người có chi đó chống chếnh chênh vênh thì anh lại tìm đến cụ tiên chỉ làng văn bút Việt. Kêu bằng tiên chỉ, có lẽ cũng phải nhẽ?

Cơ nghiệp mới ít hột chữ như anh bạn viết tôi đây mà ngước lên một bóng rợp đại thụ đã từng để lại hơn 170 đầu sách suốt hơn một hoa giáp ấy thì quả là hãi quá! Ấy thế mà cụ vẫn không dứt, vẫn chưa thèm tuyệt bút!

Bện chắc một thân hình đậm vừa phải của tuổi 88 mà trời thương chỉ vướng phải chút tiểu đường. Mỗi bửng tưng như thế cụ đã ngồi vào bàn viết.

Như có chi đó bị quấy phiền và miễn cưỡng, cụ buông bút ngẩng lên với cái cười mủm mỉm hom hóm cố hữu mà kéo ghế ngồi với đám khách không mời... Trong lúc cụ hướng cái nhìn lặng lẽ về phía anh bạn đang hào hển thông báo nhanh tỷ lệ lẫn kết quả cuộc mở rộng Thủ đô mới quyết ở Quốc hội vừa nãy, tôi bật ra liền kề hai cái nghĩ đột suất.

Thứ nhất là tính bạn mình, bất kể tình huống nào cũng đều hồn nhiên như thế. Bữa Quốc hội lui việc biểu quyết việc mở rộng thủ đô lại một tuần, thời gian một tuần ấy, chả gặp thì thôi dưng gặp lại rên lên điệp khúc những là chả thể đùng cái xứ Đoài thành Hà Nội được rằng quan trí lẫn quốc hội trí thời nay là khác và đổi mới lắm lắm!

Ấy là anh bạn căn cứ và nghiêng hẳn vào không khí tranh biện sôi nổi và có phần gay gắt nữa trên hội trường cộng cả tỷ lệ (qua thăm dò) mấy chục phiếu trống và hơn hai trăm phiếu chưa thuận việc sát nhập với mở rộng!

Anh bạn đâu biết thiên hạ khi đó đã nghiêng hẳn đã đoán định kết cục về cái phần đang còn tranh biện lẫn những ý kiến khác nhau là lẽ thường ấy…

Chất giọng hào hển kia có thể đang thể hiện một độ sốc nào đó? Thứ hai, cũng chỉ là đoán định thôi. Thiên hạ đã dẫn chán vạn câu nói của đức Khổng Khâu tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh...

Dưng hầu như không mấy người dẫn tiếp dẫn ra cho hết lục thập nhi nhĩ - thuận, thất thập nhi tùng - tâm sở - dục bất du - củ. Ngoài tuổi tam thập nhi - lập con người ta đến 40 tuổi mới có trình độ tứ thập nhi bất hoặc có thể hiểu được lý lẽ trong thiên hạ, phân biệt được điều phải điều trái, ai tốt ai xấu, và ít khi sai lầm.

Đến 50 tuổi mới có trình độ ngũ thập nhi tri thiên mệnh tức là có thể hiểu được mệnh trời hay chân lý của tạo hóa; đến 60 tuổi mới có trình độ lục thập nhi nhĩ thuận tức là có học vấn, kinh nghiệm khá chín trường đời, sự hiểu biết và việc làm mới chu đáo, không thấy những gì nghe được là khó hiểu hay chướng, và có thể phán đoán được mọi việc.

Và đến năm 70 tuổi mới có trình độ thất thập nhi tùng - tâm sở - dục bất du - củ. Khi bảy mươi tuổi, con người đạt đến tình trạng hoàn hảo về cách xử sự và xử thế. Nhờ đó mà mỗi khi người ta định nói điều gì hay làm việc gì thì tự nhiên thể hiện đúng với chủ tâm của lòng mình, muốn sao được vậy, không bao giờ vượt ra khỏi khuôn khổ của đạo lý hay lẽ thường.

