NSND Kim Dung:

Nghề ngâm thơ, ai say thì đến!

TP - Trong danh sách phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) lần thứ 10, có một nghệ sĩ ngâm thơ hiếm hoi. Giọng ngâm thơ Kim Dung không còn xa lạ với thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bà không nhớ mình đã ngâm bao nhiêu bài thơ trên Đài, có thể đã lên tới cả ngàn thi phẩm của các tác giả trong và ngoài nước. Có những bài thơ như được “đo ni đóng giày” cho giọng ngâm của Kim Dung.
Vợ chồng NSND Kim Dung và khán giả hâm mộ

Ít ai biết, trước khi thành giọng ngâm thơ nổi tiếng cả nước, Kim Dung từng là nghệ sĩ cải lương: “Tôi gốc Nam Định, lên Hà Nội từ lúc 16 tuổi trong đợt tuyển văn công của Đoàn Cải lương Trung ương”, bà kể. Theo bà, thời ấy muốn thành văn công không dễ, như bản thân bà đã phải trải qua 3 lần thi, lần đầu hát nhạc mới, lần thứ hai hát dân ca, lần cuối hát cải lương, cạnh tranh với 500 thí sinh khác, cuối cùng chỉ có bà và một thí sinh nam kéo đàn violin nhận được tấm vé đi tiếp.

Nghệ sĩ ngâm thơ sinh ra trong một gia đình không ai theo nghệ thuật. Nhưng Kim Dung mê văn nghệ từ bé. Ở tuổi 16 bà lựa chọn theo nghiệp “làm dâu trăm họ” còn bị cha phản đối. Nhưng cuối cùng không ai trói được đam mê của Kim Dung.

Về Hà Nội bà vừa học, vừa biểu diễn, vừa làm MC chính của Đoàn Cải lương Trung ương: “Tôi ở Đoàn Cải lương gần 5 năm. Khi vào Đoàn phải tuân thủ quy định, trong 3 năm đầu không được yêu đương, lấy chồng. Cho nên, 19 tuổi tôi mới lập gia đình, thế là muộn so với phụ nữ thời ấy. Năm 1965, tôi sinh con gái đầu, chồng tôi tình nguyện vào chiến trường. Một mình tôi ở hậu phương nuôi con nhỏ, may có giọng hát, giọng ngâm thơ nên nhận được lời mời cộng tác với Đài tiếng nói Việt Nam, vào năm 1967”.

Kể đến đây, nữ nghệ sĩ khoe với tôi tư liệu bà cất giữ từ năm 1967. Đó là bài thơ bà thu đầu tiên cho Đài, bài “Ba viên đạn” của nhà thơ Tạ Hữu Yên, trong buổi phát thanh binh địch vận. Bất kể một chương trình nào cần đến giọng ngâm Kim Dung, bà đều không từ chối.

Thính giả của Đài có thể gặp bà ở buổi phát thanh thanh niên, phụ nữ, nông thôn, công nhân hay đọc truyện đêm khuya, nhiều nhất là chương trình Tiếng thơ. Năm 1972, bà chính thức được mời về Đài tiếng nói Việt Nam làm việc, ở ban Văn học Nghệ thuật. Bà gắn bó với ban Văn học - Nghệ thuật đến khi về hưu.

NSND Kim Dung thời trẻ và món quà của khán giả nước ngoài

Kho kỷ niệm, ân tình đầy ắp

NSND Kim Dung thừa nhận, so với các ca sĩ nổi tiếng thì nghệ sĩ ngâm thơ thua xa về thu nhập. Nhưng bà không chạnh lòng, bởi có những thứ quý giá không thể đong đo bằng vật chất. Bà tự hào vì được cắp tráp theo “hầu” các giáo sư lưu danh cùng thời gian như GS. Hoàng Ngọc Hiến, GS. Nguỵ Như Kon Tum, GS. Trần Quốc Vượng…

Với những nhà thơ nổi tiếng như Xuân Diệu, Huy Cận, Hoàng Trung Thông, Thanh Tịnh, Phạm Tiến Duật, Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa hay nhà văn Nguyễn Tuân, bà đều có cơ hội diện kiến, ngâm thơ của họ, thậm chí có mối quan hệ khá thân gần.

