Nghiên cứu “trượt vỏ chuối” ẵm giải Ig Nobel

TP - Công trình nghiên cứu vì sao vỏ chuối trơn khi bạn giẫm phải đã giành một trong những giải Ig Nobel năm nay. Giải thưởng Nobel ngược nổi tiếng không kém gì giải Nobel thực sự đã được trao tại buổi lễ hằng năm tại Đại học Harvard (Mỹ). 
Nhà nghiên cứu Nhật Kiyoshi Mabuchi trên bục diễn thuyết về công trình nghiên cứu "tại sao chuối trơn trượt" đoạt giải IgNobel Vật lý 2014. Ảnh: Word Press

Nhóm nghiên cứu từ Đại học Kitasato (Nhật Bản) đã đo lực ma sát của vỏ chuối trong phòng thí nghiệm, rồi chỉ ra tại sao vỏ táo và vỏ cam không trơn đến thế. “Công trình” này giành giải Ig Nobel cho lĩnh vực vật lý.


Giải thưởng Ig Nobel, do tạp chí hài hước Biên niên sử về những nghiên cứu không thể xảy ra (Annals of Improbable Research) trao tặng, lúc đầu nghe có vẻ buồn cười. Nhưng khi nghiên cứu kỹ hơn, người ta thấy có ý định khoa học nghiêm túc. 

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản quan tâm vấn đề lực ma sát và chất gây trơn ảnh hưởng chuyển động của tay chân như thế nào, từ đó tìm ra cách thiết kế khớp chân tay giả. 

Giải y học cộng đồng được trao cho công trình nghiên cứu việc con người sở hữu một con mèo có gây hại thần kinh hay không. Giải Sinh học được trao các nhà khoa học Séc, Đức và Zambia với công trình ghi ghép chứng minh khi chó “xả” chất thải và nước thải, chúng thích xoay người theo trục địa từ bắc - nam của Trái đất. 

Nhóm nhà khoa học đến từ Đại học Michigan (Mỹ) được trao giải Y học với công trình chữa bệnh chảy nước mũi bằng thịt lợn. Công trình nghiên cứu dùng vi khuẩn axit lactic lấy từ phân của trẻ sơ sinh để lên men xúc xích giành giải Dinh dưỡng. 

Giải Ig Nobel trong lĩnh vực khoa học thần kinh được trao cho công trình của nhà nghiên cứu Kang Lee đến từ Đại học Toronto (Canada) và các đồng nghiệp: Tìm hiểu bộ óc con người khi nhìn thấy mặt Chúa Jesus và những nhân vật nổi tiếng khác trên lát bánh mỳ. Sử dụng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ, nhóm của nhà nghiên cứu Lee đã thấy những vùng não sáng lên khi nhìn thấy gương mặt của những nhân vật huyền thoại trên những vật hữu hình như lát bánh mỳ. 

Giải Ig Nobel cho các lĩnh vực khác như Kinh tế, Tâm lý học, Nghệ thuật… cũng được trao cho những công trình hài hước nhưng cũng đáng suy ngẫm. 

Đây là năm thứ 24 từ khi giải Ig Nobel ra đời, và quy mô ngày càng lớn. Biên tập viên Marc Abrahams của Annals of Improbable Research cho biết, nhiều nhà khoa học hiện nay mong muốn nhận được giải Ig Nobel.

 “Chúng tôi nhận được khoảng 9.000 đề cử mỗi năm. 10-20% trong số đó là tự đề cử, nhưng những công trình đó ít khi chiến thắng”, ông Abrahams nói. Theo ông, lý do là vì những người này thường cố khiến công trình của họ trở nên buồn cười.

Theo BBC