Níu giữ hồn cốt của người Dao
Cách Hà Nội 100 km và mất 2 giờ di chuyển, tôi đã đến bản Sưng (xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình). Bản nằm nép mình bên núi Biều, là nơi sinh sống của 37 hộ người Dao Tiền. Vì đã hẹn trước, ông Lý Văn Hềnh đón chúng tôi từ đầu bản. Vừa đi trên trục chính đường vào bản, ông Hềnh kể cho tôi những câu chuyện về giá trị văn hóa của người Dao và hành trình bảo tồn chữ Nôm của ông. Ông kể, người Dao trên cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng đều sử dụng chữ Nôm làm chữ viết và được người ta gọi nôm na là chữ Nôm - Dao. Hiện nay, các văn bản cổ của người Dao được sưu tầm đều được viết bằng chữ Nôm.
Sách chữ Nôm của người Dao có nội dung mang tính giáo dục rất sâu đậm, từ phong cách sống, cách ứng xử của con người với con người, con người với thiên nhiên. Trong lao động, các cuốn sách ghi kinh nghiệm trong sản xuất theo mùa vụ xuân, hạ, thu, đông; bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng thiêng, rừng đầu nguồn được thể hiện dưới hình thức các bài hát, thơ ca truyền thống.
Ông Hềnh xuất thân từ gia đình có truyền thống học chữ Nôm. Năm 8 tuổi, ông được bố truyền dạy chữ viết, học các tập tục văn hóa truyền thống của dân tộc Dao Tiền. Đến năm 18 tuổi, ông thành thạo chữ viết, các làn điệu dân ca, các câu thành ngữ, tục ngữ, quán ngữ dân tộc Dao Tiền; các điệu múa dân gian và các tập tục trong việc hành lễ tâm linh… Với vốn chữ Nôm thành thạo, ông Hềnh đã sưu tầm, viết, biên soạn thành công cuốn thơ cấp sắc (thơ để đọc, hát trong lễ công nhận trưởng thành cho đàn ông người Dao); cuốn lịch thông thu (dùng để chọn ngày lành tháng tốt). Đồng thời, ông phổ biến các cuốn sách dạy chữ Nôm, sách về tâm linh, luật tục, tập tục cho cộng đồng người Dao ở các địa phương.
“Vì cơm áo gạo tiền để nuôi sống gia đình, trong một thời gian dài, tôi không có tâm trí nhớ đến kho tàng văn hóa, chữ viết của dân tộc mà tôi đã có. Nhưng trước nguy cơ chữ viết của người Dao bị thất truyền, mất đi mãi mãi, tôi phải gạt việc làm ăn kinh tế sang một bên, đem sự am hiểu ngôn ngữ, chữ viết mở các lớp học truyền dạy cho người dân biết đọc, viết chữ Nôm cổ, những phong tục tập quán của dân tộc Dao Tiền”, ông Hềnh bộc bạch.
Còn chữ viết là còn văn hóa người Dao
Thực tế hiện nay, không chỉ các em nhỏ mà ngay cả nhiều người trung niên, cao tuổi dân tộc Dao cũng không am hiểu, biết viết, đọc chữ Nôm của dân tộc mình. Với quan điểm còn chữ viết thì còn văn hóa người Dao, ông Hềnh muốn truyền dạy chữ viết cho cộng đồng là để bảo tồn văn hóa đa dạng, độc đáo của người Dao Tiền cho các thế hệ mai sau. Vì vậy, sau khi được sự cho phép và hỗ trợ từ chính quyền, năm 2008 ông Hềnh bắt đầu dạy chữ Nôm cho con cháu trong gia đình, dòng tộc và nhân dân trong vùng bằng phương pháp học cổ truyền.
15 năm qua, ông Lý Văn Hềnh mở 13 lớp dạy tiếng Nôm cho gần 1.000 học viên là đồng bào dân tộc Dao tại các xã. Ông còn mở lớp dạy tiếng Dao cho người dân tộc Dao ở huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ), huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La). Bên cạnh mở các lớp dạy chữ Dao, ông cung cấp tài liệu cho các địa phương Sơn La, Yên Bái, Hà Giang để các địa phương mở các lớp học tiếng Dao, bảo tồn chữ viết và văn hóa dân tộc Dao. Với những cống hiến của mình, năm 2019, ông Lý Văn Hềnh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” ở loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng, trình diễn nghệ thuật dân gian.
“Lớp học chữ Dao đầu tiên ở bản Sưng có gần 30 học viên là người dân bản Sưng và các bản lân cận. Rồi sau đó, nhiều lớp được mở ra, người dân tâm huyết, say sưa học và am hiểu rõ về ngôn ngữ, chữ viết, tập tục của người Dao. Sau các khóa học, đã có nhiều người có khả năng đứng lớp truyền dạy các tri thức của người Dao cho những người xung quanh”, ông Hềnh nói.
Chúng tôi đến thăm lớp học nằm ở lưng chừng đồi. Ông Hềnh cho biết, người Dao xưa tổ chức các lớp học hay một nghi thức văn hóa cộng đồng đều được thực hiện ở lưng chừng núi, nơi có vị trí cao, phía trước mặt là không gian thoáng đãng có thể phóng tầm mắt ra xa. Vị trí đó cũng giúp người học tĩnh tâm tiếp thu được nhiều kiến thức. “Học sinh của lớp chữ Nôm có đầy đủ các lứa tuổi, không phân biệt người già, trẻ nhỏ, không phân biệt tầng lớp, địa vị. Người cao niên nhất tuổi hơn 60, học viên nhỏ nhất mới vừa tròn 10 tuổi. Có người là cán bộ xóm, nông dân, học sinh nhưng tất cả họ đều có chung một mong muốn hiểu thêm truyền thống và gìn giữ chữ viết dân tộc mình”, ông Hềnh nói.
Tại lớp học của ông Hềnh, các học sinh không chỉ được học về chữ viết Nôm mà còn học các làn điệu dân ca Dao Tiền như: Hát Khía, hát đối đáp giao duyên và hát trong các lễ làm đám tâm linh dân tộc Dao. Từ thành công của các lớp học ở bản Sưng, ông đã mở lớp dạy cho nhiều người dân ở các xã khác trong tỉnh Hòa Bình và các tỉnh lân cận như Mộc Châu (Sơn La), Thanh Thủy (Phú Thọ). Nhiều học sinh của ông đã tự đứng lớp và tiếp tục dạy chữ Nôm cho đồng bào Dao.
Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông Hềnh vẫn đi xe máy vượt hàng trăm cây số đường đèo núi đến các điểm mở lớp tại các địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận để truyền dạy chữ Nôm, cùng những phong tục tập quán văn hóa vốn có cho đồng bào dân tộc Dao. “Nội dung các cuốn sách cổ của người Dao phần lớn liên quan đến tri thức dân gian, bài học đạo đức, thiên văn, sách thuốc, dân ca và phong tục tập quán. Chúng tôi mở lớp, không chỉ dạy về ngôn ngữ, chữ viết và giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc, mà còn giúp mọi người hiểu về nhân nghĩa, gìn giữ nếp sống, phong tục tập quán, hiểu đạo lý làm người, giúp con người hướng thiện, tránh xa điều tà ác”, ông Hềnh chia sẻ.
Ông Bàn Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết, việc dạy chữ Nôm cho người Dao tại bản Sưng và một số địa phương có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.