Nghệ nhân cuối cùng của làng đàn

TP - Làng Đào Xá (xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) từng vang danh khắp nước với nghề chế tác các loại đàn dân tộc. Thời vàng son đó, thợ đàn của làng mang nghề đi khắp chốn lập nghiệp. Trải bao vật đổi, sao dời, nghề của làng cứ mai một, chỉ còn người thợ đàn Đào Văn Tuấn (59 tuổi) đang cố bảo tồn, phát triển nghề truyền thống suốt 200 năm của tổ tiên.

Nghiệp tổ lung lay

Nằm cách trung tâm TP Hà Nội hơn 50km về phía Nam, làng Đào Xá được biết đến là làng nghề làm đàn dân tộc có tuổi đời hơn 200 năm. Nhưng cùng với sự phát triển của xã hội, những môn nghệ thuật dân tộc bị lấn át bởi các dòng nhạc cụ hiện đại, đẩy nghề làm đàn Đào Xá tới nguy cơ bị thất truyền. Nay chỉ còn duy nhất ông Đào Văn Tuấn, con trai của Nghệ nhân dân gian Đào Xuân Soạn còn duy trì nghề.

Ông Đào Văn Tuấn chế tác các loại đàn dân tộc

Cũng vì sự mai một của làng nghề, nay đến Đào Xá mọi người không còn nghe thấy những thanh âm của tiếng cưa, tiếng đục, tiếng đàn bầu, đàn tranh, đàn tỳ bà... Thanh niên trong làng lớn lên cứ rời bỏ quê hương đi làm ăn tứ xứ. Phải hỏi thăm mãi, tôi mới tìm được nhà người thợ đàn duy nhất của làng, anh Đào Văn Tuấn, ở trong con ngõ nhỏ giữa làng. Khi đặt chân đến đầu ngõ, tôi mới được nghe những thanh âm trong trẻo của các loại đàn dân tộc và được ngửi hương của gỗ trắc - nguyên liệu chính để làm đàn.

Vừa đánh bóng cây đàn tranh chuẩn bị gửi vào TPHCM giao cho khách, ông Tuấn cho hay, Đào Xá là làng nghề truyền thống chế tác nhạc cụ dân tộc duy nhất trong hệ thống các làng nghề ở Hà Nội, có tuổi đời hơn 2 thế kỷ, hiện chỉ còn ông duy trì nghiệp tổ. Ông Tuấn kể, cách đây 200 năm, cụ Đào Xuân Lan đã đưa nghề chế tác đàn dân tộc về làng truyền lại cho con cháu trong họ, rồi truyền cho những người trong làng và sau đó trở thành làng nghề làm đàn rất thịnh vượng.

“Các cụ kể lại, ngày xưa, đi từ đầu làng đến cuối ngõ, đâu đâu cũng nghe tiếng đục, tiếng cưa, xen lẫn với tiếng đàn dân tộc vang vọng. Khi nghề làm đàn phát triển thịnh vượng, nhiều người thợ chế tác đàn dân tộc của làng đi khắp nơi từ Bắc chí Nam lập nghiệp. Đặc biệt, những người thợ Đào Xá xưa lên khu 36 phố phường Hà Nội, lập ra hẳn một phố Hàng Đàn (nay được đổi tên thành phố Hàng Quạt - PV), một thời sầm uất”, anh Tuấn cho hay.

Ông Tuấn được sinh ra và lớn lên bên những cây đàn của cha, lẽ thường ông phải theo nghề, nhưng một điều trớ trêu là cả thời gian thanh xuân ông không nghĩ mình theo nghề làm đàn và rẽ sang con đường khác để lập nghiệp. Sau bao năm bôn ba, trong thời gian về chăm sóc cha vì bạo bệnh, ông mới hiểu hết nỗi lòng của người cha già đau đáu vì không còn ai nối nghiệp và làng nghề kéo dài 2 thế kỷ sẽ kết thúc khi ông về cõi vĩnh hằng. “Khi bố tôi ngoài 70 tuổi, ngay cả lúc sức khỏe yếu, cụ vẫn cặm cụi bào, đục làm đàn. Năm 2010, ngày ông đổ bệnh, nằm cả năm ở bệnh viện, tôi nghỉ hẳn công việc đang làm về chăm cha. Dù nằm trên giường bệnh nhưng ông vẫn cứ lo lắng cho nghề của cha ông để lại bị thất truyền. “Thấu hiểu nỗi lòng cha, ông quyết định sẽ học nghề để nối tổ nghiệp để lại. Trong thời gian ở nhà chăm cha, có nhiều người đến sửa đàn, tôi đã kỳ cục, mày mò sửa, rồi cảm nghề từ lúc nào không hay. Sau khi bố tôi khỏi bệnh, cụ đã truyền lại tất cả những bí quyết của nghề và tôi tiếp nối truyền thống của gia đình”, ông Tuấn nói.

