Nghề đọc sách thuê

TP - Khoảng chục năm đổ lại đây, đọc sách thuê cho người già, trẻ em, người ốm... được coi là một nghề mới của sinh viên. Nhận ra lợi ích của công việc này, những người bận rộn, người nổi tiếng, các doanh nhân... bắt đầu gia nhập đội ngũ khách hàng, biến nhiều mọt sách trở thành những người cung cấp dịch vụ.

Với việc mở rộng thị trường đọc thuê, nhiều mọt sách có cơ hội kiếm tiền nhờ vào đam mê của mình

Khách hàng không đủ thời gian để đọc sách

Tôi trở thành một người đọc sách thuê trước khi biết đến thị trường rộng mở của công việc này. Cách đây khoảng năm năm, một người quen của tôi đề nghị tôi giúp anh cập nhật những cuốn sách mới và hot dưới hình thức tóm tắt và phân tích những điều “hay ho” nhất của cuốn sách. Không có thời gian là lý do vị khách hàng này đưa ra để thuyết phục tôi làm “trợ lý đọc”.

Thế là đều đặn từ đó, thay vì đọc sách cho bản thân, tôi thành người đọc sách thuê cho một người khác. Túi tôi nặng thêm vì lúc nào cũng có một cuốn sách đang đọc dở. Quá trình tái bản miệng không phải lúc nào cũng suôn sẻ vì thời gian của chúng tôi khá chênh lệch. Đâu được nửa năm thì khách hàng phải ra nước ngoài có việc. Chúng tôi hoàn toàn làm việc qua email.

Việc của tôi là viết lại những tóm tắt thành các bài viết. Độ dài mỗi bài không được quá 700 ký tự, bắt buộc phải có đủ các thông tin: về tác giả, thể loại, năm in, cùng đề tài này đã từng có ai viết hay chưa, dư luận đánh giá như thế nào, bản thân tôi đánh giá như thế nào v.v... Thời gian của tôi eo hẹp dần, nhất là những lúc cần đọc gấp. Bù lại, cuối tháng tài khoản có thêm một khoản tiền gần bằng thu nhập từ công việc chính của tôi.

Công việc suôn sẻ khoảng một năm, khách hàng của tôi hỏi, liệu có thể nhận đọc cho một người khác nữa không, người này cũng rất cần các thông tin từ sách nhưng lại không có đủ thời gian để đọc.

Ngoài sách tiếng Việt, nhu cầu thuê đọc sách tiếng Anh hiện đang thu hút rất nhiều người trẻ thạo ngoại ngữ

Tôi dĩ nhiên không kham nổi nên giới thiệu cho một bạn khác. Nhờ thế tôi mới biết, đọc sách thuê đã có hẳn một thị trường và hoạt động khá sôi nổi dù chưa được phổ biến như làm gia sư hay dạy ngoại ngữ.

Khác với việc đọc sách cho người già, trẻ em nghĩa là cần đọc ra tiếng như kiểu phát thanh viên, đọc sách thuê cho những người bận rộn tương tự như quá trình giới thiệu một cuốn sách. Cần phải nói được tất cả những cái hay, cái đẹp, cái mới của cuốn sách đó, mô tả được cấu trúc của cuốn sách, so sánh nó trong hệ thống xuất bản, ngoài ra khách hàng có thể hỏi về các chi tiết hoặc yêu cầu thảo luận.

Thù lao cho việc đọc thuê này do vậy không tính theo giờ mà tính theo đầu sách. Tùy độ khó, dầy của sách, trung bình một cuốn sách đọc thuê có giá trung bình 300-700 ngàn đồng/ cuốn.

Chị Nguyệt Nga (có 3 năm đọc sách thuê cho người nổi tiếng) cho biết: “Khách hàng tìm đến tôi chủ yếu do người này giới thiệu người kia. Đa số họ rất bận rộn, thay vì dành vài ba ngày để đọc một cuốn sách, họ muốn quá trình ấy gói gọn trong ba mươi phút hoặc một giờ. Cũng giống như làm gia sư phải có kỹ năng sư phạm, đọc sách thuê cũng phải có kỹ năng tóm tắt và giới thiệu.

Đa số người thuê đọc sách đều yêu cầu sách văn học, self-help hoặc một số sách kỹ năng. Thù lao thì không có giá chung mà do thỏa thuận. Thực ra mọi người thấy tôi lấy giá 1 triệu đồng một cuốn sách có vẻ đắt nhưng hãy hình dung thời gian tôi bỏ ra để ngốn hết cuốn sách đó. Thu nhập của công việc này không thể gọi là cao. Nếu không phải là người mê đọc thì rất khó trụ”.

Trợ lý đọc

Đối với các doanh nhân và những người bận rộn thực sự, họ hầu như không giấu thông tin mình có trợ lý đọc.

“Công việc của tôi không thể quá lạc hậu với tình hình văn học nghệ thuật, nhưng quả thực là không có thời gian để nghiền chữ. Nếu một cuốn sách được chuyển thành phim thì tôi tình nguyện xem phim, chỉ mất khoảng hai tiếng thay vì ít nhất hai ngày để nắm được nội dung cuốn sách đó. Nhưng không phải tác phẩm nào cũng có thể chuyển thể, vì vậy, tôi cho rằng việc chọn một trợ lý đọc là rất cần thiết”, doanh nhân Phạm Kiều Liên chia sẻ.