Đây là độ chín mà là chín nẫu của con người ở vào tuổi từ 70 trở lên nếu trước đó họ được giáo dục đúng cách, tự tìm tòi học hỏi, có kiến văn quảng bác, có tu tâm dưỡng tánh, đã từng trải cũng như rút được ưu khuyết điểm trong các kinh nghiệm về nỗi ê chề đớn đau của cuộc đời.

Cái vẻ lặng lẽ kia của cụ tiên chỉ Tô Hoài ở độ cửu tuần, hình như là thứ ngôn ngữ là cung cách trả lời là một dạng một thứ bất du củ? Sự chộn rộn huyên náo của chiều muộn phố phường Nghĩa Tân ngoài kia dường như khó lọt vào căn thư phòng mà mấy ông con đang ngồi lúc thì lặng phắc lúc rộn lên câu chuyện thế sự...

Căn thư phòng mà thuở cụ viết Dế mèn phiêu lưu ký hẵng còn là một vệt mờ xanh của đồng ruộng của sương khói ngoại ô Cầu Giấy khi đứng trông ra từ mạn làng Nghĩa Đô.

Tốc độ đô thị hoá ai buồn ai rủa hay kêu than chi thì thì cứ việc nhưng mà cứ lù lù cứ nhỡn tiền cứ âm ỉ thương hải tang điền ruộng dâu thành bể, bể thành làng thành phố! Tô Hoài là nhớ con sông Tô.

Con sông Tô đùng cái biến mất tự khi nào bây chừ chỉ còn vài đoạn mương nông choèn võng vãnh nước thải hôi rình nhưng nhớ cứ là phải nhớ?! Ngồi một chặp mới sực mới chột dạ song thân cụ tiên chỉ, người cha gốc ở Thanh Oai Xứ Đoài, mẹ thì mạn Phủ Hoài Đức. Hoài Đức dai dẳng mãi với Xứ Đoài cho mãi đến thời Minh Mạng mới sát nhập vào Hà Nội.

Chợt một hồi mấy ông con lặng lẽ cứ như thể đang làm thủ tục mặc niệm cho sự khai tử của một tỉnh Hà Tây Xứ Đoài. Nhưng rồi câu chuyện trong chiều oi nồng cứ dài mãi ra kiểu định danh độc đáo của người Việt khi chỉ hướng mặt trời lặn.

Đành một nhẽ trong bát quái, hướng chính Bắc là Khảm, Nam là Ly Đông là Chấn Tây là Đoài. Nhưng mảnh giăng đã gác non đoài trong Kiều của Nguyễn Du, thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông của Nguyễn Bính và tỉnh Đoài xứ Đoài để chỉ vùng đất phía Tây thành Thăng Long dường như mang thứ minh triết khác trong tâm thức lẫn tâm linh người Việt?

Quyền tạo dựng một địa danh hành chánh là quyền của nhà cầm quyền nhưng thử ngẫm cũng lạ cho cái tỉnh Cầu Đơ mà ông Phú Lãng Sa cho tách một phần Hà Nam và Hà Đông để lập ra một tỉnh mới có tên Cầu Đơ. Nhưng rồi chỉ tồn tại được hai năm (1902-1904) rồi Cầu Đơ biến mất lại trở thành Hà Đông lại trở lại với Xứ Đoài. Lâu quá không về thăm Bất Bạt/ Chiều xanh chẳng thấy bóng Ba Vì/ Tôi nhớ Xứ Đoài mây trắng lắm...

Đợi cho anh bạn dứt mạch Xứ Đoài bằng kiểu bập bõm chút thơ Quang Dũng, cụ tiên chỉ Tô Hoài nheo nheo cặp mắt nhắc lại câu ca dao cổ Nhất cao là núi Ba Vì. Thứ ba Tam Đảo thứ nhì Độc Tôn.

Nội núi non nước mình, Ba Vì chỉ là 1.293 m đâu phải là cao! Tam Đảo cũng thế Độc Tôn cũng chỉ là một cái hòn thấp hơn gần Tam Đảo. Nhưng những thế núi thế đất ấy là linh thiêng. Ba Vì ví như cái cột nối giời với đất, nơi có Thánh Tản Viên ngự.

