Ngành Sữa Việt Nam: Thành công nhờ “đi tắt đón đầu”

TP - Theo Bộ Công Thương, trong những năm qua, ngành Sữa Việt Nam đã được đầu tư, trang bị hệ thống thiết bị, công nghệ với qui mô hoàn chỉnh, hiện đại; là một trong số ít ngành có trình độ công nghệ khá so với trình độ công nghệ của thế giới.
Sản phẩm sữa Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: Ngọc Châu.

Đi tắt đón đầu

Bộ Công Thương cho biết, các nhà máy trong ngành sữa những năm qua không ngừng được đầu tư, nâng cấp với hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ, khép kín, tự động hóa từ khâu nguyên liệu cho tới khâu thành phẩm, áp dụng công nghệ tiên tiến của các hãng có uy tín lớn về công nghiệp chế biến sữa trên thế giới như: Tetra Pak, Delaval (Thụy Điển); APV (Đan Mạch); DEA, Benco Pak (Italia); Combibloc (Đức), sản phẩm sản xuất ra có chất lượng ổn định và đạt chỉ tiêu về an toàn thực phẩm.

Các doanh nghiệp trong ngành đã xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001- 2008. Hiện đa số các doanh nghiệp đã và đang triển khai hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm theo ISO 22.000. Một số doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Friesland Campina,… đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng HACCP.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trong ngành cũng không ngừng đầu tư mới, mở rộng và nâng công suất nhà máy để đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng tăng của người tiêu dùng. Năm 2013, Vinamilk khánh thành 2 nhà máy, trong đó Nhà máy sữa Việt Nam với tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng, có công suất hơn 400 triệu lít sữa/năm trong giai đoạn 1 và sẽ tăng lên 800 triệu lít sữa/năm trong giai đoạn 2. “Siêu” nhà máy sữa bột trẻ em Việt Nam có tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, công suất 54.000 tấn sữa bột/năm và là một trong những nhà máy có công suất và mức độ tự động hóa cao, hiện đại nhất khu vực châu Á. Tháng 3/2015 Nutifood đã khởi công xây dựng nhà máy chế biến sữa trên diện tích 10 ha.

Bên cạnh đầu tư vào các nhà máy chế biến sữa hiện đại, các doanh nghiệp lớn cũng chú trọng đầu tư vào các trang trại chăn nuôi bò sữa với công nghệ tiên tiến để tăng số lượng trang trại và quy mô đàn bò như Vinamilk, FrieslandCampina Việt Nam.

Cùng với các dự án đầu tư trong nước, các doanh nghiệp trong ngành cũng mở rộng đầu tư ra nước ngoài, điển hình là Vinamilk với các dự án: đầu tư tại Công ty Miraka Limited tại New Zealand với 19,3% vốn cổ phần (năm 2010);  đầu tư vào Hoa Kỳ bằng cách góp vốn 7 triệu USD và nắm giữ 70% vốn chủ sở hữu của Công ty Driftwood Dairy Holding Corporation (tháng 12/2013); hợp tác với đối tác Campuchia Angkor Dairy xây dựng Nhà máy chế biến các sản phẩm sữa (đầu năm 2014); thành lập công ty con có vốn điều lệ 3 triệu USD tại Ba Lan (tháng 5/2014) để buôn bán động vật sống, nguyên liệu sản xuất sữa, sữa, các chế phẩm từ sữa, thực phẩm và đồ uống.

Hội nhập sâu với thế giới

Theo Ủy ban Codex Việt Nam, hiện nay, các sản phẩm sữa trước khi đưa ra thị trường đều phải được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) xem xét và cấp phép. Chất lượng của các sản phẩm được Cục An toàn thực phẩm xem xét và quản lý thông qua hệ thống Quy chuẩn Việt Nam (QCVN). Các quy chuẩn này được xây dựng tương đối phù hợp dựa trên các tiêu chuẩn tương ứng của Ủy ban Codex, đưa Việt Nam hội nhập với quốc tế. Những quy chuẩn này hiện đang được các doanh nghiệp trên thị trường áp dụng và phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh hiện tại. “Việc thực hiện và tiếp tục cập nhật hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cần đảm bảo hệ thống văn bản này phù hợp với tình hình thực tế của các doanh nghiệp tại Việt Nam và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo Việt Nam hội nhập hoàn toàn với tiêu chuẩn chung toàn cầu”, lãnh đạo Ủy ban Codex Việt Nam bày tỏ quan điểm.

Trao đổi với Tiền Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho biết, chất lượng của các sản phẩm sữa ở Việt Nam được cơ quan quản lý kiểm soát quản lý thông qua hệ thống Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Việt Nam, ban hành năm 2010. Trước khi ban hành hệ thống Tiêu chuẩn và Quy chuẩn này, cơ quan soạn thảo đã lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức hội thảo tại VCCI. Thời điểm đó, cơ quan soạn thảo cũng phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Codex Việt Nam để phù hợp với Việt Nam và quốc tế. Thêm vào đó, trước khi ban hành còn gửi sang Bộ KHCN để thẩm định xem có phù hợp với điều kiện Việt Nam hay không. “Tôi khẳng định các Quy chuẩn và Tiêu chuẩn này được xây dựng hết sức bài bản, lấy ý kiến tất các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp liên quan”, ông Phong khẳng định. Ông Phong cho rằng, đến thời điểm này, trong trường hợp có những đề xuất cập nhật, bổ sung hệ thống Quy chuẩn, Tiêu chuẩn này thì Bộ Y tế sẵn sàng lắng nghe và xem xét khách quan, với mục tiêu minh bạch, dễ thực hiện. Đặc biệt là, Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Việt Nam phải phù hợp với tiêu chuẩn thế giới, nhằm hài hòa lợi ích của người dân chăn nuôi, của người tiêu dùng và nhà sản xuất.