Gắn bó với trại giam Yên Hạ từ năm 1994, Thượng tá Mùi Văn Cường, Phó Giám thị trại giam chia sẻ, anh và vợ - Thiếu tá Nông Thị Hiền, cán bộ Đội Tham mưu tổng hợp trại Giam Yên Hạ hiếm khi nào được ở nhà đón Giao thừa với các con.
Do đặc thù công việc nên vào những ngày Lễ, Tết, các cán bộ chiến sỹ phải luôn túc trực trong trại giam, cùng ăn Tết với phạm nhân. Bởi lẽ, việc tổ chức Tết bình thường đã bận rộn thì việc tổ chức Tết cho hàng nghìn phạm nhân còn bận rộn và phức tạp hơn rất nhiều.
Thời điểm Tết đến xuân về là lúc tâm lý phạm nhân có nhiều diễn biến phức tạp nên công tác đảm bảo cho phạm nhân đón Tết vui vẻ, an toàn là nhiệm vụ quan trọng của các cán bộ, chiến sĩ trại giam Yên Hạ nói chung và vợ chồng Thượng tá Cường nói riêng.
Cũng theo Thượng tá Cường, năm nào anh đón Giao thừa trong trại thì Thiếu tá Hiền đảm nhận 'nhiệm vụ' quán xuyến việc nhà và động viên các con, năm Thượng tá Cường được về đón Giao thừa thì Thiếu tá Hiền lại trực Tết. Có năm Thượng tá Cường được về đón Tết sớm thì khi hết ca trực về tới nhà cũng là lúc thời khắc Giao thừa đã qua, vợ con đã đi ngủ.
Mặc dù vậy, vợ chồng Thượng tá Cường vẫn luôn động viên nhau rằng phải đặt nhiệm vụ lên hàng đầu, bên cạnh việc nước thì vợ chồng sẽ hỗ trợ san sẻ công việc nhà. Để làm sao việc nước và việc nhà luôn song hành, chu toàn.
Do đó, với những người như Thượng tá Cường, cảm giác sum họp gia đình bên mâm cơm ngày 30 Tết là mong muốn khá xa xỉ. Thậm chí, cán bộ, chiến sĩ trại giam Yên Hạ còn hóm hỉnh bảo rằng, phạm nhân ở đây nhiều người nếu cải tạo tốt rồi sẽ được ra trại, được trở về đón Tết với gia đình. Nhưng những người lính trại giam thì vẫn luôn lặng lẽ đón Giao thừa trong trại để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nói về người bạn đời của mình, vị Phó Giám thị trại giam Yên Hạ bày tỏ: “Tôi thực sự biết ơn sự hi sinh của bà xã. Đó là người đồng đội trách nhiệm và hết lòng vì chồng, vì con. Đặc biệt, trong đại dịch COVID -19, khi trại giam phải cách ly gần 2 năm trời, cũng là 2 cái Tết tôi không về nhà, một mình cô ấy giúp tôi cáng đáng việc nhà và chăm sóc các con.
Đối với các con, từ khi các cháu còn nhỏ, vợ chồng tôi đã làm công tác tư tưởng, nên các con cũng thấu hiểu, thông cảm và chia sẻ với những khó khăn, vất vả của bố mẹ. Thậm chí, các con còn động viên ngược lại bố mẹ để chúng tôi yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Được biết, ngoài vợ chồng Thượng tá Cường, hiện cũng có 20 cặp vợ chồng đang là cán bộ, chiến sĩ cùng công tác trong trại giam Yên Hạ. Đặc biệt, trong năm học 2021 – 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch, phải học trực tuyến song các con của cán bộ, chiến sĩ trại giam Yên Hạ vẫn đạt kết quả học tập rất tốt. Do đó mà gia đình Thượng tá Cường và 2 gia đình khác của trại giam Yên Hạ vinh dự được Bộ Công an vinh danh là gia đình tiêu biểu của Cục C10.
Trại giam Yên Hạ thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng – Bộ Công an được thành lập ngày 12/11/1964. Đơn vị đóng quân trên địa bàn huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, đơn vị có 01 khu trung tâm chỉ huy và 03 phân trại.