Núi ấy lại có sông này. Những Lô, Đà, Thao bắt mạch vào Xứ Đoài rồi tụ thuỷ. Xuôi Ba Vì chẳng xa mấy, sừng sững án ngữ thập bát sơn thạch ấy là 18 ngọn núi đá vôi của Sài Sơn Phượng Cách Yên Sơn...

Thế đắc địa phong thuỷ mà người ta vẫn nắc nỏm là phải hội đủ thanh long bạch hổ. Thử ngó rộng ra, tả Thanh Long là đồng bằng châu thổ sông Hồng gối đầu lên núi Ba Vì xoải dài tít tắp một dải đất Kinh Bắc ra tận Biển Đông.

Hữu Bạch Hổ của vùng đất vùng văn hóa Lĩnh Nam trải vào tận Thanh Hóa. Hai thế đất “Thanh Long”, “Bạch Hổ” này hội với miền Xứ Đông trù phú dường như hằng bao thế kỷ hội tụ hồn thiêng sông núi yểm trợ cho đất Thăng Long.

Tôi ngồi mà lẩn mẩn lan man nghĩ thêm những huyền tích cùng sự thật của Xứ Đoài. Chẳng phải ngẫu nhiên hằng bao thế hệ người Việt cứ truyền nhau mãi câu chuyện Cao Biền không thể trấn yểm nổi thế vượng địa của non Tản Ba Vì để sau này đột ngột trồi lên một làng hai vua Đường Lâm?

Rồi chả biết thật hư thế nào, người ta lưu truyền câu chuyện một ông tỉnh đội Hà Tây nào đó được Thánh Tản Viên báo trước hàng tuần(?!) nên ta đã chủ động góp phần làm thất bại âm mưu giải cứu lũ phi công Mỹ bị giam ở Sơn Tây mùa đông năm 1971. Áo giáp chở che ngàn năm bền vững...

Chắc chả phải vô tình mà nhạc sĩ Nhật Lai viết ca từ ấy trong Hà Tây quê lụa cứ như là lời tổng kết thế vượng địa về sức mạnh tổ sơn tinh thần, về thế công lẫn thủ của Hà Tây trong các cuộc chiến tranh giữ nước, ca khúc từng dùng làm nhạc hiệu cho Đài phát thanh lẫn Đài truyền hình Hà Tây hằng bao năm và nhạc hiệu ấy sáng ngày 31/7/2008 sẽ chấm dứt khi nghị quyết giải thể Hà Tây có liệu lực.

Bây chừ yên hàn bặt vắng bom đạn giặc giã, chiếc áo may đã cũ đã không vừa với chàng trai Hà Nội đầy sinh lực phổng phao, Hà Tây tự nguyện vui lòng khoác thêm cho chàng chiếc áo giáp ấy?

Địa linh tất sinh nhân kiệt. Cứ lẩn mẩn nghĩ dịp ngàn năm Thăng Long, thiên hạ làm sao mà sao nhãng những cái tên Nhị Khê của Nguyễn Trãi, của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, những Khê Thượng Bất Bạt của Tản Đà, những Phú Xuyên của cha con Nguyễn Văn Vĩnh Nguyễn Nhược Pháp vv...

Người Xứ Đoài từng góp danh để vinh thăng Thăng Long Hà Nội thì nhiều lắm...  Nhân khi cả đám đang chắp nhặt những mẩu nho nhỏ về nhà thơ Xứ Đoài Quang Dũng, cụ tiên chỉ Tô Hoài rủ rỉ thêm về Quang Dũng không phải là những năm Tây Tiến gian nan. Mà là những gian nan trắc trở của lòng người thói đời. Hoá ra có một Quang Dũng chìm khuất mà lứa chúng tôi không thể biết...

Một Quang Dũng khoáng đạt hăng hái những năm trước Cách mạng tháng Tám tận bên đất Tàu giúp việc cho Nhất Linh Nguyễn Tường Tam.

