Nghệ An chuyển mình đón 'sóng' công nghiệp hỗ trợ

TPO - Công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An gần đây phát triển nhanh nhờ thu hút được một số dự án FDI quy mô lớn. Tỉnh đã hình thành rõ nét một số lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành điện tử, dệt may, cơ khí lắp ráp, sản xuất bao bì...

Bước chuyển lớn 4 năm phát triển Công nghiệp hỗ trợ ở Nghệ An

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, trong vòng 4 năm trở lại đây, cùng với hàng loạt chính sách thúc đẩy, ưu đãi được ban hành, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển nhanh chóng và đạt được những thành tựu nhất định, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách của tỉnh; giải quyết nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

Đáng chú ý, sau gần 4 năm, thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, Nghệ An đã thu hút được một số dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ quy mô vốn lớn đầu tư vào địa bàn tỉnh, chủ yếu là doanh nghiệp vốn FDI, và đặt nền tảng để phát triển và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa một số lĩnh vực như: Điện tử, công nghệ thông tin, may mặc, cơ khí,... góp phần phát triển công nghiệp của tỉnh theo hướng ngày càng bền vững.

Dây chuyền may xuất khẩu của Công ty TNHH Havina Kim Liên - Nam Đàn.

Đóng góp của lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vào giá trị sản xuất của công nghiệp của tỉnh ngày càng cao nhờ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với giá trị sản xuất các sản phẩm ước đạt khoảng 7.600 tỷ đồng, chiếm 9,5% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Theo đại diện tỉnh Nghệ An, với những chính sách được đưa ra, bước đầu đã hình thành sự liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu (Nhà máy cơ khí Hải Đức sản xuất một số ốc vít cho Tập đoàn Formusa, Công ty TNHH Alivator Strongs cung cấp linh kiện tháng máy cho Tập đoàn Hàn Quốc,...).

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh Nghệ An, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh nhìn chung vẫn còn yếu và thấp hơn mức trung bình cả nước, chiếm tỷ trọng nhỏ trong giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Thiếu các cơ sở sản xuất nguyên, vật liệu cơ bản như thép chế tạo, nguyên liệu nhựa, cao su kỹ thuật, hóa chất cơ bản, linh kiện ô tô,… Trình độ công nghệ và năng lực về vốn, năng lực cạnh tranh của sản phẩm còn thấp, phạm vi thị trường rất hạn chế. Nguồn nhân lực tuy đông nhưng trình độ qua đào tạo còn thấp. Khả năng liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn yếu.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ là nhiệm vụ trọng tâm

UBND tỉnh Nghệ An nhận định, phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tới là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao tỷ trọng giá trị nội địa của các sản phẩm công nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, giảm nhập khẩu các linh kiện, phụ kiện phục vụ các ngành sản xuất.

Qua việc nghiên cứu thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An thời gian qua, kết hợp với công tác khảo sát thực tế, phân tích môi trường và khả năng thu hút đầu tư trong thời gian tới, có thể khẳng định nhu cầu thị trường các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An có rất nhiều tiềm năng. Có thể đánh giá khái quát dung lượng thị trường nội địa và dung lượng thị trường xuất khẩu đối với các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Theo UBND tỉnh Nghệ An, mục tiêu trong những năm tới, tỉnh sẽ phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ (GO) bình quân hàng năm đạt 12 - 13%, chiếm trên 20% giá trị sản xuất công nghiệp vào năm 2025 và tăng dần tỷ trọng trong những năm tiếp theo.

"Tăng cường thu hút đầu tư các tập đoàn công nghiệp nhất là khu vực FDI để thúc đẩy phát triển nhanh các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa. Đến năm 2025, phấn đấu số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa chiếm từ 10 -12% tổng số doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp. Có từ 20 - 30 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đóng trên địa bàn tỉnh có thể tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng của các tập đoàn", đại diện UBND tỉnh Nghệ An cho hay.

Các cơ quan, doanh nghiệp Nhật Bản khảo sát tại Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An.

Trên cơ sở phân tích các yếu tố tác động, nhu cầu thị trường và các luận cứ lựa chọn, giai đoạn tới tỉnh Nghệ An đẩy mạnh phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành sản xuất sẵn có trên địa bàn tỉnh và thị trường trên cả nước đang có nhu cầu cao như công nghiệp hỗ trợ ngành dệt - may; hạt phụ gia....

Đối với nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tập trung thu hút đầu tư, tỉnh Nghệ An tập trung ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chính phù hợp với sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư và xu hướng phát triển của thời đại như: Điện tử, viễn thông; cơ khí, chế tạo; sản xuất và lắp ráp ô tô. Trong mỗi nhóm ngành sẽ tập trung đề xuất phát triển công nghiệp hỗ trợ cho một số lĩnh vực và cụm sản phẩm trọng điểm.

Để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh Nghệ An đã đưa ra 7 giải pháp phát triển gồm: Giải pháp về xúc tiến, thu hút đầu tư; Tạo môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh thuận lợi để công nghiệp hỗ trợ phát triển; Hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; Giải pháp phát triển chuỗi giá trị liên kết; Nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; Nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công.

Đối với tỉnh Nghệ An phát triển công nghiệp hỗ trợ không những là động lực hỗ trợ phát triển các công nghiệp hoàn chỉnh mà còn là nền tảng phát triển công nghiệp của tỉnh theo định hướng Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nhanh và bền vững. Vì vậy việc xây dựng Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là hết sức cần thiết.