Lễ ăn hỏi "không tráp", người mất không đóng áo quan
Tọa lạc tại địa chỉ 55 Hàng Chiếu, con ngõ sâu hun hút rộng chừng hơn nửa mét là không gian sinh hoạt của 10 hộ dân với khoảng 70, 80 thành viên đang sinh sống. Bà Đặng Tuyết Liên (64 tuổi) hiện đã sống ở ngõ này hơn 60 năm.
Căn nhà của bà Liên rộng vỏn vẹn 6m2 gồm tầng một làm nơi tiếp khách với chiếc tủ lạnh kê cao hai lớp gạch để tránh lúc trời mưa, ngõ ngập nước. Phía trên là 3 tầng lầu có diện tích "nhỉnh" hơn được bố trí không gian thờ tự và nghỉ ngơi. Mỗi dịp có giỗ chạp, các thành viên trong gia đình phải chia nhau ngồi rải rác khắp các tầng.
"Tầng một bố trí được một mâm cỗ, tầng 2 thì ngồi hai mâm và tầng 3 một mâm, chung quy cũng ngồi được khoảng 20 người tất cả. Vì nhà chật, không đủ chỗ nên mỗi dịp tụ họp, mọi người lại phải ngồi phân chia ở các tầng khác nhau", bà Liên nói.
Ngày con gái làm đám hỏi, bà cùng người thân phải dựng rạp ngoài đường. Những mâm tráp, sính lễ của đàng trai mang đến cũng không thể đưa vào trong nhà vì ngõ quá nhỏ. "Lúc ấy chỉ có đại diện người lớn đến nói chuyện chứ chúng tôi không thể tiếp đón được đông. Những mâm tráp vừa to vừa nặng cũng phải đặt ở bên ngoài, không thể mang vào nhà vì không gian rất chật", người phụ nữ U70 kể lại.
Không gian vỏn vẹn 6 m2 là nơi ở của bà Liên. Ngày gia đình bà tổ chức đám hỏi cho con gái, đàng trai phải đặt mâm tráp ở ngoài, chỉ đại diện người lớn vào trong vì từ ngõ đến nhà đều chật chội.
Sống ở ngõ 94 Hàng Buồm, bà Đinh Thị Hương (51 tuổi) cũng thấm thía nỗi khổ sở vì không gian đi lại, sinh hoạt trước cửa nhà quá chật chội, chỉ đủ chỗ cho một người đi thẳng hoặc hai người phải đi ngang, nép vào nhau. Thậm chí, bà Hương còn vài lần còn chứng kiến cảnh hàng xóm "chật vật" đưa người thân đã mất ra đầu ngõ.
"Khổ sở nhất là nhà nào có người mất hoặc hấp hối phải nhanh chóng đưa ra ngoài, chuyển đến nhà tang lễ Phùng Hưng. Thậm chí, vì ngõ chật, mà người ta lại kiêng kỵ chuyện tháo dỡ quan tài nên người mất không thể đóng áo quan", bà nói.
Người này cũng tiết lộ, ngoài lúc có thể dùng cáng, một số gia đình còn phải cõng người thân đã mất ra ngoài.
Chuyện bi hài như cơm bữa ở những con ngõ "ngày cũng như đêm"
Trong căn nhà nhỏ chừng 20m2 của gia đình bà Hương hiện có 5 thành viên sinh sống. Các khu vực chức năng không chia vách ngăn, chỉ có tấm mành rèm tối màu làm nơi che chắn chỗ ngủ. Riêng nội thất cũng không được sắm sửa đã nhiều năm.
"Trước khi mua sắm vật dụng gì, chúng tôi phải đo đạc kích thước xem có vừa với ngõ không đã. Chiếc tủ lạnh tôi mua từ ngày xưa, giờ đã hơn chục năm nhưng vẫn chưa dám thay mới. Một số đồ như giường, tủ, kệ thì mua xong phải dỡ ra, đem riêng từng phần vào nhà rồi lắp ghép", bà Hương cho biết.
"Hay những lúc có đồ cũ như bộ ghế sofa,... tôi muốn giữ nguyên vẹn để cho người khác nhưng không vận chuyển được ra ngoài, đến ngõ thì mắc kẹt nên buộc phải dỡ chúng, tháo bớt ra", người phụ nữ này chia sẻ thêm.
Ở con ngõ "ngày cũng như đêm", người dân phải dùng đèn pin hoặc bật điện thoại để chiếu sáng. Giờ cao điểm, mọi người di chuyển phải nhường nhau vì không gian chỉ đủ chỗ cho một người đi thẳng. Những hộ dân sống trong ngõ cũng chấp nhận cảnh gửi xe máy ở ngoài, còn mang vào nhà loại xe kích thước nhỏ hơn như xe đạp, xe đạp điện,...
"Ở đây thường xuyên mất sóng, nếu muốn gọi hoặc nghe điện thoại thì tôi phải đứng ra đầu ngõ hoặc trao đổi liên lạc qua các ứng dụng như facebook, zalo. Nếu tìm được chỗ nào trong nhà có sóng điện thoại thì lần sau cứ chọn đúng vị trí đó để gọi thôi", bà Hương kể thêm chuyện bi hài ở con ngõ "vắng ánh mặt trời".