Nghệ sĩ biểu diễn bị xâm hại quyền lợi, kêu ai?

TP - Ở VN, hiện có hai tổ chức quản lý tập thể quyền liên quan đến âm nhạc, bảo vệ quyền tác giả âm nhạc và quyền của các nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình. Nhưng chưa có một tổ chức riêng bảo vệ quyền lợi cho ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn.

Ca nương kể chuyện hát ca trù ở Hàn Quốc
> Trọng Tấn - Anh Thơ: Từ giảng đường đến sân khấu

Mới đây, ca sĩ Thái Thùy Linh tuyên bố trên một tờ báo sẽ khởi kiện các đơn vị sử dụng đĩa CD “Bộ đội” mà không có sự chấp thuận của cô cũng như không trả thù lao cho cô. Nhưng sau đó, không một đơn vị nào quan tâm, đĩa CD “Bộ đội” của cô vẫn nhan nhản trên các website âm nhạc. Không biết rồi ca sĩ Thái Thùy Linh sẽ làm gì với tuyên bố của mình.

Thái Thùy Linh không phải người đầu tiên châm ngòi cho phong trào tự bảo vệ quyền lợi của ca sĩ. Trước đây, đã có vụ kiện “đình đám” của ca sĩ Mỹ Tâm đối với một số đơn vị sử dụng giọng hát của cô để kinh doanh sinh lời mà không trả tiền thù lao cho cô. Mỹ Tâm thuê một công ty Luật đại diện và cuối cùng cô cũng thu về được khoảng 1 tỷ đồng.

Khi chưa có tổ chức đại diện tập thể nào đứng ra bảo vệ quyền lợi cho mình thì nghệ sĩ biểu diễn chỉ còn cách khởi kiện ra Tòa hoặc ủy thác cho các công ty luật thực hiện việc đó – như Mỹ Tâm. Những tưởng đó là trận thắng đầu tiên giúp các ca sĩ, nghệ sĩ vững tin “xông lên” đòi công lý, nhưng rồi tất cả lại im lìm, đâu lại vào đó, tình trạng vi phạm bản quyền người biểu diễn vẫn cứ tràn lan. Một người trong giới bình luận: có bao nhiêu ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn có đủ điều kiện để làm như ca sĩ Mỹ Tâm? Họ cho rằng chỉ giống như “con kiến kiện củ khoai”, vì quá nhiều những rắc rối bất thành văn kèm theo.

Ở VN, hiện mới có hai tổ chức quản lý tập thể quyền liên quan đến âm nhạc là VCPMC (Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam) và RIAV (Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam) – quản lý quyền của các nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình. Vậy còn ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn họ có cần một tổ chức đứng ra bảo vệ quyền lợi?

Với hai tổ chức như hiện nay, về nguyên tắc pháp lý và thực tế có thể thực hiện được việc bảo vệ quyền lợi cho ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn. Bởi khi bảo hộ một sản phẩm âm nhạc sẽ liên quan đến các đối tượng được Luật sở hữu trí tuệ bảo hộ như: tác giả phần âm nhạc, nhà sản xuất và các nghệ sĩ biểu diễn trong sản phẩm âm nhạc đó. Cũng theo nguyên tắc đó thì chỉ cần RIAV hoặc VCPMC đứng ra bảo hộ quyền lợi cho nghệ sĩ biểu diễn là được. Không nên để xẩy ra tình trạng cùng trong 1 sản phẩm âm nhạc mà chỉ có 2 đối tượng được bảo hộ (tác giả phần nhạc, nhà sản xuất bản ghi) còn người biểu diễn thì bị bỏ qua. Tuy nhiên xét về chức năng nhiệm vụ thì RIAV có khả năng thực hiện việc đó vì quyền của người biểu diễn nằm trong nhóm quyền liên quan đến quyền tác giả mà RIAV hiện đang bảo hộ đó là quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, và trong nhiều trường hợp thì ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi lại là một.

Xu hướng, mô hình chung của các nước trên thế giới là Nhà nước cho phép thành lập một tổ chức quản lý tập thể quyền của người biểu diễn, hoạt động độc lập với tổ chức bảo vệ quyền tác giả và tổ chức bảo vệ quyền của nhà sản xuất bản ghi. Đây là nơi nghệ sĩ biểu diễn có thể nhờ cậy, để họ chuyên tâm vào hoạt động nghệ thuật.

Bị xâm hại quy mô lớn

Vào đầu những năm 2006, 2007 khi dịch vụ SMS (dịch vụ giá trị gia tăng) của các nhà mạng phát triển kéo theo rất nhiều mảng kinh doanh nội dung hái ra tiền như: dịch vụ nhạc chuông, dịch vụ Logo, hình nền..., nhà kinh doanh sử dụng hình ảnh “hot” của các nghệ sĩ trong và ngoài nước để cung cấp cho khách hàng. Nhưng đa số nghệ sĩ chẳng được gì.

Sang đến cuối năm 2008 đầu 2009, các website âm nhạc mọc lên như nấm, dịch vụ nhạc chuông chờ của nhà mạng phát triển ồ ạt. Một CD, VCD… được phát hành ra thị trường còn chưa kịp tiêu thụ thì ngay lập tức trên các website âm nhạc, dịch vụ nhạc chuông chờ của nhà mạng đã nhan nhản. Ca sĩ chỉ biết kêu trời.

Theo Báo giấy