'Ngày quên ăn, đêm không ngủ' tại xóm trọ tồi tàn nhất Thủ đô vì sợ siêu bão cuốn bay mất nhà
TPO - Đa phần người thuê trọ tại khu nhà cấp 4 tạm bợ dưới chân cầu Long Biên, đều sinh sống dựa vào nghề cửu vạn và nhặt ve chai, phế liệu trên chợ đầu mối. Do đó, khi siêu bão Yagi đến, những người này không có thu nhập, chỉ có thể tá túc trong phòng trọ xập xệ, thậm chí "quên" ăn - ngủ vì sợ bão làm đổ nhà, không có chỗ trú.
Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc, đặc biệt là Quảng Ninh và Hải Phòng đang hứng chịu những hậu quả nặng nề, nhất là về nhà cửa do siêu bão số 3 (Yagi) gây ra.
Ghi nhận thực tế tại khu nhà trọ tạm bợ dưới chân cầu Long Biên (Phúc Xá, Ba Đình), siêu bão đã khiến nhiều căn nhà cấp 4, lợp pro xi măng liêu xiêu.
Bão khiến cây lớn đổ đè lên mái khu nhà trọ cấp 4 của ông Chiến. Do đó, dù đã hơn 70 tuổi và sức khỏe kém nhưng ông Chiến và vợ vẫn đội mưa cùng con trai chặt bớt những nhánh cây đang đâm xuống mái nhà trọ.
Bà Vũ (54 tuổi, Hưng Yên), cho biết mình và con trai thuê căn trọ cấp 4 rộng khoảng 3m2 này với giá 700.000 đồng/tháng, chưa tính điện nước.
Do bão làm cây đổ đâm xuống mái nhà và làm nứt ngói nên phòng trọ của hai mẹ con bà Vũ dột nước, phải tận dụng ruột nồi cơm điện để hứng nước.
Bên cạnh phòng bà Vũ là phòng trọ của cụ bà Trần Thị Quyết (75 tuổi, Thái Bình), cũng bị bão làm dột nhà. Do mắt kém, sức khỏe yếu nên trước siêu bão Yagi, cụ không thể chuẩn bị đồ ăn, nước uống như nhiều người.
Khi siêu bão ập đến, mái nhà bị cây lớn đổ đè lên nên cụ Quyết phải cùng những người trong khu trọ gia cố lại phần mái, cũng như tìm cách để hứng nước mưa trong nhà. Thậm chí, lúc rạng sáng 8/9, cụ phải mặc áo mưa ngồi chờ trời sáng chứ không dám chợp mắt vì sợ bão thổi bay mất phòng trọ.
Bạn thân của cụ Quyết là cụ Lê Thị Băng (70 tuổi, Hưng Yên) cũng cùng chung dãy trọ, nhưng vì sức khỏe yếu nên chỉ có thể nằm trên giường mong siêu bão nhanh đi qua.
Cụ Băng cho biết, bản thân vốn thuê trọ ở gần đó nhưng do siêu bão làm bay mái nhà nên cụ qua gần nơi bạn thân ở để tránh bão.
Cũng theo cụ Băng, hai ngày nay vì ốm và mệt, nên cụ chỉ uống sữa cầm hơi, bạn thân vay mượn hàng xóm để nấu cơm cho cụ uống thuốc đỡ say cụ cũng không nuốt nổi.
Cả cụ Quyết và cụ Băng hiện đều là người neo đơn, không có người thân chăm sóc. Công việc chính của hai cụ đều là nhặt ve chai trên chợ đầu mối Long Biên, với mức thu nhập trung bình từ 30 – 50 nghìn đồng/buổi.
Do đó, trong cơn cuồng phong của siêu bão Yagi, hai cụ già chỉ có thể động viên nhau rằng bão sẽ sớm qua đi, mái nhà sẽ không bị bay mất.
Khi PV hỏi rằng mưa bão làm dột nhà, hai cụ nấu nướng thế nào thì họ chỉ cúi đầu cười trừ.
Được biết, đa phần người thuê trọ tại khu nhà cấp 4 tạm bợ này, đều sinh sống dựa vào nghề cửu vạn và nhặt ve chai, phế liệu trên chợ đầu mối Long Biên. Do đó, khi siêu bão Yagi đến, những người này phải ở nhà, không có thu nhập, khiến cuộc sống bị ảnh hưởng.
Theo thống kê sơ bộ, Hà Nội có hơn 100.000 lao động tự do ngoại tỉnh cư trú không cố định, nên nhu cầu về nhà ở rất cao. Tuy nhiên, nguồn cung về nhà ở xã hội, nhà ở bình dân cho những đối tượng này hiện nay rất hạn chế, việc này khiến giá nhà cho thuê liên tục tăng cao.
Vì vậy, những người lao động nghèo như cụ Quyết, cụ Băng hay mẹ con bà Vũ chỉ có thể bấm bụng thuê nhà tại những khu trọ ổ chuột, mặc dù biết nơi này không đảm bảo về điều kiện an toàn PCCC và trụ vững trước những cơn bão lớn như Yagi.
Do đó, các chuyên gia và người lao động nghèo hi vọng thời gian tới, nguồn cung về các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp ở Thủ đô sẽ tăng, góp phần làm hạ giá cho thuê, giúp người nghèonhẹ gánh cơm áo gạo tiền vài phần…