Gia tài quí giá nhất của nghệ sĩ ngâm thơ đã ở buổi hoàng hôn cuộc đời, chính là những tình cảm, kỷ niệm đong đầy mà khán giả dành cho bà. Bà tự hào là nghệ sĩ sống trong lòng nhân dân: “Tôi đã đi biểu diễn khắp nơi, 63 tỉnh thành Việt Nam tôi đều đã đi qua, có những vùng đất tôi biểu diễn tận 2-3 lần. Có khán giả nói, chị Dung thì quên chúng tôi nhưng chúng tôi không bao giờ quên chị, vì chúng tôi đã được nghe giọng ngâm thơ của chị cách đây mấy chục năm rồi. Tôi còn có những người hâm mộ từ Mỹ, Séc, Đức…

Có khán giả tâm sự, từ thuở 15-16 tuổi anh đã nghe tôi ngâm thơ trên Đài. Sang nước ngoài học tập anh còn mang theo băng thơ Kim Dung. Mỗi lần nghe Kim Dung ngâm thơ anh cảm thấy như được gần với quê hương, đất nước, dân tộc Việt Nam”, nữ nghệ sĩ chia sẻ.

Bà nhớ mãi kỉ niệm với một thương binh trẻ 18 tuổi ở chiến trường Campuchia trở về. Anh bị thương nặng không thể qua khỏi nhưng đầu óc còn minh mẫn. Kim Dung đến bệnh viện nơi anh đang nằm để biểu diễn. Trước khi lìa xa trần thế, chiến sĩ 18 tuổi đề nghị Kim Dung: Con muốn cô ngâm bài thơ “Quê hương”.

Kim Dung cất giọng ngâm thơ trong nghẹn ngào. Một kỷ niệm khác cũng khiến bà nhớ mãi không quên. Sau ngày đất nước hoà bình, bà đến nông trường chè ở Tuyên Quang. Những phụ nữ ở nông trường vốn là những thanh niên xung phong. Họ không chồng, ai cũng khao khát có một đứa con để đêm khuya vắng lặng nơi núi rừng đỡ cô độc. Kim Dung chọn bài thơ “Nỗi buồn của em” của Phạm Đức.

Giọng ngâm thơ tha thiết của bà cùng những câu thơ chạm tim của Phạm Đức đã làm nước mắt của những khán giả đặc biệt lặng lẽ rơi: “Gối nghiêng lệch nửa mái đầu/Nghe từng sợi tóc chuyển màu gió sương/Trở mình đau cả lạch giường/Tay gầy ấp ngực mình thương lấy mình”. Trước mỗi buổi biểu diễn, Kim Dung đều nghiên cứu đối tượng khán giả để chọn thơ cho phù hợp.

Bút tích của nhà thơ Lê Đức Thọ

Sửa cả thơ của “thần đồng”

Kim Dung yêu thơ, say thơ nên bà không chỉ ngâm thơ mà còn góp ý với các nhà thơ để bài thơ thêm đẹp. Bài “Điểm tựa” của nhà thơ Lê Đức Thọ có câu: “Mẹ lại giục về vì mấy sào ruộng khoán”. Trong một lần đi công tác với nhà thơ Lê Đức Thọ, nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhân lúc rảnh rang, bà trao đổi với tác giả “Điểm tựa”: “Cháu thấy vướng một câu, cho cháu xin phép bác khi biểu diễn được đổi câu thơ trên thành: Thương mẹ một mình vì mấy sào ruộng khoán. Nhà thơ Lê Đức Thọ vỗ đùi, khen tôi: Cháu cũng là một nhà thơ”. Sau này in sách, chính nhà thơ Lê Đức Thọ đã sửa câu thơ trên theo ý Kim Dung.

Nghệ sĩ ngâm thơ còn góp ý với thơ Hồ Dzếnh. Ông viết: “Con nằm thiêm thiếp trong nôi”. Bà trao đổi với biên tập, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, để sửa thành: “Con nằm ngon giấc trong nôi”. Theo kinh nghiệm của một người mẹ, bà cảm thấy khi trẻ con nằm thiêm thiếp thường là bị sốt. Sau đó, con trai của nhà thơ Hồ Dzếnh có đến nhà Kim Dung chơi, báo lại, nhà thơ Hồ Dzếnh khen nghệ sĩ ngâm thơ: “Cô này cũng láu”.

