Trước đó, ông Kinzinger từng nhiều lần thúc đẩy sự can thiệp của Mỹ vào cuộc xung đột đang diễn ra.
Nghị quyết mà Kinzinger đề xuất sẽ cho phép tổng thống huy động quân đội Mỹ để “hỗ trợ bảo vệ và khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, đáp trả việc Nga sử dụng vũ khí hoá học, sinh học, và/hoặc vũ khí hạt nhân ở Ukraine.
Nghị quyết sẽ trao cho tổng thống thẩm quyền xác định xem liệu hành động gây hấn của Nga có thực sự diễn ra hay không, mà không cần bất kỳ cuộc điều tra quốc tế nào.
Tuy nhiên theo RT, việc này có thể khuyến khích các lực lượng Ukraine dàn dựng một cuộc tấn công nhằm mục đích lôi kéo Mỹ vào cuộc xung đột, như những gì Mátxcơva đang cáo buộc Kiev.
Nghị quyết - có tên Uỷ quyền Sử dụng Lực lượng Quân sự, còn gọi là AUMF, sẽ có tác dụng giống như nghị quyết được ban hành sau vụ tấn công khủng bố 11/9. Nghị quyết này được gia hạn hàng năm kể từ năm 2001, và đã cho phép các tổng thống Mỹ được phép tấn công hơn một chục quốc gia kể từ đó, bao gồm Afghanistan, Iraq, Syria, Somalia và Yemen, mà không cần tuyên bố chiến tranh chính thức.
Kinzinger là thành viên đảng Cộng hoà, nhưng đã ủng hộ đảng Dân chủ trong hầu hết các vấn đề. Kể từ khi Nga khai màn chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, Kinzinger đã kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) áp dụng vùng cấm bay ở nước này. Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden đã từ chối đề nghị, nói rằng điều này sẽ gây ra "chiến tranh thế giới thứ ba" với Nga. Kinzinger cũng đã gây áp lực buộc chính quyền ông Biden gửi các máy bay chiến đấu do Ba Lan viện trợ đến Ukraine, nhưng chính quyền đã từ chối.
Hiện vẫn chưa rõ nghị quyết của Kinzinger có được đưa ra biểu quyết hay không. Bản thân Tổng thống Biden cũng từng nói rằng Mỹ “sẽ đáp trả” bất kỳ việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt nào của lực lượng Nga ở Ukraine, nhưng ông vẫn tránh vẽ ra bất kỳ “lằn ranh đỏ” nào. Thay vào đó, Mỹ vẫn tiếp tục vận chuyển vũ khí cho Ukraine, và hiện đang huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng hệ thống vũ khí này ở Đức.