Nghỉ học kéo dài: Đừng chỉ “nhốt” trẻ trong nhà

TPO - Học sinh được nghỉ học kéo dài nhưng không được đến khu vui chơi, đi du lịch…nhiều gia đình “nhốt” trẻ trong 4 bức tường nhiều ngày bức bối. Phụ huynh cần làm gì để trẻ không nhàm chán, thậm chí stress.
Một em bé ở Hà Nội được bố mẹ cho leo trèo, nghịch đất thay vì "nhốt" trong nhà. (ảnh: Facebook)

Sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán kéo dài gần chục ngày, học sinh trên toàn quốc lại được nghỉ học liên tiếp thêm nhiều tuần lễ để phòng chống dịch bệnh. Đây là tình huống “bất ngờ chưa từng có” đối với các gia đình, do đó nhiều người bị động  trong việc lập kế hoạch sinh hoạt cho con khi ở nhà.

“Từ dịp nghỉ Tết đến nay, con thay đổi hoàn toàn giờ giấc sinh hoạt. Sáng ngủ đến 9 giờ, đêm xem phim đến khuya” ; “Trong khi bố mẹ đi làm, các con dán mắt vào tivi. Biết là không tốt nhưng trẻ biết làm gì khi không được ra ngoài chơi”, chị Nguyễn Thị Thu Hà, có 2 con trong ở bậc tiểu học cho biết.

Theo chị Hà, từ khi con nghỉ, gia đình thuê giúp việc trông và lo cơm nước. Mỗi ngày, 2 con thực hiện bài tập cô giao chỉ mất khoảng 30 phút, sau đó thường xem các chương trình youtube. Ở trong nhà nhiều, bố mẹ cũng thương con bí bách, tù túng nên cuối tuần muốn dẫn con đi khu vui chơi, trung tâm thương mại, công viên…nhưng lại nơm nớp lo sợ. Chưa kể, đi đâu, cả nhà kín mít khẩu trang, kè kè nước rửa tay sát khuẩn trong tâm lý sợ hãi, mất vui. Vì thế, gần 3 tuần nay, 2 con chị quanh quẩn trong 4 bức tường.

Lo con nghỉ học lâu sẽ quên kiến thức, chị Nguyễn Thị Xuân lập cho con một bảng kế hoạch công việc trong ngày khá dày đặc. Sáng thức dậy 8 giờ, ăn sáng xong con làm bài tập Tiếng Anh (chị tải về trên mạng); Tập vẽ 30 phút; ăn trưa. Buổi chiều, con làm Toán cô giao, đọc 1 quyển truyện theo sở thích. Tuy nhiên, con chỉ thực hiện theo kế hoạch của mẹ được ít ngày thì bắt đầu phản kháng. Ngồi vào bàn học, con biện đủ lý do như: đau bụng, đau tay, con mệt… để không phải học bài. Nhiều lần, chị đã lớn tiếng quát mắng và câu chuyện kết thúc khi con nước mắt giàn dụa còn mẹ ấm ức.

Không có kế hoạch hoặc con sẽ làm trái với mong muốn của phụ huynh. Nhiều người chia sẻ, con chỉ thích chơi game, ôm điện thoại đến đờ đẫn, con không hứng thú với việc nhà…”Mọi năm, được nghỉ hè, trẻ được đi chơi, cả nhà cùng du lịch còn hiện nay, chúng ta phải chấp nhận thực tế khác”, một phụ huynh nói.  

Tranh thủ cho con trải nghiệm

Chị Đỗ Thu Quyên, quận Nam Từ Liêm cho biết, ngay từ đầu kỳ nghỉ, chị đã gửi con gái 8 tuổi về quê với ông bà. Bà ngoại là giáo viên đã nghỉ hưu nên kiêm luôn gia sư, kèm con học bài. Ngoài giờ học, con được theo bà ra vườn trồng rau, nghịch đất. Chị thường xuyên gọi điện về thăm hỏi và khuyến khích bà ngoại cho con được trải nghiệm các hoạt động ở miền quê. “Hôm trước, con được bà dẫn lên đồi leo lên leo xuống, có hôm được ra đồng xem nông dân cấy lúa và con cũng cấy thử.

Không phải ai cũng có ông bà ở quê, tạo cho con nhiều hoạt động thú vị. Nhiều gia đình “giam lỏng” trẻ trong nhà. “Con trai lớp 8 dành quá nhiều thời gian cho games. Rất khó khăn nếu mẹ bảo cháu đọc hết 1 cuốn sách”, chị Mai, phụ huynh học sinh lớp 8 ở quận Hà Đông nói.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng THCS – THPT Lê Qúy Đôn (Hà Nội) cho rằng, dịch  cúm Covid-19 rất bất ngờ đối với chúng ta do đó, kế hoạch nghỉ học kéo dài hoàn toàn bị động đối với các gia đình, nhà trường. Trong tuần đầu, các thầy cô đã giao bài tập qua online nhưng chỉ khiến học sinh hào hứng được một thời gian ngắn. Việc học trên lớp có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh vẫn còn một số em không tập trung, huống gì chúng ta giao bài tập qua mạng khiến trẻ không hào hứng là tất yếu.

Cũng theo ông Bình, trong thời gian nghỉ, không ít gia đình đã giao điện thoại, tivi, máy tính nối mạng cho trẻ mà không có sự giám sát chặt chẽ. Các em thay vì tìm kiếm nội dung tốt để học tập sẽ chơi game, tìm kiếm nội dung xấu… Điều này, có tác hại rất rõ đối với học sinh. Nhiều em sa đà, nghiện game, “cày” game đến đờ đẫn.  

Vì thế, ông Bình cho rằng, nhà trường nên phối hợp với cha mẹ học sinh giao cho các em thực hiện nhưng dự án nhỏ như: em thử tìm hiểu về virus gây bệnh; trẻ tự thiết kế đèn lồng; em hãy trồng 1 vài cây xanh. Hay đơn giản như, giáo viên thể dục giao cho trẻ tập chống đẩy mỗi ngày bao nhiêu cái. Khi trẻ thực hiện, phụ huynh quay video gửi cho giáo viên. Ở trường Lê Qúy Đôn, học sinh được giao nhiệm vụ thiết kế và nộp sản phẩm.

Tất cả các hoạt động nhằm giúp trẻ bớt nhàm chán, duy trì được thói quen học tập, vận động và suy nghĩ. “Việc này rất khó tuy nhiên phụ huynh cần dành thời gian cho con để giám sát và khuyến khích trẻ”, ông Bình nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, không nên “nhốt” trẻ trong nhà, nên cho trẻ ra chỗ có sân rộng rãi, ít người để chạy nhảy, chơi thể thao để giải tỏa năng lượng.