Bà còn góp ý thơ của “thần đồng” Trần Đăng Khoa. Trong bài “Mẹ ốm”, Trần Đăng Khoa viết: “Mọi hôm mẹ thích vui chơi/Hôm nay mẹ chẳng nói cười được đâu”. Bà nói với Trần Đăng Khoa: “Tôi về nông thôn thấy các cụ tham công tiếc việc lắm, không thích chơi đâu, nên sửa: Mọi hôm mẹ vẫn vui tươi/Hôm nay mẹ chẳng nói cười được đâu”.

Nghề ngâm thơ không ai dạy cả

Nghệ sĩ Kim Dung yêu thơ Bác. Bà đã dành thời gian thuê phòng thu để ngâm nguyên cuốn “Nhật ký trong tù”, tặng cho Bảo tàng Kim Liên, nhân 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà cũng đặc biệt thành công khi ngâm bài thơ “Sáng Tháng Năm” của Tố Hữu viết về Bác Hồ. Nhắc tới giọng ngâm thơ Kim Dung nhiều khán giả nhớ đến bài thơ “Hương thầm” của Phan Thị Thanh Nhàn.

Bà bật mí bí quyết chinh phục “Hương thầm”: “Tôi sáng tạo ở câu kết: Họ chia tay vẫn chẳng nói điều gì/Mà hương thầm thơm mãi bước người đi. Tôi đổ chữ “thầm” như lời thầm thì. Khán giả vỗ tay rào rào, đề nghị ngâm lại lần hai. Chính tác giả bài thơ còn nói vui: “Hương thầm” bây giờ là của Dung chứ không phải của Nhàn”.

NSND Kim Dung

Tôi hỏi bà: Ngâm thơ cách mạng khó ở điểm nào? Bà cười: “Không có gì khó. Cái cần có là tư duy và khả năng thẩm thấu văn học của người nghệ sĩ. Ngâm thơ không như những bộ môn nghệ thuật khác vừa có nhịp phách, vừa có thày dạy. Ngâm thơ không ai dạy cả. Bà thấy mình may mắn vì có mấy năm học tập và biểu diễn ở Đoàn Cải lương Trung Ương nên lĩnh hội được phong thái trên sân khấu và nghệ thuật giao tiếp với khán giả.

Với những bạn trẻ muốn theo nghề ngâm thơ, bà nhắn nhủ: “Nghề ngâm thơ không có trường lớp nào, chỉ là tự phát. Nếu say thì hãy đến với nó. Nghề này sâu lắng, thầm lặng. Cho nên, Đài tiếng nói Việt Nam thời chống Mỹ cứu nước để buổi “Tiếng thơ” phát vào tối thứ tư và tối chủ nhật hàng tuần, khi khán giả có thời gian và sự yên tĩnh để lắng nghe”.

Ở tuổi 79 bà được phong tặng danh hiệu NSND. Từ Cộng hoà Séc bà trở về Việt Nam để đón nhận danh hiệu và đón tết Nguyên Đán. Kim Dung nói: “Hồi xưa chúng tôi không bao giờ để ý đến danh hiệu NSƯT, NSND. Chỉ biết là, trời cho mình năng khiếu thì mình mang nó để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước vô điều kiện, từ miền núi đến đồng bằng hay hải đảo xa xôi”.

Tôi hỏi bà, nếu được chọn lại bà vẫn chọn nghề ngâm thơ? Bà đáp bằng thơ: “Về hưu còn lại cái tâm/Thuỷ chung son sắt ngàn năm không mờ/Trọn đời cống hiến cùng thơ”. Nghệ sĩ ngâm thơ không dậm chân tại chỗ. Bà từng học thêm hát ả đào với hai tên tuổi lớn, NSND Quách Thị Hồ và nghệ nhân Nguyễn Thị Phúc. Từ đó bà sáng tác được những bài ca trù, từng mang chúng đi thi và giành huy chương vàng ở bộ môn ca trù và ngâm thơ tại Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc năm 1985.