Chủ nhân của những con búp bê vận trang phục của 54 dân tộc Việt Nam này là người vẫn ngày ngày cận kề bên nhà thơ: nghệ nhân Hiền Thục.
Ý tưởng búp bê made in Việt Nam
Trong quãng thời gian ngắn ngủi lưu lại Đà Lạt, tôi có kế hoạch đến thăm nhà thơ Bùi Minh Quốc. Tôi đi bằng xe máy thuê của khách sạn, qua hàng chục con phố quanh co tĩnh lặng đến ngã tư gần khu nhà thờ Domain de Marie, xuôi một đoạn dốc ngắn rồi lại lên dốc với những ngôi biệt thự yên tĩnh.
Trước khi đi, biết tôi khó tìm đường, ông chỉ dẫn rất kỹ và dặn đi dặn lại rằng cứ nhìn thấy tiệm Búp bê Hiền Thục là đến nơi. Mới đầu nghĩ rằng nhà ông gần tiệm búp bê, sau thấy nhà thơ xuất hiện từ sau tấm biển hiệu búp bê mới ngạc nhiên “Không lẽ ông đã chuyển sang nghề búp bê”.
Khuôn viên của nhà thơ Bùi Minh Quốc rộng rãi giống hệt những căn biệt thự xung quanh, dù cách thiết kế khiêm tốn hơn. Tôi lên những bậc thang bằng gỗ, hết chiếu nghỉ hành lang đã nhìn thấy một tủ kính búp bê, bước vào nhà thấy đầy ắp những con búp bê len, búp bê trên tường, trên bàn, trên giá trưng bày.
Thật kỳ lạ. Thành phố Đà Lạt đã vô cùng êm đềm, sang trọng và thơ mộng, vậy mà đến con phố yên tĩnh này, vào căn nhà yên tĩnh này lại thấy toàn búp bê, khác nào lạc vào một thế giới cổ tích. Mới hay, chủ nhân của những con búp bê vận trang phục của 54 dân tộc Việt Nam là người vẫn ngày ngày cận kề bên nhà thơ: nghệ nhân Hiền Thục.
Thật không may mắn bà mới gặp một tai nạn xe máy nên đang phải dưỡng sức trên giường bệnh. Nhà thơ Bùi Minh Quốc buồn bã “Đôi bàn tay vàng mà giờ không cử động được nữa”.
Một lát, ông xin lỗi tôi rồi đứng lên bê thuốc vào phòng cho bà uống. Người vợ hiền thục của nhà thơ có khuôn mặt đúng như nghệ danh của bà: quý phái, tri thức và dịu dàng, một vẻ đẹp mơ hồ hệt như thành phố Đà Lạt.
Bà Nguyễn Thị Thục người gốc Hà Nội nhưng sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt. Bà từng có 18 năm làm phóng viên, biên tập viên của Đài phát thanh – Truyền hình tỉnh Lâm Đồng.
Năm 1993, bà nghỉ mất sức và như nhiều phụ nữ khác ở Đà Lạt, nơi được coi là xứ sở của len, bà quay về với công việc đan móc và bắt đầu truyền thụ lại nghề thủ công này.
Bà từng dạy nữ công cho học sinh phổ thông tại trường Hermann Gemeiner Đà Lạt, cho trẻ em mồ côi tại Làng SOS Lâm Đồng, cho trẻ em khiếm thính tại Trung tâm người khuyết tật Đồng Nai.
Trong một lần tình cờ nhận được món quà là một con búp bê mặc trang phục dân tộc (của nước ngoài), bà nảy ra ý định thực hiện những con búp bê Made in Vietnam. Bà nhớ lại những hình ảnh trang phục dân tộc trong các chuyến công tác trước đây và một ý tưởng được thành hình.
Thiên hướng nghệ thuật và bàn tay tài hoa của nghệ nhân Hiền Thục đã cho ra đời những con búp bê đầu tiên có trang phục và hoa văn tinh xảo y hệt những bản gốc của chị em Ê Đê, Ba Na, Cơ Ho, Gia Rai, Mơ Nông. Những sản phẩm này từng giành được 3 giải nhất, nhì, ba trong Cuộc thi sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch của tỉnh Lâm Đồng.
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng được tỉnh mời tham gia ban giám khảo, anh đặc biệt chú ý tới những con búp bê len. Anh khuyến khích tác giả của chúng mở một gallery trưng bày và đồng thời tìm cho bà nhiều tài liệu hướng dẫn cách làm búp bê. Nhưng cũng phải mất một hành trình dài tới 15 năm, những con búp bê mới được hoàn thiện một cách chuyên nghiệp và điêu luyện.