Nhà văn Trang Hạ cũng cho biết, vì không có nhiều thời gian để đọc, chị phải đăng tuyển thuê một sinh viên đọc sách hộ với mức lương 5 triệu đồng một tháng. Theo đó, mỗi tuần hai buổi, “nhân viên” của chị sẽ phải báo cáo hai lần về bản đồ tư duy một cuốn sách mà chị yêu cầu và cung cấp tất cả thông tin xung quanh cuốn sách đó, thậm chí mở rộng so sánh với cũng cuốn sách cùng thể loại. Công việc gần như “hiếm có” và không dễ nhưng vẫn có nhiều ứng cử viên muốn thử sức, nhà văn bổ sung.

Cũng không biết bắt đầu từ ai, cụm từ “trợ lý đọc” dần được dùng để chỉ chung đội ngũ đọc sách thuê. Thỉnh thoảng, trên các diễn đàn đọc người ta sẽ thấy những đăng tuyển trợ lý đọc, yêu cầu không chỉ dừng ở tiếng Việt. Rất nhiều hợp đồng tuyển trợ lý đọc ghi rõ: đọc văn bản bằng tiếng Anh, Ý, Pháp, Trung... Càng là những khách hàng có yêu cầu cao, thì mức lương cũng càng hậu hĩnh. Điều đáng nói là ngày càng có nhiều ứng viên quan tâm đến những thông tin này, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch quốc tế, vốn đang thất nghiệp vì COVID-19 và có khả năng ngoại ngữ tốt.

“Tôi nghĩ nên coi việc đọc sách thuê như một nghề nghiệp có nghiệp vụ chuyên môn, giống như nghề phân tích tài chính hay maketing. Xuất phát từ nhu cầu thật của thị trường, những người đọc thuê vì vậy cũng phải trau dồi kỹ năng của mình để đáp ứng yêu cầu của khách. Ban đầu việc đọc có thể chỉ xuất phát từ sở thích cá nhân, nhưng khi chúng ta biến nó thành dịch vụ, vậy thì lại phải cân nhắc đến những nhu cầu khác của khách hàng. Từ ngày chấp nhận công việc này, tôi thấy việc đọc của mình hiệu quả hơn hẳn. Tôi nhớ nội dung hơn do phải “đào xới” cuốn sách kỹ càng, ngoài ra kỹ năng thuyết trình cũng tốt hơn hẳn”, chị Nguyệt Nga chia sẻ.

Kỹ năng nghề nghiệp

Bên cạnh những khách hàng coi việc đọc hộ là một phần công việc, cũng có nhiều người dùng việc “biết” đến sách như một thứ mác để tăng giá trị bản thân.

Huỳnh Minh Hợp trong cộng đồng đọc sách thuê cũng là một “nhà cung cấp dịch vụ” được đánh giá cao chia sẻ: “Thời gian đầu chưa biết luật, tôi khoe trên trang cá nhân mình đang đọc sách thuê cho một ngôi sao. Ngay sau đó bài viết của tôi bị khóa, ngôi sao cũng cắt hợp đồng thuê. Về sau, nhờ một tiền bối phân tích tôi mới hiểu: rất nhiều người lấy việc đọc sách để xây dựng giá trị cá nhân, vì thế họ không muốn tiết lộ công việc ấy hóa ra do đi tắt đón đầu mà thành. Về sau, trong các hợp đồng đọc với những người nổi tiếng tôi đều phải bổ sung thêm một hạng mục: bí mật thông tin khách hàng (kiểu như thám tử vậy)”.

Hướng dẫn viên Tuấn Tintin trở thành người đọc sách thuê sau khi các tua quốc tế bị đóng băng do dịch bệnh cho biết: “Cuốn đầu tiên tôi được yêu cầu đọc là bộ Kama Sutra bằng tiếng Anh. Sau đó là mấy bộ Shunga. Ban đầu tôi còn nghĩ có khi mình bị quấy rối tình dục hay không. Về sau thấy khách không khác thường gì nên vẫn tiếp tục công việc. Cũng nhờ vị khách đặc biệt này tôi mới biết hóa ra trên thế giới có hẳn một dòng sách chuyên về chuyện tình ái có lịch sử hàng trăm năm và bán rất chạy”.

Tuấn Tintin còn cho biết, sau hợp đồng đọc sách khác người này, anh và khách hàng trở thành bạn bè. Đây cũng được coi là một giá trị thặng dư của nghề đọc thuê: rất nhiều mối quan hệ tốt được xây dựng sau khi khách và người cung cấp dịch vụ tìm thấy tiếng nói chung về sách.

“Luôn phải mang theo một cuốn sổ và bút khi đọc, nếu không gõ nhanh vào phần ghi nhớ của điện thoại cũng được. Việc này sẽ tạo thói quen ghi chép rất có lợi cho nhiều công việc, không chỉ việc đọc. Rất nhiều tác giả giấu thông điệp của cuốn sách qua một vài từ hoặc vài câu, nói chung tìm được càng nhiều thông điệp càng tốt.

Ngoài ra, những câu nói bắt trend, cụm từ mới cũng là thứ có thể gợi hứng thú cho khách hàng. Vẽ lại bản đồ tư duy của cuốn sách, vừa giúp bạn dễ hình dung vừa giúp quá trình thuật lại trơn tru và có hệ thống hơn. Thiếu nó, sau khi đọc xong cuốn sách trí óc mình hoang mang không hệ thống gì cả. Và nếu có thể, hãy mở rộng nội dung cuốn sách bằng cách so sánh nó với hệ thống cùng loại. Nắm chắc được mấy gạch đầu dòng cơ bản này là bạn có thể bắt đầu kiếm cơm bằng nghề đọc thuê rồi”, chị Nguyệt Nga chia sẻ về bí quyết hành nghề.