(Tôi đồ rằng dẫu có làm chân thơ ký cho Nhất Linh thì Quang Dũng chắc cũng liên tài với một người từng chủ soái của Tự Lực Văn đoàn thôi chứ một Quang Dũng đậm đặc chất thi sĩ như thế thì chính trị chính em nỗi gì? Mà cũng có thể tôn chỉ mục đích tốt đẹp của Quốc dân đảng do Nguyễn Thái Học chủ trương khi đó đã bị nhiều người làm cho sai lạc biến chất?).

Một Quang Dũng ưu tư và dứt khoát nhận đường chọn đường sau Cách mạng tháng Tám lên miền Tây thành anh lính Vệ quốc Tây tiến trong khung cảnh rải rác biên cương mồ viễn xứ.

Lại có một Quang Dũng ngơ ngác và cô đơn nữa, mò vào tận xứ Thanh dạy học... Khi nhà văn Tô Hoài với cương vị Bí thư Đảng đoàn, Tổng thư ký Hội nhà văn nhờ cậy anh Vĩnh Mai vào Thanh Hoá tìm Quang Dũng khi ấy đang dạy học ở Rừng Thông.

Tô Hoài rủ Quang Dũng cùng Hữu Loan, Thanh Châu ra Hà Nội làm tờ báo Văn. Nhưng không lâu xảy ra nhân văn, mấy anh em mỗi người một ngả... Cái năm tôi gặp nhà văn Thanh Châu ở thành phố Hồ Chí Minh trước khi ông mất gần hai năm, nhà văn có kể tôi nghe sau buổi tan tác ấy ông và nhà thơ Quang Dũng, nhà thơ Trần Lê Văn đã kéo nhau về quê Quang Dũng ở Xứ Đoài. 

Hình như đó là nhà cũ của Quang Dũng nhưng khi ấy hoang phế lắm bởi ít người trông nom. Cả bọn cảm khái bùi ngùi những niềm riêng nỗi chung...

Một bài thơ Thanh Châu gần như ứng tác bữa ấy mà nhà văn Thanh Châu cho tụi hay chưa in ở đâu Về nhà không có ai/ Chín năm/ Cây đào phai/ Bên bức tường đổ/ Lại một lần nở rộ/ Đào hỡi/ Đầy sân cánh đỏ/ Biết chăng/ Hoa nở/ Không người/ Ta ước/ Mẹ thành hương bay về vấn vương cảnh cũ/ Ta ước em ta thành chim bay về đậu bên cửa sổ/ Ta uớc chị ta lại ngồi thềm cửa/ may lại cho ta áo nhỏ/ Chiếc áo ngày xưa/ áo đỏ hoa đào...

Bộ tứ tan tác ngày ấy, ba đã là người thiên cổ. Còn mỗi cụ Hữu Loan...

...Khi lũ chúng tôi trả lại không khí yên tĩnh lẫn bình yên cho trang viết của bậc tiên chỉ thì đã nhọ mặt người (Hồi nãy chúng tôi có tò mò muốn biết cụ đang viết gì thì nhà văn Tô Hoài mủm mỉm là các việc cũ ấy mà, cũng phải viết ra thôi...).

Không hiểu sao, lúc rời nhà cụ, tôi cứ vướng vất mãi câu thơ của Quang Dũng mà anh bạn đồng nghiệp già lẩy ra hồi nãy Ta vay ta trả ta ươm hạt/Ta giữ Rừng thiêng của giống nòi... 

Tận nơi cao xanh kia, thi sĩ Quang Dũng có biết Xứ Đoài nay đã thành Hà Nội? Mà ông có tiên liệu có điềm triệu điều chi không khi buông ra hai câu thơ ấy? Cứ như là đến một ngày nào đó, Thăng Long Hà Nội sẽ vay của Xứ Đoài sẽ cất giữ hộ Xứ Đoài những giá trị những gien văn hoá hiếm quí?

Mà rồi vườn ươm – khu rừng thiêng chuyên bảo tồn văn hoá, lịch sử chung ấy trong đó có giá trị Xứ Đoài liệu có hề hấn chi không trong những xoáy lốc cuồng phong của cơ chế thị trường?

Đêm 29/5/2008