Hải Dương yêu cầu mọi người ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu... Người dân phải thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiếu 2 m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Thời gian phong tỏa tại đây được tính lại từ đầu. Người dân hạn chế việc đi lại khi không cần thiết.
Hải Dương thực hiện cách ly xã hội theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn (khu dân cư) cách ly với thôn (khu dân cư), xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện; công nhân ở phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Là tài xế xe khách tuyến Hải Dương - Hà Nội, anh Khúc Văn Nam nghỉ dài đợt Tết này. Phố vắng, anh cùng vợ chơi cầu lông trước nhà. "Tôi dự định mùng 6 hết phong tỏa thì sẽ quay lại làm việc. Nhưng giờ tình hình dịch bệnh căng thẳng, có lẽ tôi sẽ nghỉ hết tháng”, anh Nam chia sẻ.
Người dân ở yên trong nhà, TP Chí Linh những ngày này vắng vẻ hơn.
Cửa hàng tiếp tục đóng cửa.
Bà Đặng Thị Nhàn cẩn thận đeo khẩu trang, kéo kín cánh cửa rồi nhìn ra đường phố. Những ngày này chỉ còn bà và chồng trong căn nhà nhỏ. Cô con gái đi lấy chồng chỉ cách chừng 10 km nhưng do phong tỏa, tết năm nay cũng không về thăm ông bà được. “Từ xưa đến nay, chưa bao giờ tôi thấy cảnh tượng nào như vậy”, người phụ nữ 63 tuổi lắc đầu nói.
Từ chiều 15/2, khi có thông tin thực hiện giãn cách toàn tỉnh Hải Dương, nhiều người dân từ TP Chí Linh xin được qua chốt để đi tới các tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh… làm việc nhưng không được. Họ đành trở về nhà.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản đặc biệt lưu ý về nguy cơ lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung, nhất là những nơi có đông công nhân.
Trong khi số ca mắc Covid-19 ở các tỉnh, thành có dịch đang giảm nhanh thì tại Hải Dương tình hình vẫn còn căng thẳng. Hiện tỉnh này ghi nhận 501 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, riêng TP Chí Linh có 264 ca mắc Covid-19.