Hiện tại, Trại giam Yên Hạ đang quản lý khoảng trên 3.000 phạm nhân, trong đó rất nhiều phạm nhân án chung thân. Phạm nhân trại quản lý, giam giữ chủ yếu là người thuộc các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La..., số phạm này sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, trình độ hiểu biết về pháp luật còn hạn chế; nhiều phạm nhân không biết chữ phổ thông; là người dân tộc thiểu số và đa số là phạm nhân phạm tội về ma túy và liên quan đến ma túy.
Do đó, tình hình phạm nhân đang chấp hành án tại trại phức tạp, khó lường, tính chất tội phạm của phạm nhân ngày càng nguy hiểm, phức tạp, nhất là số phạm nhân có mức án chung thân, án dài, nhiều tiền án, tiền sự; nhiều phạm nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn không có người thăm nuôi, một số phạm nhân luôn tỏ ra tiêu cực, chán nản trong cải tạo, luôn tìm mọi sơ hở trong công tác quản lý, giam giữ, giáo dục để lôi kéo phạm nhân khác vi phạm nội quy cơ sở giam giữ. Mặt khác, diện tích đất do đơn vị quản lý ít, phần lớn là đất rừng, núi, đất đai khô cằn; thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng, thiên tai, lũ lụt, mưa bão có nguy cơ sạt lở cao.
Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết nhất trí cao, được sự chỉ đạo sát sao và thường xuyên của Đảng ủy, lãnh đạo Cục C10, Đảng ủy, Ban giám thị Trại giam Yên Hạ triển khai thực hiện tốt các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm dịp tết Nguyên đán, dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn và dịp tổ chức các sự kiện trọng đại của đất nước... Thực hiện nghiêm túc các chế độ, nguyên tắc trong công tác vũ trang, bảo vệ, tuần tra canh gác, dẫn giải, tăng cường kiểm tra, lục soát nhà giam, buồng giam, người, công tư trang của phạm nhân; chủ động phát hiện ngăn chặn và xử lý nghiêm số phạm nhân vi phạm Nội quy cơ sở giam giữ, không để phạm nhân cấu kết thành các băng, nhóm hoạt động chống đối hoặc các vụ việc đột xuất, bất ngờ, đảm bảo an toàn trại giam.
Do đó, trải qua 59 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, đơn vị Trại giam Yên Hạ đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao. Với những thành tích đã đạt được, đơn vị trại giam Yên Hạ đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 01 Huân chương chiến công Hạng Nhì, 01 Huân chương chiến công Hạng Ba, 01 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều năm liền đơn vị được công nhận là Đơn vị Quyết thắng; nhiều cá nhân được tặng thưởng Huân chương chiến công, Huy chương Vì an ninh Tổ quốc, Huy chương chiến sỹ vẻ vang và Bằng khen, Giấy khen khác…
Trong tiết trời “cắt da cắt thịt” đặc trưng của miền sơn cước ngày cuối cùng của năm âm lịch cũ, không khí Tết dường như đã lan đến khắp các buồng giam của phân trại 1, Trại giam Yên Hạ.
Đó là những nồi bánh chưng do phạm nhân gói đang nghi ngút khói, hương thơm từ gạo và đỗ xanh tỏa ra ngào ngạt. Đó là hình ảnh phạm nhân vui vẻ tập bài múa “Xòe thái” trong hội trường của phân trại. Đó là khung cảnh ngoài sân, bên tán những cành đào, nhánh mận đang độ khoe sắc, tiếng phạm nhân vỗ tay mỗi khi ai đó ghi điểm trong trận bóng chuyền hay có cú cứu cầu ấn tượng…
Nhưng ít ai biết rằng, để có được những điều vừa nêu, các cán bộ và chiến sĩ của trại giam Yên Hạ đã phải đánh đổi bằng việc được về nhà, giúp vợ dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, đưa vợ con đi chợ mua sắm Tết, biếu cha mẹ già món quà, tấm bánh, rồi giây phút cả nhà quây quần bên mâm cơm chiều 30 Tết, là lúc vợ chồng con cái ngồi xem ti vi, chờ đón Giao thừa…
Bởi, với những người “lính” trại giam, công tác đảm bảo cho phạm nhân đón Tết vui vẻ, an toàn là nhiệm vụ bắt buộc với họ. Do đó, họ phải hy sinh những hạnh phúc nhỏ nhoi và riêng tư nhất của mình, hy sinh giây phút đoàn viên của gia đình vì việc về nhà đón Tết là “bất khả thi” với các cán bộ, chiến sĩ trại giam…