Dựng lại hồn cốt nghề xưa

Thừa hưởng tố chất của dòng tộc họ Đào, trong những năm qua, ông Tuấn không chỉ sản xuất đàn mà còn sáng tạo, điều chỉnh một số công đoạn sản xuất. Như ông nói là cần “phiêu” một chút để âm thanh hay hơn, bay hơn… tạo nên tiếng đàn độc đáo mang thương hiệu Đào Xá. Ông Tuấn chia sẻ: “Khi nghe tiếng đàn của các nghệ sĩ sử dụng đàn Đào Xá, tôi cảm nhận được cái đẹp của nghề làm đàn. Thế rồi, tôi càng trau chuốt nghề hơn. Nay có thể khẳng định, nghề làm đàn đã ăn sâu vào máu và tôi sẽ sống chết với nghề”.

Nghệ nhân Dân gian cấp quốc gia trong lĩnh vực làng nghề truyền thống Đào Xuân Soạn

Gia đình ông đang sản xuất 14 loại đàn dân tộc gồm: Đàn nhị, đàn tam, đàn tứ, đàn nguyệt, đàn tranh, đàn đáy, đàn tỳ bà, đàn bầu... Tuy nhiên, đàn của ông Tuấn, cũng là hồn cốt của đàn Đào Xá ẩn chứa những bí quyết đặc biệt. Về vật liệu, ông Tuấn chia sẻ: “Làm đàn dân tộc có một công thức chung nhất là có “thành trắc, mặt vông”, tức thùng đàn làm bằng gỗ trắc, mặt đàn bằng gỗ vông. Gỗ trắc là loại tốt nhất, để làm ra những cây đàn cho âm thanh chuẩn, bền đẹp cùng thời gian”.

“Tôi đang tìm kiếm những người trẻ yêu nghề chế tác đàn dân tộc, không chỉ con cháu trong họ, có thể người ngoài nếu đam mê tôi sẽ truyền nghề, giúp làng nghề làm đàn dân tộc Đào Xá không bị thất truyền và tiếng đàn Đào Xá vang mãi không thôi”. Ông Đào Văn tuấn

Với một làng nghề sản xuất có tiếng tăm như Đào Xá, nguyên tắc đó được tuân thủ tuyệt đối. Nhưng cái khác ở Đào Xá chính kỹ nghệ làm đàn. Để làm ra được một cây đàn hoàn hảo, người làm phải thực hiện nhiều công đoạn tỉ mỉ với bàn tay tài hoa của người thợ. Với ông Tuấn, việc chọn gỗ, phơi gỗ cho đến những công đoạn ghép, hoàn thiện đều phải thủ công cẩn thận từng li, từng tí. Ông Tuấn nói, thùng đàn chỉ dày, mỏng hơn nhau một chút xíu, non tay đục, già tay bào là đem đến những kết quả khác nhau.

Ông Tuấn bộc bạch, một cây đàn tốt được sản xuất ra ngoài kinh nghiệm của người thợ, rất cần sự tâm huyết ngày đêm bên những cây cưa, thứa gỗ để tạo ra những cây đàn mang hồn cốt dân tộc, tạo nên thương hiệu đàn Đào Xá.

Nhưng từng đó vẫn chưa đủ, người làm đàn hay cũng đồng thời là người có đôi tai biết thẩm âm, thưởng nhạc. “Người làm đàn cái tai phải thính để thẩm âm cho chuẩn; cái tay làm sao cho khéo đục đẽo, vẽ, chạm khắc tạo hình hài cây đàn đẹp khi đến tay khách hàng”, ông Tuấn chia sẻ.

Hiện nay, nhiều nghệ sĩ chơi đàn dân tộc từ Bắc chí Nam, thậm chí các nghệ sĩ người nước ngoài gốc Việt cũng đến đặt ông Tuấn làm đàn. Ông không giỏi chơi đàn, nhưng được thừa hưởng khả năng thẩm âm rất chuẩn của cha. Ông biết chính xác âm thanh một cây đàn sẽ như thế nào, ngay từ khi hoàn thiện, chứ chưa cần đến lúc so dây, chơi thử.

Việc hồi sinh được thương hiệu đàn Đào Xá là một thành công, nhưng chưa tìm được người kế tục nghề khiến ông Tuấn nhiều lúc cô đơn và chưa được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Việc tìm người kế nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, vì thế hệ trẻ của làng cũng có người dành tình yêu cho nghề nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn theo nghề, bởi tính phức tạp và sự gò bó của nó. Vì thế, hành trình duy trì “lửa” nghề qua các thế hệ vẫn còn là con đường gian nan.

V.H