Công việc khó khăn không chỉ từ việc cố định những mũi đan, móc trên các hoa văn li ti mà còn ở quá trình nghiên cứu và đi tìm tư liệu hình ảnh, để rồi chỉ với chất liệu len bình thường và cốt gỗ, người sáng tạo đã thổi hồn vào những con búp bê khiến họa tiết lung linh một vẻ đẹp mang đậm nét lịch sử và văn hóa dân tộc Việt.
Những chất liệu không phải hàng cao cấp, đắt tiền, nhưng việc chế tạo ra sản phẩm vô cùng phức tạp và tỉ mỉ với đầy đủ vòng, khuy áo, dây chuyền. Mỗi con búp bê có mặt trên giá thường phải mất thời gian 1 tuần nằm lại trong xưởng. Vì thế giá thành của sản phẩm rất cao, thường lên tới vài trăm ngàn và có con tới vài triệu.
Có thể nhiều người sẽ phân vân về giá cả, nhưng đối với khách ngoại quốc thì họ không lạ, vì ở phương Tây, đồ lưu niệm thuộc loại hàng handmade (thủ công mỹ nghệ chế tác bằng tay) thường có giá thành cực đắt.
Nhà thơ phò trợ sự nghiệp của vợ
Cuối năm 2008, sau 3 năm chuẩn bị, tác giả của những con búp bê xinh xắn và tinh xảo đã có cuộc triển lãm đầu tiên tại gallery Ý Ngọc – Sĩ Hoàng, trưng bày gần 500 mẫu búp bê len, trong đó đặc biệt nhất là một bộ gồm 108 búp bê khoác trên mình trang phục của 54 dân tộc Việt Nam. Cuộc triển lãm này đã tiêu tốn của tác giả đến hàng trăm triệu đồng.
Tôi tẩn mẩn ngắm những con búp bê mang dáng hình thiếu nữ Dao, Mông, Thái, Mường, Tày... xúng xính váy áo rực rỡ như trong một phiên chợ ngày Tết đang đứng kìn kìn giữa căn phòng lát gỗ của cặp vợ chồng nghệ sĩ Bùi Minh Quốc – Hiền Thục.
Khác với búp bê mặt sứ của Trung Quốc và búp bê mặt vải của Nhật Bản, những khuôn mặt bằng len trông có sinh động hơn, tinh xảo hơn, mang đậm hồn Việt, hồn tài hoa của những người con người Đà Lạt thân thiện, nhưng cũng vì thế mà quá trình làm ra nó cũng công phu hơn rất nhiều.
Nhà thơ Bùi Minh Quốc dường như hết lòng vì sự nghiệp búp bê của vợ. Vừa ngồi chưa ấm chỗ, nhà thơ chẳng nói mấy về văn thơ chữ nghĩa, chỉ mê mải giới thiệu búp bê.
Ngoài việc giúp đỡ vợ tìm tư liệu ảnh về màu sắc và hoa văn của các trang phục dân tộc, ông còn hàng ngày đi bỏ mối búp bê len ở các quầy bán đồ lưu niệm và tự tay tham gia vào quá trình sản xuất.
Không đan len được thì ông giúp vợ làm cốt gỗ. Là một cựu sinh viên văn khoa Sài Gòn, nghệ nhân Hiền Thục hẳn đã vô cùng xúc động về bài thơ cổ vũ tinh thần được sáng tác dành riêng cho bà.
Em ngồi đó quên cả ngày tàn quên đêm khuya khoắt
Mười ngón tay lan một thế giới dịu hiền
Những búp bê len muôn màu hồn nhiên ánh mắt
Em lẳng lặng đẩy lùi cơn bão dập đời anh
Nghệ nhân Hiền Thục nói với tôi rằng cuộc sống của hai người vẫn còn rất vất vả vì kinh tế nên nhiều mong muốn chưa thực hiện được. Tuy nhiên, sự sang trọng tinh tế vẫn toát lên từ ngôi nhà giản dị đong đầy tình yêu thương qua những đôi mắt búp bê len.
Bà đang có kế hoạch biến tiệm búp bê Hiền Thục và xưởng sản xuất của mình thành địa điểm tham quan cho khách, vừa góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc khi mà những tiêu bản trang phục gốc đang dần mai một, vừa đóng góp cho sự phát triển du lịch của Đà Lạt.