Ngoài ông Thăng, các bị cáo khác cùng hầu tòa gồm Ninh Văn Quỳnh - nguyên Kế toán trưởng, Trưởng Ban Tài chính kế toán và Kiểm toán PVN; Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Phó TGĐ PVN; và các thành viên HĐTV PVN là Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Phan Đình Đức.
Tất cả các bị cáo cùng bị truy tố về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng Ninh Văn Quỳnh bị truy tố thêm về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
HĐXX gồm 5 người, trong đó thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu giữ vai trò chủ tọa phiên tòa. Giữ quyền thực hành công tố và kiểm sát xét xử tại tòa gồm các kiểm sát viên Trần Thị Thanh Huyền và Nguyễn Thị Hồng Vân thuộc VKSND TP Hà Nội.
Đến nay, có 20 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo tại phiên tòa. Trong đó, bị cáo Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐTV PVN có 5 luật sư gồm các ông Lê Văn Thiệp, Nguyễn Huy Thiệp, Đào Hữu Đăng, Phan Trung Hoài, Nguyễn Ngọc Luận.
Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa xử vụ nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Tham dự phiên tòa còn có đại diện PVN (nguyên đơn dân sự); OceanBank (người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan). Hà Văn Thắm – người nhận án chung thân trong vụ OceanBank cũng được triệp tập với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Bị can Nguyễn Ngọc Sự - nguyên Phó TGĐ PVN (bị khởi tố trong vai trò Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam SBIC) và bị cáo Nguyễn Ngọc Sự - nguyên TGĐ PVN (án sơ thẩm 9 năm tù trong vụ Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2) cũng được triệp tập.
Theo cáo trạng, ông Nguyễn Ngọc Sự và Phùng Đình Thực có trách nhiệm trong việc PVN góp 800 tỷ đồng để nắm giữ 20% vốn điều lệ tại OceanBank. Số tiền này bị mất khi Ngân hàng Nhà nước phải mua lại OceanBank.
Ông Nguyễn Ngọc Sự còn bị bắt giam để điều tra hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc gửi tiền của SBIC vào OceanBank để một số cá nhân nhận, hưởng lãi suất ngoài hợp đồng khoảng hơn 100 tỷ đồng.
Hà Văn Thắm khai gì về việc PVN góp 800 tỷ đồng?
Về phần Hà Văn Thắm, cơ quan tố tụng xác định ông Thắm đã ký thỏa thuận với ông Đinh La Thăng về việc PVN góp vốn vào OceanBank. Khi đó, PVN không được đồng ý thành lập ngân hàng Hồng Việt nên Nguyễn Xuân Sơn – Trưởng ban trù bị ngân hàng Hồng Việt (sau là TGĐ OceanBank, phó TGĐ PVN, án tử hình trong vụ OceanBank) gọi điện cho Hà Văn Thắm ngỏ ý muốn đầu tư.
Ngày 17/9/2008, Hà Văn Thắm gặp ông Thăng tại trụ sở PVN ở 18 Láng Hạ (Hà Nội), thỏa thuận PVN góp 20% vốn điều lệ; cán bộ công nhân viên của PVN góp 10% vốn điều lệ vào OceanBank. Thỏa thuận này được ký vào hôm sau (18/9/2008) khi PVN chưa nghiên cứu, tìm hiểu về OceanBank.
Tại cơ quan điều tra, Hà Văn Thắm khai nhận ngoài “rót tiền”, đại diện PVN (các ông Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Sơn...) còn thống nhất sẽ hỗ trợ OceanBank về tài chính, vốn đồng thời khuyến khích các đơn vị thành viên sử dụng các dịch vụ tài chính, ngân hàng do OceanBank cung cấp (theo bị cáo Ninh Văn Quỳnh, số tiền các đơn vị ngành dầu khí gửi tại OceanBank luôn rất lớn, dao động từ 18 đến 20 nghìn tỷ đồng).
Ông Thắm thừa nhận, do đang cần tăng vốn điều lệ và tìm đối tác có tiềm lực tài chính, ông đã đồng ý ký với ông Đinh La Thăng thỏa thuận góp vốn. Đặc biệt, Hà Văn Thắm khẳng định, trước khi ký, PVN chưa hề tiếp xúc với OceanBank để tổ chức khảo sát, thẩm định tình hình hoạt động của ngân hàng này.
Theo cáo trạng, năm 2008, ông Đinh La Thăng biết rõ tình hình yếu kém của OceanBank nhưng vẫn đồng ý để PVN góp tổng cộng 800 tỷ đồng, nắm giữ 20% vốn điều lệ vào ngân hàng này. Khoản đầu tư bị thất thoát toàn bộ khi Ngân hàng Nhà nước mua lại OceanBank – chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các cổ đông.